Hiểu bản thân
Tại các diễn đàn về du lịch, phượt, bạn trẻ khắp nơi náo nức nói về những cung đường Tây Bắc, Tây nguyên mùa xuân. Khám phá vẻ đẹp núi rừng, thôn bản vào thời điểm này dường như là lựa chọn số 1.
Tuấn Zippo, một thành viên của diễn đàn phuot.vn đang sống tại Hà Nội, người từng tổ chức rất nhiều chuyến du lịch bằng xe máy, cho biết: “Đi du lịch bằng xe máy có tính mạo hiểm cao, dễ xảy ra sự cố hơn các phương tiện khác nên đòi hỏi người tham gia phải tìm hiểu thật kỹ càng trước khi quyết định. Bạn phải đánh giá được bản thân mình: Có đủ sức khỏe không? Có khả năng lái xe đường trường không? Có thực sự thích thú đi du lịch hay đi chỉ vì ham vui? Có tinh thần tự lập không? Có đủ kỹ năng để xử lý sự cố dọc đường hay không?…”.
Theo đó, những tình huống đơn giản nhất như thời tiết xấu, đổ bệnh, xe thủng lốp hay không theo kịp với đoàn, lạc đường… đều rất cần kỹ năng xử lý.
Tuấn kể, có lần cậu đứng ra tổ chức cho một nhóm bạn trẻ đi Tây Bắc. Đến đoạn đèo hiểm trở, thấy một thành viên đang đi tự dưng… tấp xe vào lề đứng lại. Hóa ra đây là lần đầu tiên anh bạn này đi “phượt” bằng xe máy, thấy đèo dốc quanh co lại nhiều xe tải chạy, sợ quá nên không dám đi tiếp. “Còn chuyện hư xe dọc đường, bị ngã xe là không thể tránh khỏi. Những tình huống bất chợt như mưa gió, lạc đường… đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức khỏe dẻo dai”, Tuấn chia sẻ.
Tính đồng đội
Là người có nhiều kinh nghiệm trong các chuyến khám phá bằng xe máy, Lương Đồng (TP.HCM) cho biết đi du lịch theo đoàn bằng xe máy đòi hỏi tinh thần “mình vì mọi người” rất cao, nếu mạnh ai nấy đi, ai thích gì làm đấy… sẽ vô cùng nguy hiểm. Đồng chia sẻ: “Từ trước đến giờ không hiếm trường hợp bị tai nạn, tử nạn một phần là vì không tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu. Một chuyến đi như thế này không nên tổ chức quá 6 xe (12 người), để đảm bảo mọi người có thể phối hợp chặt chẽ được với nhau và trưởng đoàn có thể quản lý dễ dàng. Nếu nhiều hơn, sẽ có nhiều cá tính khác nhau, khó kiểm soát”.
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, nhận định thêm: “Hiện nay trên mạng xã hội, có nhiều nhóm được thành lập và mỗi lần đi đâu lại kêu gọi mọi người tham gia. Toàn những người xa lạ, chưa hiểu tính cách của nhau nên nếu đi chung sẽ rất khó. Những người trong đoàn phải có đủ thông tin về nhau và phải hiểu nhau ở mức độ nào đó mới có thể đi chung và cùng đạt được mục đích”.
Ông Toàn còn lưu ý, vai trò của trưởng đoàn trong các chuyến đi này vô cùng quan trọng, vì là người đứng ra tổ chức, dẫn dắt và kết nối mọi thành viên để mỗi người cần phải phát huy tính đồng đội ở mức cao nhất. Tuấn Zippo cũng thừa nhận: “Trưởng đoàn là người đầu tiên chịu trách nhiệm chuyến đi. Phải là người có uy tín và kiến thức để kết nối mọi người với nhau, đứng ra xử lý sự cố, đưa ra quyết định những khi cần…”.
Khám phá, trải nghiệm những miền đất tràn ngập sắc xuân nhưng đừng quên trở về an toàn, để bắt đầu một năm mới thật nhiều năng lượng bạn nhé!