Nếu là mùa đông, thời gian lý tưởng cho trẻ tiếp xúc với nắng là từ 7-9h trong khoảng 10-30 phút; mùa hè, từ 7-8h và khoảng 10-15 phút.
Mới chào đời đã còi xương
Chị Oanh mới sinh con được một tuần. Mẹ chồng bắt phải kiêng khem nghiêm ngặt cho cả hai mẹ con như kiêng ra ngoài nắng, kiêng tắm, phòng ngủ phải kín gió, không có ánh sáng... chế độ ăn cũng kiêng nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng bé nhà chị phải vào viện điều trị đặc biệt vì bị còi xương nghiêm trọng.
Trẻ có thể bị còi xương ngay ở tuần thứ 2 sau khi sinh nếu không nhận được đầy đủ ánh sáng mặt trời. Biểu hiện của bệnh thông thường là hạ calci máu với các triệu chứng: Trẻ giật mình và quấy khóc khi đang ngủ. Các cơn co thắt kéo dài làm bé khan tiếng, ngạt thở và có thể ngừng thở ngắn. Khi thở, có tiếng rít nhẹ. Dễ bị nôn trớ sữa khi bú. Đi vệ sinh nhiều lần trong ngày.
Nặng hơn, có thể xuất hiện những biến dạng xương như bẹp hộp sọ do tư thế nằm. Nếu nằm ngửa, bé sẽ bẹp vùng dưới đỉnh đầu. Nếu nằm nghiêng, bé sẽ bị bẹp một bên thái dương. Do hộp sọ của bé còn mềm, não lại phát triển nhanh nên những nơi chưa được vôi hóa tốt, hộp sọ sẽ bị đẩy ra ngoài tạo thành bướu.
Thiếu nắng là nguy hiểm
Nguyên nhân trẻ nhỏ bị còi xương một phần là chế độ ăn uống, phần nhiều là trẻ bị nhốt kín quá lâu, không được tiếp xúc với ánh nắng- “thức ăn trực tiếp” của xương. Không giống như kinh nghiệm dân gian của các cụ, trẻ sơ sinh rất cần một môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng.
Nếu sợ bé bị nhiễm lạnh thì hãy mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đội nón, nằm cạnh mẹ để sưởi ấm chứ không được bịt kín ánh sáng và gió. Lý do đơn giản là trong phòng thiếu dưỡng khí (O2), có thể gây nên hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy nếu trẻ nằm trong phòng ngủ có sử dụng một chiếc quạt máy hoặc mở cửa sổ thì giảm được 27% nguy cơ đột tử khi ngủ.
Trẻ mới sinh nên tắm nắng vào lúc sáng sớm để tổng hợp vitamin D, hỗ trợ cho việc phát triển xương, tránh tình trạng vàng da. Ngoài ra, ánh sáng mặt trời giúp trẻ dễ ngủ, bú không ọc sữa, hết vặn mình, có khả năng đề kháng với môi trường, chống lại các bệnh truyền nhiễm. Phần da tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều, cơ thể bé càng nhận được nhiều vitamin D.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên vén áo cao đến phần ngực, cho bé mặc tã, đội mũ để bảo vệ cơ quan sinh dục và mắt. Ngoài ra, cần chọn nơi thoáng mát, sạch sẽ, có nhiều ánh sáng mặt trời (không được ngồi sau cửa kính để tắm nắng vì ánh sáng mặt trời khi chiếu qua kính sẽ mất tác dụng của tia cực tím).
Khi trẻ lớn lên, việc tiếp xúc với môi trường ngòai, đặc biệt là ánh nắng vẫn cực kỳ quan trọng, vì vậy các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con mình chơi dưới nắng an toàn.