Tiếng Việt ta cũng vậy, nó độc đáo ở bộ dấu, âm hưởng và tiết tấu. Nếu đưa ra để phân tích thì thiết nghĩ điều đó phải dành cho các nhà ngôn ngữ học, họ là những người có khả năng.
Còn ở đây vấn đề tôi muốn nói đến, đề cập đến là vấn đề trẻ em sinh ra và lớn lên tại Đức- Với vấn đề nói và hiểu tiếng Việt của các em. Thực chất của vấn đề này là một điều đáng bàn, muốn xét thực chất của nó thì phải xét trên hai phương diện khách quan và chủ quan của vấn đề:
Khách quan: Các cháu gặp rất nhiều khó khăn trong việc nói và học tiếng Việt. Vì sao? Vì các cháu sinh ra, lớn lên tại Đức, hoặc các cháu sang Đức từ lúc còn rất bé, khả năng biết và hiểu tiếng Việt còn rất yếu.
Đặc biệt các cháu sống, học tập tại Đức và quan hệ hằng ngày bằng ngôn ngữ Đức nhiều hơn so với tiếng Việt- Do đó vấn đề quên đi tiếng mẹ đẻ là điều không thể tránh khỏi.
Ngoài ra các cháu còn nhỏ thì dễ học tiếng Đức theo phản xạ tự nhiên của những đứa trẻ, điều này cũng dẫn đến vấn đề sau này các cháu quên dần đi tiếng Việt.
Khi các cháu đã nói thạo tiếng Đức thì các cháu sẽ cảm thấy tiếng Đức dễ nói hơn so với tiếng Việt và xảy ra vấn đề: các cháu không thích hoặc không muốn nói tiếng mẹ đẻ nữa.
Nhiều nguyên nhân khách quan khác cũng tác động không nhỏ vào vấn đề này là việc cha mẹ không có nhiều thời gian để dành cho con cái, dạy cho con cái tiếng Việt, hoặc khả năng của cha mẹ không đủ để làm điều đó.
Cha mẹ không thể nào như thầy cô giáo được, cha mẹ dạy câu trước câu sau đã dễ xảy ra vấn đề nổi nóng khi con cái không tiếp thu được những điều đã chỉ dẫn...
Những lớp dạy tiếng Việt có chăng thì cũng không quy mô, hoặc không thu hút được nhiều các cháu đến học. Vấn đề học và dạy tiếng Việt cho các cháu ở tại Đức quả là một vấn đề nan giải.
Chủ quan: Các cháu do từ nhỏ đã tiếp xúc với ngôn ngữ Đức, dần dần lớn lên các cháu không ý thức được sự quan trọng của tiếng mẹ đẻ, nhiều cháu còn nghĩ rằng: Tiếng mẹ đẻ chính là tiếng Đức.
Khi các cháu đã lớn, đủ tuổi trưởng thành, tiếp xúc với cuộc sống xã hội bên ngoài có thể các cháu mới biết và ý thức được tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ thì lúc đấy đã là hơi muộn! Khi đó các cháu muốn học và nói tiếng Việt không còn là điều dễ dàng nữa. Và tiếng Việt lúc đó trở thành một thứ ngoại ngữ đối với các cháu.
Phần cha mẹ thì không có nhiều thời gian để dạy dỗ, phần lớn thời gian cha mẹ phải dành cho việc mưu sinh kiếm sống. Cuộc sống ở trong xã hội Đức cũng không phải là điều dễ thở. Nhất là những gia đình có nhiều con cái đang ở lứa tuổi tới trường. Mọi chi phí trong cuộc sống bắt buộc cha mẹ phải quay như đèn cù cho việc kiếm sống.
Không kể những gia đình có tham vọng làm giàu thì làm sao có nhiều thời gian dành cho con cái được. Cha mẹ không làm cho con cái thấy được rõ bản sắc của mình là người Việt, không tác động cho con cái thấy được tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt thì làm sao các cháu có được sự hứng thú trong việc học và nói tiếng Việt.
