Thí điểm Hệ thống quản lý ngân quỹ
Theo KBNN, căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, KBNN đã triển khai cải cách quản lý ngân quỹ an toàn, ngày càng minh bạch và hiệu quả.
Cụ thể, tài khoản thanh toán tập trung được xây dựng, tập trung số dư ngân quỹ từ địa phương về Trung ương và gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước, góp phần hình thành tài khoản Kho bạc duy nhất theo thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Các công cụ quản lý ngân quỹ cũng được xây dựng và triển khai như dự báo luồng tiền, đầu tư ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi và bù đắp ngân quỹ tạm thời thiếu hụt. Quản lý ngân quỹ cũng được gắn kết chặt chẽ với quản lý quỹ NSNN và quản lý nợ, từ đó, giảm thiểu chi phí vay nợ cho ngân sách và bước đầu tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Theo KBNN, năm 2019, KBNN đã nộp 5.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2020 nộp 3.000 tỷ đồng nguồn thu từ các hoạt động nghiệp vụ này vào NSNN.
Một trong những nội dung quan trọng góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước là quy định ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi sẽ được gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước và thời gian để gửi tối đa không quá 3 tháng. Tuy nhiên, một trong số hạn chế của công tác quản lý ngân quỹ là việc gửi ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của KBNN được thực hiện theo phương thức thủ công. Tức là, khi KBNN có thông báo gửi tiền vào ngân hàng, các ngân hàng sẽ gửi bản chào lãi suất đến KBNN. Sau đó, KBNN sẽ lập hội đồng để mở các bản chào lãi suất và chọn ra một ngân hàng có uy tín, đảm bảo, có mức lãi suất cao, sau đó hai bên tiến hành lập phụ lục hợp đồng để KBNN gửi tiền vào đó.
Theo KBNN, với quy trình này, các công chức Kho bạc sẽ phải làm rất nhiều công việc sự vụ như lập bản chào về số tiền cần gửi rồi thực hiện gửi thủ công bằng văn bản giấy đến các ngân hàng. Về phía các ngân hàng cũng phải lập bản chào về mức lãi suất, niêm phong và đích thân người của ngân hàng phải mang bản chào lãi suất sang Kho bạc gửi và đại diện của hai bên phải ký nhận rõ ràng.
Để khắc phục tình trạng này và thực hiện các quy định về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước của Chính phủ và của Bộ Tài chính cũng như để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, KBNN đã xây dựng Hệ thống quản lý ngân quỹ để thực hiện gửi tiền có kỳ hạn theo phương thức điện tử. Hệ thống quản lý ngân quỹ được nâng cấp từ hệ thống quản lý ngân quỹ phục vụ công tác dự báo luồng tiền.
Hiện, KBNN đang chuẩn bị triển khai thí điểm Hệ thống quản lý ngân quỹ để thực hiện gửi tiền có kỳ hạn theo phương thức điện tử. Theo thông tin từ Cục Quản lý ngân quỹ, KBNN, Hệ thống quản lý ngân quỹ sẽ được triển khai thí điểm trong tháng 11. Theo đó, trong 2 ngày (10- 11/11), ngân hàng thương mại sẽ tham gia chạy thử Hệ thống quản lý ngân quỹ. Từ ngày 16 - 30/11, triển khai thí điểm Hệ thống quản lý ngân quỹ (thực hiện song song quy trình gửi tiền qua Hệ thống quản lý ngân quỹ và quy trình gửi tiền thủ công như hiện tại). Từ ngày 1/12, Hệ thống quản lý ngân quỹ được triển khai chính thức.
Điện tử hóa mọi giao dịch
Theo ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, để chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm thành công tiến tới triển khai chính thức, KBNN và ngân hàng thương mại đang phối hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng khung về các nội dung liên quan đến việc thực hiện quy trình gửi tiền có kỳ hạn qua hệ thống quản lý ngân quỹ và phụ lục hợp đồng điện tử. Đồng thời, KBNN cũng đề nghị các ngân hàng thương mại chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết (bao gồm chứng thư số của ngân hàng thương mại, chứng thư số của người có thẩm quyền ký bản chào nhận tiền gửi, người được ủy quyền ký phụ lục hợp đồng điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp...) để sẵn sàng tham gia triển khai thí điểm Hệ thống quản lý ngân quỹ từ ngày 16/11/2020.
Với Hệ thống quản lý ngân quỹ, tất cả các giao dịch giữa kho bạc và ngân hàng đều được điện tử hóa. Theo đó, KBNN gửi bản chào điện tử đến các ngân hàng thương mại và các ngân hàng thương mại cũng phản hồi lại bằng bản chào điện tử. Hệ thống quản lý ngân quỹ sẽ tự động chọn ngân hàng phù hợp. Đến đúng ngày, giờ quy định, cả KBNN và ngân hàng thương mại mở bản chào, ngân hàng thương mại nào được lựa chọn sẽ cùng ký bản phụ lục hợp đồng với KBNN bằng phương thức điện tử, hoàn toàn không còn việc ký giấy tờ giấy nữa.
Ông Lưu Hoàng cho biết, quy trình này đảm bảo được việc áp dụng công nghệ tin học vào xử lý nghiệp vụ. Đồng thời tiết giảm được thời gian và công sức cho nhân lực của Kho bạc và ngân hàng, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, an toàn vì không có sự can thiệp của con người. Đặc biệt, thực hiện Hệ thống quản lý ngân quỹ, công chức Kho bạc sẽ không còn mất thời gian làm những công việc sự vụ nên KBNN sẽ dành thời gian để mở các nghiệp vụ mới như mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ sẽ được thực hiện vào thời gian tới đây...
Như vậy, cùng với việc phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại, triển khai dịch vụ công trực tuyến và bây giờ là thực hiện quản lý ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử... cho thấy mục tiêu hướng tới hình thành KBNN điện tử vào năm 2020 với "ba không": không khách hàng, không chứng từ giấy, không tiền mặt, mục tiêu hướng tới Kho bạc số sẽ không còn xa.
Hệ thống quản lý ngân quỹ gồm có 2 phần. Phần thứ nhất phục vụ người sử dụng thuộc KBNN thực hiện các nghiệp vụ dự báo quản lý ngân quỹ và các nghiệp vụ lựa chọn ngân hàng thương mại để gửi quản lý ngân quỹ tạm thời nhàn rồi. Phần thứ 2 cung cấp các chức năng cho phép ngân hàng thương mại có thể thực hiện chào nhận gửi quản lý ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi; tra cứu các văn bản của KBNN; có kết nối với hệ thống chứng thực chữ ký số (CA) để ký chữ ký số.