Thời tiết vào thu thay đổi thất thường, ngày nắng, đêm lạnh, kèm theo những cơn mưa dông bất chợt ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Bác sĩ Cù Thị Minh Hiền, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ đến khám chủ yếu mắc bệnh đường hô hấp, như viêm họng kèm theo sốt và ho, viêm mũi, viêm phế quản... Trẻ cũng dễ mắc các bệnh về tiêu hóa như đau bụng, ỉa chảy...
Bế đứa con hơn 1 tuổi, chị Nguyễn Thị Minh Hiền (Thái Nguyên) cố gắng cho con bú từng chút một. Chị Hiền cho hay mấy ngày nay, bé đột nhiên ho nhiều, bỏ bú hoặc bú rất ít. Khi bé ngủ, thở khò khè, ngạt mũi. Tháng trước, con chị cũng ho húng hắng nhưng khi được tiêm và uống thuốc, bé đã đỡ nhiều. Vài ngày gần đây, thời tiết thay đổi, bé tiếp tục ho nhiều kèm theo sốt cao. Lo sợ bé bị viêm phổi, chị liền bắt xe xuống Hà Nội cho con đi khám.
Cũng đang ngồi chờ đến lượt khám, anh Hoàng ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bé Anh Vũ 6 tuổi con anh đột nhiên sốt cao sau một ngày chơi đùa bình thường. "Quanh khu nhà tôi ở, bé nào cũng mắc bệnh, không ho thì sốt, viêm phế quản. Con tôi chiều vẫn chơi đùa bình thường nhưng tối về sốt tới 39-40 độ. Cứ hết thuốc hạ sốt là cháu lại nóng như hòn than, có lẽ bị lây từ những bé bên cạnh", người bố lo lắng cho biết.
Bé Su nhà anh Linh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) gần 2 tuổi, không sốt nhưng ho khá nhiều và bị đi ngoài. Anh Linh cho hay tình trạng này cũng diễn ra với nhiều bé trong cùng khu tập thể.
Bác sĩ Minh Hiền cho biết thời tiết thay đổi, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp với những biểu hiện như sụt sịt, chảy nước mũi, ho kèm theo sốt cao, đặc biệt các bé có tiền sử bệnh viêm phế quản rất dễ phát bệnh...
Theo bác sĩ Hiền, bố mẹ nên chủ động tìm hiểu và phòng tránh bệnh cho trẻ. Nên cho trẻ mặc quần áo vừa phải phù hợp với sự thay đổi thời tiết, thường xuyên lau mồ hôi khi trẻ vận động nhiều. Buổi tối không nên dùng điều hòa mà chỉ bật quạt nhẹ, tuyệt đối không quạt thẳng vào người... Nên cho trẻ ăn chín uống sôi, tránh ăn thức ăn đã hâm đi hâm lại, đặc biệt là cho trẻ uống nhiều nước. Hạn chế ăn những đồ lạnh như kem, nước đá dễ khiến trẻ bị viêm họng.
Trẻ mắc bệnh tăng một phần do sai lầm của cha mẹ trong việc chăm sóc, chủ yếu là do cho con ăn mặc không đúng cách: trời hơi trở lạnh đã cho trẻ mặc quá ấm, mồ hôi toát ra nhiều nhưng không được lau kịp thời, ngấm vào trong khiến nhiều bé bị viêm phổi. Nhiều mẹ khác lại vẫn cho con mặc áo cộc tay, đêm vẫn bật điều hòa hay để quạt chiếu thẳng vào người khiến bé ho, viêm họng, cảm lạnh... Nhiều trẻ lại bị đau bụng, tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, thức ăn không hợp vệ sinh, hoa quả không được rửa sạch.
Theo bác sĩ, trẻ mắc bệnh nên nghỉ học và không nên tiếp xúc với trẻ khác. Việc trẻ vẫn đến lớp, tiếp xúc với nhiều bạn khiến trẻ bị lây nhiễm thêm nhiều bệnh mới, sức đề kháng yếu, đồng thời lây bệnh cho nhiều bé cùng lớp. Một lưu ý đặc biệt là bố mẹ không nên tự mua thuốc cho trẻ uống mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc dùng sai thuốc có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Bác sĩ Hiền cũng khuyến cáo các gia đình không nên tức tốc đưa trẻ đến bệnh viện khi mới có dấu hiệu đầu tiên. Việc di chuyển nhiều, tiếp xúc với môi trường đông đúc ở bệnh viện khiến trẻ có thể bị bệnh nặng hơn. Trước tiên, nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được phát hiện bệnh và tư vấn dùng thuốc hợp lý. Với các bé sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, khi có biểu hiện ngạt mũi, bố mẹ có thể rửa sạch mũi cho con bằng nước muối sinh lý hoặc cho bé đi hút mũi... Chỉ đưa trẻ đến bệnh viện khi ho có đờm, ngủ li bì, khó đánh thức, bé sơ sinh bú kém hoặc bỏ bú, sốt cao... Nếu trẻ có những biểu hiện như vậy, nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện, để lâu có thể dẫn tới viêm phổi nặng, hay hen cấp tính...