Một số cháu và có một số gia đình còn nghĩ sai khi nghĩ rằng: Con cái sinh ra, học tập, lớn lên, sau này sống trên nước Đức thì chỉ học tốt tiếng Đức là đủ(!) Hoặc rằng, ngoại ngữ thứ ba bắt buộc ở trường đã là quá đủ. Một vài bậc cha mẹ khi ở nhà cấm con nói tiếng Đức, chỉ cho phép nói bằng tiếng Việt.
Cách dạy này là một cách dạy không khoa học, làm cho con cái chúng ta bị ức chế, khi bị ức chế con cái chúng ta buộc phải tìm cách đối phó. Một là chúng trốn đi chơi, cặm cụi vào bài vở, chơi điện tử hoặc là không nói một điều gì cả. Tại vì sao chúng lại làm như thế?
Bởi vì ngôn ngữ thường dùng của các cháu là tiếng Đức, các cháu giỏi tiếng Đức, hoặc ít ra cũng nói tiếng Đức giống như tiếng mẹ đẻ, cho nên các cháu thấy tiếng Việt nói không quen, không thuận miệng, không trôi chảy và các cháu không muốn sử dụng nó.
Cũng có một số cháu vì sợ bố mẹ mà phải học, phải nói, nhưng theo tôi làm như thế các cháu không tiếp thu được nhiều... Một số bậc cha mẹ thấy quê hương nghèo nàn quá, lạc hậu quá, họ không thích nói, không thích bàn về Việt Nam và con cái của họ cũng sẽ không coi trọng vấn đề nói được tiếng Việt hay là không.
Lại một số gia đình khác thì cho rằng con cái của họ đang sống ở một nước tiên tiến, hiện đại, cứ để cho con cái họ tư duy theo kiểu của người Đức tốt hơn. Và kết quả những đứa trẻ trong trường hợp đó không hề biết một tí tiếng Việt nào. Hỏi chúng thì chúng bảo chúng là người Đức(!)
Số ít gia đình chạy theo mưu sinh và làm giàu thì mặc cho con cái muốn làm sao thì làm, và rốt cuộc những đứa trẻ này cũng hoàn toàn mù tịt về tiếng Việt. Hoặc có thể nói được một số câu thông dụng, ngoài ra hiểu biết tiếng Việt thì xem như ẩn số.
Trên đây là một số ý kiến khách quan lẫn chủ quan của tôi về những đứa trẻ sống trên nước Đức với vấn đề hiểu và nói tiếng Việt. Thực ra thì tôi nghĩ còn nhiều những trường hợp khách quan và chủ quan khác mà tôi chưa biết. Nhưng thiết nghĩ mình là người Việt mà không biết nói tiếng Việt thì quả là một điều đáng buồn biết bao!
Điều này có thể không phải lỗi ở các cháu lại càng không phải lỗi do cha mẹ tạo ra, mà nguyên nhân chính chủ yếu là do khách quan đưa lại. Vấn đề mấu chốt là phải làm như thế nào để khắc phục trường hợp đáng tiếc đó. Dưới đây là một số ý kiến chủ quan của bản thân tôi:
Thiết nghĩ trước tiên là về phía gia đình, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để dạy dỗ con cái của mình. Tạo điều kiện cho chúng tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ tiếng Việt.
Trong nói năng giao tiếp hằng ngày nên thận trọng và mẫu mực để con cái học theo. Khuyến khích con cái học thêm tiếng Việt. Nên nói cho con cái của mình biết được tầm quan trọng và ý nghĩa của tiếng mẹ đẻ. Nên đưa con cái đến những nơi, những trung tâm có dạy tiếng Việt, để chúng học và tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ.
Nên cố gắng giải thích cho con cái những thắc mắc và ý nghĩa trong câu chữ tiếng Việt mà chúng không hiểu. Nên khuyến khích con cái xem sách báo tiếng Việt. Trên đây là một vài thiển ý của tôi, mong rằng nó sẽ có ý nghĩa!