1.
Uống rượu trong chùa. Gắp hư hao, hư ảo đời người. Gắp mây trắng, gắp bóng mình. Miếng nhấm hư vô.
Chùa ấy. Sư thầy trụ trì thường dịp lễ ngồi dưới gốc si, thức uống mời khách văn chương có thêm chai rượu thảo mộc nâu sồng. Rễ si cổ thụ xù xì bò ra khỏi mặt đất uốn lượn loanh quanh bao năm tháng rồi quay về lặng thinh nhìn khách.
Chùa nhỏ, nghèo, trong con hẻm trung tâm thành phố. Rong rêu mắc kẹt vào dòng đời sống ồn ào. Mây trắng vướng mắc hết vào mái nhà cao tầng xung quanh vây bủa, chừa lại cho chùa một chút thinh không.
Rượu trong chùa là phạm giới. Biết vậy, nhưng chúng sinh mang nòi thi sĩ được thể tất. Chúng ta giữ những bí mật riêng mình. Mỗi người đang lưu trong đầu hàng chục mật mã, mật khẩu mỗi phút giây cần lại mở ra dùng đến. Nhưng bí mật được với ai. Nhà mạng, nhà băng đều nắm rõ như bàn tay. Có gì bí mật được nữa đâu khi não bộ, trí tuệ con người dần được chuyển giao sang cho robot. Cả những suy tư mông lung cũng đã và đang bị cóp bị quét để lưu vào đám mây nào đó một lúc nào sẽ hiện ra dưới những thiết bị bấm nút. Những món đồ ngoại thân. Nên tất cả là tương đối. Nên tất cả đều phải chia sẻ. Trong quy ước chung, là giữ cho nhau.
Tôn giáo được xây dựng từ đức tin, và tất nhiên cả những quy ước, giữ cho nhau quy ước. Nhưng ly rượu phá chấp, giải mã ra sao? Là một câu chuyện riêng tư của một tâm trạng? Quy ước riêng của sư trụ trì với chàng thi sĩ gần cạn tuổi đời cả hai cùng mệt nhoài giữa lao lung đời sống. Tiền định hay vô định, nhân quả hay nhân duyên. Trong hơi rượu hơi thở nhẹ ảo mờ bên gốc si già buổi trưa ấy.
“Phải chăng từ bỏ là quá khó khăn khi những người tu hành vẫn sống trong những ngôi chùa nguy nga, hoành tráng. Cái tiện nghi của vật chất, sự cúng dường của bá tánh cộng thêm sự nhàn rỗi của cuộc sống đã vượt quá nhu cầu của người xuất gia”.
KTS Nguyễn Hòa Hiệp
Nhân gian. Người ta đang vẽ cho bạn những công viên, trường chợ, nhà để xe, khuôn viên riêng... rồi nhét bạn vào chung cư cao ngất, bịt bùng mà mỗi mẩu diện tích được tính bằng vàng. Còn những thứ thinh không xanh tốt kia chỉ là ảo, trên giấy, mà đằng sau đó là bộn tiền rơi vào túi riêng của những nhà đầu tư. Khắp nơi như vậy. Bạn tuyệt vọng treo băng rôn trước chung cư đấu tranh đòi quyền lợi. Đòi lời hứa.
Tôi sống ở thành phố biển miền Trung, nhà còn có trời có đất, dẫu trong một hẻm nhỏ. Ngồi viết lâu lâu bất chợt nhìn ra mảnh sân trước mặt. Cuộc đất ít chục mét vuông mà ngót 20 năm nay tôi nghĩ đã là "của mình". Nhưng sau rồi ngộ ra, rằng có phải "của mình" thật không? Mường tượng về biết bao kiếp nhân sinh không biết tên biết mặt đã từng ấm lạnh đời người chính tại nơi này. Là "của họ" đó thôi. Rồi nay mai, vật đổi sao dời, nơi này “của tôi” sẽ trở thành của những ai khác nữa. Luân phiên ngàn năm. Làm sao cầm nắm sang kiếp khác cái "của mình".
*
2.
Buổi trưa Nha Trang, tôi dò hỏi đường tìm vào chùa Đá dưới chân núi Sạn. “Chùa Đá”? Mấy người dân ven đường ngơ ngác nhìn nhau. Lại phải giải thích, rằng đó không hẳn là chùa, nhưng lại chính là… chùa. Ừ, rồi chính tôi cũng thấy lạ với lời giải thích “nhị nguyên” của mình.
Là bởi tôi bị mê hoặc bởi đề dẫn của nhóm kiến trúc sư trẻ sáng tạo ra ngôi chùa độc dị này mà tôi đọc được từ 3 năm trước, để cứ tự hẹn mình một lần phải đến. Rằng: “Phải chăng từ bỏ là quá khó khăn khi những người tu hành vẫn sống trong những ngôi chùa nguy nga, hoành tráng. Cái tiện nghi của vật chất, sự cúng dường của bá tánh cộng thêm sự nhàn rỗi của cuộc sống đã vượt quá nhu cầu của người xuất gia”.
Hiếm có lời nào ngay thẳng hơn thế, vượt ngoài mọi kinh luận du dương.
