Việc trẻ học hành mệt mỏi đang được “đổ” cho tâm lý thích ganh đua của phụ huynh . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Đánh vật với bài tập
Chị Phương có con học lớp một của một trường công lập nổi tiếng quận Ba Đình, Hà Nội. Cháu Thanh, con chị Phương, vẫn được cô giáo đánh giá là học sinh thông minh, nhanh nhẹn, tiếp thu tốt. Tuy nhiên, khoảng một tháng nay, cháu tỏ ra sợ học. Nhiều lần đến buổi đi học là cháu viện đủ cớ đau bụng, đau đầu... để được nghỉ.
“Hồi đầu năm học, khi còn được tập viết theo mẫu, chữ viết của cháu khá ngay ngắn, cô giáo thường cho 7 – 8 điểm. Nhưng từ cuối tháng 10 đến nay, các cháu phải viết chính tả (cô đọc, trò viết), chữ của cháu xô lệch, xiêu vẹo, thậm chí còn viết sai”, chị Phương phàn nàn.
Giở quyển vở (được cô giáo ghi ngoài nhãn vở là V1) của cháu Thanh, chị Phương chỉ cho chúng tôi những trang cô đọc cho cả lớp viết. Chẳng hạn ngày 24 - 11, cháu Thanh phải viết một trang gồm tất cả từ và câu có vần in, un trong sách giáo khoa tiếng Việt, kết thúc là bốn câu thơ: “Ủn à ủn ỉn, Chín chú lợn con, Ăn đã no tròn, Cả đàn đi ngủ”.
Ở trang này, cháu Thanh viết sai chữ đùn đẩy (viết thành đìn đẩy); viết dấu hỏi không đúng quy cách (to bất thường) ở câu ủn à ủn ỉn. Theo chị Phương, từ khi được viết chính tả, cháu Thanh thường xuyên viết sai nên dù cô không ra bài tập về nhà, tối nào chị Phương cũng bắt con phải luyện... viết!
“Thoạt tiên, tôi tưởng do con mình không theo được trình độ chung nhưng khi trao đổi với một số phụ huynh có con học cùng lớp cháu Thanh mới biết, hóa ra có nhiều bạn kêu ghét đi học!”, chị Phương kể.
Mới vào lớp một nhưng đã học hành căng thẳng như cháu Thanh không phải là trường hợp cá biệt. Chị Hạnh, một phụ huynh trường Tiểu học ở quận Đống Đa cho biết, năm học vừa rồi, khi con chị còn học lớp một, cả nhà chị phải hủy kế hoạch đi nghỉ dịp lễ vì cô giao quá nhiều bài tập về nhà (khoảng 20 bài tập Toán, tiếng Việt, chính tả) cho học sinh.
Còn theo chị Vi, một phụ huynh có con học lớp một ở trường thuộc quận Ba Đình, gần như cô giáo ngày nào cũng giao bài tập cho các con.
“Cô nói thẳng với phụ huynh, Sở GD&ĐT cấm giao bài tập về nhà cho các con nhưng tôi cứ liều, nếu phụ huynh thấy con hào hứng thì cho làm, nếu con mệt thì thôi. Cô nói vậy, nhưng tâm lý đa số phụ huynh đều muốn con hoàn thành nhiệm vụ, không ai thích con đến trường mà chưa làm xong bài tập”, chị Vi chia sẻ.
Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều phụ huynh, chị Lâm – khu đô thị mới Bắc Linh Đàm – quyết định chuyển con từ trường tiểu học công lập sang trường tư thục để giảm tải gánh nặng học hành.
“Trường cũ của con tôi (trường H.L quận Hoàng Mai) rất nặng nề chuyện học văn hóa, mà ít quan tâm tới các hoạt động ngoài giờ. Năm ngoái, khi con tôi học lớp một ở đó, các cháu vẫn phải học Toán, Tiếng Việt trong các tiết tự chọn. Thậm chí, cuối năm học, trước khi lên lớp 2 cháu phải dự kỳ thi phân loại để trường xếp lại lớp dựa vào học lực của học sinh”.
Bất lực?
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho rằng, việc học sinh các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM kêu học hành nặng nề là không hợp lý. Để giúp các địa phương thuận lợi trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình, Bộ đã ban hành tài liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng.
“Tất nhiên, Bộ cũng không khẳng định chương trình phù hợp với khả năng tiếp thu của tất cả học sinh ở mọi vùng miền, nhưng nếu có ở đâu đó kêu ca thì phải là Cao Bằng, Hà Giang... chứ không phải Hà Nội”, ông Thành nói.
Hội chứng học thêm Theo ông Lê Tiến Thành, việc học sinh học nặng chủ yếu do tâm lý phụ huynh và không loại trừ một số giáo viên hiểu chưa đúng về yêu cầu, mục tiêu của chương trình. Phụ huynh nào cũng muốn con mình giỏi, thậm chí phải giỏi hơn con người khác. Từ đó tạo nên tình trạng ganh đua, ngoài học chính còn cho đi học thêm. |
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thì đúng là có hiện tượng quá tải trong việc học ở nhiều lớp, trường tiểu học ở Hà Nội. Một số giáo viên tiểu học giải thích, họ cũng muốn học sinh học hành thoải mái nhưng trào lưu chung của xã hội thích nhìn thấy kết quả giáo dục cao nên đành phải “ốp” các cháu học.
“Tâm lý phụ huynh nói chung muốn con mình học giỏi nên họ thường sốt ruột khi cô thả lỏng trò. Cô nào có tiếng nghiêm khắc, dạy giỏi mới được nhiều phụ huynh quan tâm mà gửi gắm con em mình” – một giáo viên Trường Tiểu học K (quận Đống Đa) cho biết.
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, từ nhiều năm nay Hà Nội không chủ trương xếp loại thi đua về thành thích học tập của các lớp, các trường.
“Kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ cô giáo tự ra đề. Sở không gây bất kỳ áp lực nào, chỉ yêu cầu kiểm tra học sinh có đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Bộ GD&ĐT đặt ra không. Mà chuẩn nghĩa là mức sàn – mức độ yêu cầu thấp nhất, học sinh các vùng sâu vùng xa còn đạt được huống hồ học sinh Hà Nội! Có thể có một vài trường kiểm tra phân loại chọn lớp nhưng nếu Sở phát hiện sẽ phê bình, yêu cầu trường dừng việc đó ngay”, ông Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn: “Không có chuyện Sở có thể cách chức, kỷ luật hiệu trưởng làm sai vì theo phân cấp, trường thuộc quản lý của quận/ huyện. Hiệu trưởng để xảy ra sai phạm trong chuyên môn ở đơn vị mình, Sở chỉ có thể phê bình, nhắc nhở”.