Triển vọng đánh bại COVID-19 vẫn mịt mờ

Các nhân viên y tế chôn cất một cụ ông chết vì COVID-19 ở Somaliaảnh: AP
Các nhân viên y tế chôn cất một cụ ông chết vì COVID-19 ở Somaliaảnh: AP
TP - Triển vọng phục hồi các hoạt động kinh tế thế giới vẫn vô cùng mờ mịt sau khi một số chính phủ phải tái áp dụng lệnh hạn chế, sau khi số ca mắc COVID-19 tăng chóng mặt ở nhiều khu vực. 

Ấn Độ hôm qua báo cáo số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục, với gần 20.000 trường hợp, khiến nhiều bang tái áp dụng phong tỏa hoàn toàn hoặc từng phần. Riêng tuần qua, Ấn Độ có thêm gần 100.000 ca mới. Ấn Độ có tổng số 548.318 ca, trở thành quốc gia có nhiều người mắc COVID-19 thứ tư thế giới, sau Mỹ, Brazil và Nga. Ấn Độ đã có 16.475 người chết vì đại dịch.

Thủ phủ bang Assam ở miền đông bắc Ấn Độ, nơi giáp biên giới với Bangladesh, tái áp dụng phong tỏa đến ngày 12/7 vì số ca bệnh tăng quá nhanh. Một bang biên giới khác là Tây Bengal gia hạn cách ly đến ngày 31/7. Nhưng các thành phố có dịch nghiêm trọng nhất của nước này là thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai đã nới lỏng hạn chế, cho phép các nhà hàng, trung tâm mua sắm và công viên mở cửa trở lại, xe buýt và dịch vụ chia sẻ xe tái hoạt động. Chứng khoán Ấn Độ đi xuống vì lo ngại tình trạng gia tăng số ca bệnh và các biện pháp hạn chế cản trở sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Thủ tướng Narendra Modi nói Ấn Độ vẫn phải thúc đẩy kinh tế sau giai đoạn phong tỏa, dù số ca mắc vẫn tiếp tục tăng.

Tại Mỹ, vài tuần sau khi hầu hết các bang bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa, nhiều nơi đang tái áp dụng các biện pháp hạn chế. Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho biết, tình hình lây lan diễn ra “rất nhanh và rất nguy hiểm” chỉ trong vài tuần qua. Số ca mắc mới ở Mỹ vừa phá kỷ lục, có thêm 40.173 trường hợp vào cuối tuần qua. Một khảo sát của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho thấy, số người nhiễm virus corona có thể cao hơn 24 lần con số báo cáo. Theo thống kê của ĐH Johns Hopkins, tổng số người chết vì COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 500.000. Cứ 4 người chết vì bệnh này thì 1 người ở Mỹ. Cả thế giới đã có hơn 10 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó 1/4 ở Mỹ.

Trong tình hình đó, Trung Quốc không tránh được làn sóng thứ hai dù đã áp dụng nhiều biện pháp đề phòng. Khoảng 400.000 người dân huyện Anxin, tỉnh Hà Bắc vừa bị đưa vào diện phong tỏa sau khi nơi này phát hiện 18 ca bệnh mới. Tất cả làng xã, cộng đồng và tòa nhà trong huyện phải đóng cửa hoàn toàn. Mỗi gia đình chỉ được cử một người ra ngoài một lần trong ngày để mua đồ dùng. Xe cộ bên ngoài bị cấm vào. Anxin nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150km về phía nam. Một ổ dịch được phát hiện ở khu chợ Tân Phát Địa trong tháng này khiến chính quyền thủ đô phải áp dụng các biện pháp “thời chiến”. Dịch bệnh đã lây sang tỉnh Liêu Ninh và Hà Bắc, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra làn sóng thứ hai trên khắp Trung Quốc. Trả lời CNN, TS Chung Nam Sơn, chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu của Trung Quốc, cảnh báo nước này vẫn đang đối mặt với “thách thức lớn” vì khả năng virus quay lại.

Kịch bản ác mộng

Hàn Quốc hôm qua có thêm 42 trường hợp mới trong khi số ca bệnh tăng đều ở vùng thủ đô Seoul, khiến chính quyền phải cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội mạnh mẽ hơn.

Ở Mỹ Latin, Brazil là nước bị COVID-19 tấn công nghiêm trọng nhưng lãnh đạo quốc gia này không sẵn sàng áp dụng các biện pháp hạn chế. Tình trạng ở các nước xung quanh như Peru, Chile, Ecuador và Panama cũng diễn biến nghiêm trọng, dù  họ sớm áp dụng phong tỏa.

Trong nhiều tháng, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xảy ra một kịch bản ác mộng: sau khi gây quá tải cho hệ thống y tế của nhiều nước giàu có bậc nhất thế giới, COVID-19 sẽ tấn công những nước nghèo bị chiến tranh tàn phá. Giờ đây, một phần của nỗi sợ đó đã thành hiện thực.

Ở miền nam Yemen, hàng loạt nhân viên y tế đang bỏ việc vì thiếu thiết bị bảo hộ y tế. Nhiều bệnh viện từ chối nhận cả những bệnh nhân khó thở. Ở vùng chiến sự Darfur của Sudan, nơi có năng lực xét nghiệm vô cùng hạn chế, một căn bệnh bí ẩn giống như COVID-19 đang lây lan trong các khu trại tị nạn của những người phải bỏ nhà đi vì chiến tranh, AP đưa tin.       

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.