Cuối cùng, tôi cũng may mắn gặp được anh Quang, giám đốc điều hành của khu du lịch tắm bùn, suối khoáng I-Resort bên dòng sông Cái nơi chùa Đá độc nhất ấy tọa lạc trên ngọn đồi khuất giữa rừng cây kia. May mắn, bởi mới đầu anh chối gặp, cũng không cho khách lên thăm chùa. Sau mới hay, như anh Quang bảo, cái sự hạn chế tối đa việc lên thăm chùa Đá là để tránh cho khách rơi vào ngộ nhận hay “thất vọng” không đáng có…
Sự hụt hẫng từng xảy ra với khá nhiều người lần đầu chiêm ngắm. Khi nơi này không tam quan, bái đường, chánh điện, không nhà tổ nhà tăng, rồng phượng, sơn son thếp vàng. Không tượng Phật, không chuông mõ. Không. Chùa chỉ duy nhất là một phiến đá chừng 6 mét vuông nặng 4 tấn treo giữa đất trời. Chính xác là đặt trên một khung thép mảnh mai bước vào phải cúi khom. Nền bên dưới cũng là một phiến đá tương tự. Giữa hoa rừng cỏ dại. Phải tâm thức, cảnh giới nào đó mới cảm được đây chính là một ngôi chùa.
Trả lời trên báo, kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp (Văn phòng kiến trúc A21 Studio) – người cùng nhóm cộng sự tạo tác ra chùa Đá, nói rằng chúng tôi muốn làm một ngôi chùa chỉ như tán cây bồ đề mà Thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi rồi thành đạo cách nay 2.600 năm.
Phiến đá khơi vơi nơi tịch mịch như một chữ “Không” vô tận. Nhất phiến dương gian này tưởng chỉ dành cho những đấng bậc “vô sư tự ngộ”. Mà những chùa to chuông lớn đang bao biện khắp cõi này, dễ gì có được.
Tôi theo anh Quang dạo quanh ngọn đồi. Anh chậm rãi mở lời, rằng dẫu không tượng Phật, đài hương nhưng nơi này thiêng lắm. Bởi là nơi an ngụ của một vị tướng quân từ mấy ngàn năm trước cai quản cuộc đất này. Những năm trước bên chàu Đá có cội bồ đề khá lớn, nhưng sau bị bão gãy đổ.
Theo anh Quang, hơn hai chục năm trước, có đôi vợ chồng kỹ sư thủy sản lên đây dựng nhà, khi ấy còn hoang sơ rừng xanh núi trắng. Ngày làm việc dưới phố, tối thượng sơn. Thời gian rảnh lại trồng cây xếp đá. Cứ thế cho đến bây giờ. Sau này ông trở thành một doanh nhân có tiếng. Dịch vụ bùn khoáng nóng cũng đến một cách ngẫu nhiên, chỉ cách đây ít năm. Sau khi khu suối khoáng nóng Tháp Bà cách đó không xa ra đời, bên này khoan thử. Và cũng phát hiện nguồn bùn khoáng trời cho ấy. Bèn đắp một cái hồ “tắm chơi”. Tắm hoài cũng chán, sau mở thành dịch vụ…
Riêng chùa Đá nằm riêng biệt trên đồi cao, khách hầu như ít ai biết sự hiện diện này. Sau này, khi chùa Đá được xếp vào 7 thiết kế tôn giáo đẹp nhất tại Liên hoan Kiến trúc thế giới (World Architecture Festival) năm 2015, một vài tờ báo đăng, nhưng thông tin cũng khá “mờ”, bởi nghe nói KTS Nguyễn Hòa Hiệp với cá tính khá “dị thường”, không muốn đề cập nhiều.
Vào trang web kiến trúc thế giới, tôi xem kỹ những kiến trúc tôn giáo cùng được vinh danh với chùa Đá. Toàn bộ toát lên đều độc đáo trong sự tối giản. Là nhà nguyện bên hồ Coatepeque ở El Salvador, tu viện Mahabodhi (Ấn Độ), là nhà nguyện ở Hiroshima (Nhật Bản) chỉ với hai cây cầu thang xoắn ốc như dải ruy băng màu trắng vươn lên cao trên ngọn đồi nhìn ra biển, …
Thế giới và con người chúng ta đã đủ rườm rà, phức tạp từ tâm thức tới hình thức suốt những ngàn năm qua. Nhưng tâm linh con người thời hiện đại nhiều lúc vẫn bơ vơ không nơi an trú. Vì sao?
Không khó để giải mã, nhưng như một nan đề của thói quen và ảo ảnh của sự hướng thượng, chúng ta mãi cứ sa lầy vào chính mình.
Chỉ một phiên đá giăng mắc giữa nhân gian. Giữa cánh hoa bướm vàng non trên cỏ xanh. Đủ để thấy con người vốn sinh ra và chết đi giữa “cỏ cây ly kỳ gay cấn” (Bùi Giáng) như thế nào…
Chùa Đá. Ảnh: Trần Đăng Quang
U tịch. Ảnh: A21 Studio