Đây là một trong ba chiếc Rafale phiên bản B dùng trong huấn luyện và máy bay chỉ huy nhóm tác chiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài chiều 26/8.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch PEGASE (Triển khai Đội hình không quân Tầm cỡ tại Đông Nam Á) ở châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra sau khi đội bay Pháp hoàn thành diễn tập Pitch Black 2018 tại Australia. Pháp huy động 100 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật cho chiến dịch, được dẫn đầu bởi tướng Patrick Charaix.
Khi bay tới Hà Nội nó chỉ được đeo thêm tên lửa tầm ngắn Mica treo ở đầu mút cánh. Ngoài ra còn có 3 thùng dầu phụ đủ cho hành trình vượt 3.000 km.
Đây là lần đầu tiên đội hình máy bay đặc biệt của Pháp đến Việt Nam. Sự kiện nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Theo quan sát của phóng viên, phi đội đến sân bay Nội Bài hôm nay ngoài chiếc Rafale còn có một máy bay vận tải A400M, một chiếc A310. Riêng chiếc máy bay tiếp vận C-135 đến muộn hơn vào buổi chiều cùng ngày.
Đội bay Pháp ở Việt Nam từ ngày 26-29/8. Ngoài Việt Nam, các máy bay của không quân Pháp trong chiến dịch PEGASE còn ghé thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ.
Hôm nay tại Nội Bài nắng rất to, mỗi nhân viên kỹ thuật mặt đất của Pháp đều tự trang bị cho mình một chiếc nón lá Việt Nam. Tuy nhiên anh này đã nhường nón để bảo vệ sensor tầm nhiệt của tên lửa khi máy bay vừa đáp xuống mà chưa có dụng cụ chuyên dùng.
Chiếc mũ phi công đặc biệt tại sân bay Nội Bài. Mũ có 2 lớp kính, bên ngoài là kính trong suốt cản tia UV, lớp trong là kính râm. Vì vậy, khi phi công bay trong điều kiện nắng không quá gắt mà cần theo dõi mục tiêu, địa tiêu bằng mắt thường thì dùng lớp kính thứ nhất. Nó phát huy tác dụng khi bay ngược nắng và sử dụng cùng kính râm. Phía trên mũ có cơ chế cài thiết bị quan sát đêm hoặc hud cận chiến.
Rafale hiện là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp, do tập đoàn Dassault Aviation, một trong những hãng chế tạo máy bay lâu đời nhất thế giới sản xuất. Rafale phục vụ trong Không quân Pháp từ đầu những năm 2000.
Chiến đấu cơ này có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, hàng hải và ném bom hạt nhân chiến thuật. Rafale thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/1986. Tuy nhiên, việc sản xuất và đưa vào sử dụng gặp nhiều khó khăn. Mãi đến năm 2001, Rafale mới được chính thức giới thiệu trong Không quân Pháp.
Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Smecma M88, lực đẩy thô 50 kN/chiếc, 70 kN có đốt sau. Động cơ sử dụng hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số giúp tăng lực đẩy, tiết kiệm nhiên liệu và giảm bức xạ hồng ngoại, tốc độ tối đa 1.912 km/h ở cao độ lớn, 1.390 km/h ở độ cao mực nước biển.
Theo dữ liệu của Quốc hội Pháp, đơn giá mỗi chiếc Rafale dao động từ 78-90 triệu USD/chiếc, chưa bao gồm vũ khí.