Trị chứng đau đầu ở phụ nữ và trẻ em

Trị chứng đau đầu ở phụ nữ và trẻ em
Bệnh đau nửa đầu thường gặp phổ biến ở nữ giới, lại mang các yếu tố di truyền và gia đình. Bệnh có những đặc điểm riêng, cần đặc biệt chú trọng trong chuẩn đoán, điều trị và dự phòng.

Chú trọng phát hiện và điều trị kịp thời bệnh đau nửa đầu. Do tính di truyền của bệnh đau nửa đầu phần lớn bắt nguồn từ người mẹ sẽ tác động lâu dài đến các hệ kế tiếp cho nên phải điều trị kịp thời một cách nghiêm túc tại các trung tâm chuyên khoa thần kinh.

Đau đầu trong thời kỳ thai nghén và chu kỳ kinh nguyệt: Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về sự liên quan của các yếu tố nội tiết ở bệnh nhân Migraine nữ với diễn biến của bệnh. Nói chung, kết quả nghiên cứu đã xác nhận được mấy điểm sau:

- Các cơn đau nửa đầu tăng lên trong thời kỳ hành kinh. Có thể nói đây là một yếu tố khởi phát cơn đứng hàng đầu trong nhiều yếu tố phức tạp khác. Do đó người ta còn gọi là thể Migraine hành kinh. Ở những bệnh nhân này, cần có sự điều trị phối hợp với chuyên khoa nội tiết.

- Ở bệnh nhân đang bị bệnh đau nửa đầu nhẹ, thủ thuật thắt buồng trứng có thể làm bệnh nặng lên nên cần phối hợp với chuyên khoa nội tiết nếu cần xử lý phẫu thuật đó.

- Trong thời kỳ mang thai, bệnh đau nửa đầu giảm nhẹ hẳn. Trái lại, nếu bệnh không thuyên giảm, cần cho bệnh nhân khám chuyên khoa nội tiết để phối hợp điều trị.

Dùng thuốc tránh phụ thai có ảnh hưởng gì đến bệnh đau nửa đầu không?

Một số tác giả đã nghiên cứu và nhận thấy khoảng 17% trường hợp dùng thuốc tránh thai làm bệnh nặng lên.

- Một số phụ nữ chưa bị bệnh đau nửa đầu bao giờ, sau khi uống thuốc tránh phụ thai thấy xuất hiện cơn đau nửa đầu. Người ta cho rằng, thuốc tránh thai có thể có khả năng làm phát lộ ra một yếu tố bẩm sinh tiềm tàng của bệnh.

- Một số tác giả khác lại nghiên cứu là cơn đau nửa đầu xuất hiện 2 - 3 ngày sau khi dùng thuốc tránh phụ thai đúng trước thời kỳ hành kinh.

Tóm lại: Các bằng chứng khoa học trên đây chứng tỏ các yếu tố nội tiết có liên quan chặt chẽ với bệnh đau nửa đầu.

Đau nửa đầu ở trẻ em

Dù là bệnh hay xảy ra ở trẻ em, nhưng có thể không bắt gặp được, vì trẻ em trước độ tuổi nào đó (3 tuổi theo Bille) không biểu thị được các triệu chứng xảy ra. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ Migraine ở trẻ em dưới 10 tuổi là 2%, ở trẻ em 11 - 13 tuổi là 5 - 6 %, hiếm gặp bệnh trước 4 tuổi.

Trước hết Migraie là bệnh của tuổi học sinh, trẻ em thường mắc bệnh trong các thời kỳ đi học. Con trai hay bị hơn con gái (60%) chỉ sau tuổi dậy thì nữ mới trội rõ. Migraine ở trẻ em bao giờ cũng là bệnh gia đình, thường di truyền từ người mẹ (72% theo B.Bille). Migraine trẻ em phát triển hồi quy, có 2 hoặc 3 tiêu chuẩn sau đây:

- Đau có đặc điểm là đau một bên.

- Buồn nôn.

- Đau bụng có nẩy mạch.

- Ngủ được bệnh sẽ bớt đi.

- Mất hoặc tồn tại sau 14 -15 tuổi.

Migraine ở trẻ em có 2 thể chính

- Đau nửa đầu thông thường: Cơn đau bắt đầu đột ngột, đôi khi có triệu chứng đau vùng thượng vị, mặt xám xanh đột ngột xuất hiện trước. Đau đầu dữ dội mang tính chất nảy mạch, đau lan tỏa, hiếm gặp đặc tính đau nửa đầu như ở người lớn (chỉ có 1/3 trường hợp, hay thấy nhức vùng trán, đôi khi khó phân tích).

Cơn kéo dài từ 1 đến nhiều giờ. Trẻ em tỏ ra mệt mỏi, khi nằm tìm nơi yên tĩnh và có bóng tối. Nếu trẻ ngủ được, thường khi thức dậy cơn sẽ hết. Tần số cơn rất thay đổi với từng trẻ em ngay trong quá trình tiến triển và trên cùng một đứa trẻ. Nôn xuất hiện làm dịu đau và có thể báo hiệu cắt cơn đau.

Đau nửa đầu thể bụng (tiêu hóa)

Trẻ em đột nhiên bị buồn nôn và nôn, đau bụng dữ dội, đau lan tỏa hay đau ở vùng thượng vị, quanh rốn. Đau bụng tiến triển thành cơn kịch phát. Khám thấy bụng mềm, hầu như loại trừ cấp cứu bụng, da xanh nhợt, cần nghĩ đến khả năng trẻ em bị Migraine.

Nói chung chuẩn đoán sẽ chắc chắn nếu người ta biết rõ một trong hai người thân (bố hoặc mẹ) cũng bị Migraine mà trẻ em đó đã có cơn tương tự, hay các cơn đau đầu có tính chất rất khêu gợi nghĩ tới bệnh đau nửa đầu.

Theo PGS Vũ Quang Bích
SK&ĐS

MỚI - NÓNG