“Trầy vi tróc vảy” vào trường… mẹ chọn

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trường tư thục Nguyễn Khuyến.
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trường tư thục Nguyễn Khuyến.
TP - Mùa hè sắp đến, trong khi đa số học sinh đều hồ hởi chờ mong những ngày nghỉ ngơi sau thời gian học tập thì cũng có không ít các em “sốt vó” tìm nơi luyện hè, với khát vọng đậu các trường “đình đám” mà cha mẹ mong muốn.

Chạy đua vào trường top

Năm cuối cấp tiểu học, Nguyễn Thị Trang (10 tuổi, ngụ Q.1) gác lại mọi vui chơi, chuẩn bị kiến thức để tham gia “cuộc chiến” vào trường THCS Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình). “Mẹ nói chỉ có vào Nguyễn Khuyến thì sau này tương lai con mới xán lạn. Mẹ nói ngày xưa mẹ muốn vào đây học lắm nhưng học lực không đủ, nay mẹ bồi dưỡng để con tiếp bước ước mơ của mẹ. Do đó con ôn luyện kịch liệt, học ngày học đêm để được đậu” - cô bé thật thà nói.

Để vào ngôi trường “mơ ước của mẹ” không hề dễ dàng với Trang, thành tích 5 năm học sinh giỏi vẫn chưa đủ “chuẩn” bước qua cổng trường, bởi các bạn vào đây ai cũng đều là học sinh giỏi, xuất sắc. Trang phải đăng ký ôn luyện 2 tháng hè tại trường, sau đó thi tuyển để chọn 50% trong số học sinh có điểm cao nhất. Những học sinh này lại tiếp tục sát hạch lần 2, qua được lần này mới chính thức trở thành học sinh Nguyễn Khuyến. Và theo điểm số mà được sếp vào lớp top đầu hay top cuối.

Chị N. - phụ huynh có con đang học lớp 11 trường công lập tại TPHCM nói, năm ngoái, khi con vừa xong lớp 10, tôi đã nộp hồ sơ cho con vào Nguyễn Khuyến, nhưng do con chỉ là học sinh tiên tiến nên không được nhận. Nhà trường bảo nếu lớp 11 mà “nhỉnh” hơn tiên tiến (gần giỏi-PV) thì có thể xem xét. Hè này, số điểm của con suýt loại giỏi nên trường du di nhận hồ sơ, sau đó con phải ôn luyện 2 tháng hè, qua được 2 kỳ thi sát hạch nữa trường mới nhận. Lý giải việc “đẩy” con vào Nguyễn Khuyến cho bằng được dù đã là năm cuối cấp, chị N. nhấn mạnh: “Đây là “lò” đào tạo thí sinh. Cha mẹ nào cũng muốn đưa con vào đây để thi đậu đại học”.

Lý Mộng Thường (11 tuổi, học sinh lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa) nhớ lại, lịch luyện hè năm ngoái kín mít từ sáng đến tối khuya. Cụ thể, từ 7h đến 17h, ba mẹ thay nhau đưa em đi luyện nào Toán, Anh văn, nào tiếng Việt…; 19h, gia sư tới nhà kèm đến 21h ở tất cả các môn. Trước khi đi ngủ, ba em khảo lại các kiến thức học trong ngày đến gần 23h khuya. “Liên tục 3 tháng hè, em chỉ thèm được ngủ, thèm được một ngày bệnh để không phải học nữa. Năm nay, em của em cũng được mẹ “lên lịch” sẵn để chinh chiến vào Trần Đại Nghĩa”.

Giật mình vì đọc nhật ký con

Chị Nguyễn Thị Thái An ở quận Cầu Giấy có con trai năm nay học lớp 8 ở một trường quốc tế thuật lại câu chuyện của mình như sau, vợ chồng chị chỉ có duy nhất một người con nên chị sớm đặt mục tiêu vào bé. Năm bé 2 tuổi, chị gửi con vào một trường mẫu giáo quốc tế để con được học chương trình song ngữ. Từ 3 tuổi, chị đã tìm nhiều chương trình tiếng Anh và Pháp để cho bé theo học cùng lúc 2 ngôn ngữ. Nhận thấy con có năng lực nên 4 tuổi, chị bắt đầu dạy chữ, cho đi học thêm đàn piano, học vẽ để rèn tư duy.

Rồi lần lượt, chị cho con học thêm Toán, luyện chữ, học Toán bằng tiếng Anh... Khi còn vào lớp 1, chị xin nghỉ hẳn việc ở cơ quan để chỉ tập trung đưa đón con đi học ở trường và các trung tâm. “Có thời điểm, hai mẹ con tối nào cũng 9h tối mới về đến nhà. Cho con ăn uống qua loa, đi ngủ để ngày mai đi học sớm. Ngày nào cũng điệp khúc như vậy, con không có cả ngày nghỉ, kỳ nghỉ nào bù lại kết quả học tập con luôn đứng top đầu của lớp”, chị kể.

Cho đến một ngày, chị đọc được đoạn nhật ký của con giấu trong quyển sổ: “Mình ghét bố mẹ. Bố mẹ chỉ biết bắt mình học, học và học. Cuộc đời mình chỉ quẩn quanh bài tập, học thêm. Họ không quan tâm đến suy nghĩ của mình. Mình mệt quá, mình chỉ muốn chết đi. Mình muốn được như bạn Minh, được sống cuộc sống của mình, rất vui vẻ”.

Chị An kể, đọc xong những dòng đó, chị sốc quá, ngồi thụp xuống khóc nức nở. Hóa ra lâu nay mình đặt kỳ vọng vào con quá lớn, dồn ép con quá nhiều mà không hay. Khi đó, chị may mắn gặp được một người bạn, người này phân tích cho chị hiểu mọi nhẽ, từ đó, chị cắt bỏ nhiều lớp học thêm, năng đưa con đi chơi, trò chuyện, làm bạn với con hơn.

Ngôi trường hay trại lính?

Khi tiếp xúc với khá nhiều học sinh đang học ở trường tư thục Nguyễn Khuyến, các em cho hay, nếu mình muốn là học sinh nhóm top đầu, học những lớp đầu khối thì sẽ rất áp lực. “Tinh thần tự giác học tập của học sinh rất cao, không phải tụi em sợ thầy cô đánh phạt mà là tụi em tự ganh đua với nhau, nhiều bạn học rất giỏi, và tụi em phải “rượt” theo. Do đó mà một số bạn học ngày học đêm là vì vậy” - Thi Hà (học sinh lớp 12) nói.

Theo tìm hiểu, khi được nhận vào trường, học sinh cũng như phụ huynh buộc phải ký cam kết tuân thủ tuyệt đối mọi quy định của trường. Với những học sinh vi phạm kỷ luật, tùy từng mức độ, học sinh sẽ bị đứng ở cuối lớp để học và chép bài suốt vài tuần, nếu điểm liên tục thấp sẽ bị chuyển xuống các lớp top dưới… Nếu học sinh “đuối”, trường không đuổi thẳng nhưng khuyên “đi”. Chính sự đào thải khủng khiếp, bắt buộc học sinh phải học bất kể ngày đêm dưới áp lực cạnh tranh và sàng lọc gắt gao.

Đây là ngôi trường nổi tiếng với phương pháp giáo dục nghiêm khắc. Học sinh từ ngày bước vào trường cho đến khi đỗ đại học, rời trường là hành trình trưởng thành chỉ biết có học và đối mặt với áp lực điểm số. Không ít cựu học sinh khi hình dung về ngôi trường cũ, chỉ vỏn vẹn: học kinh hoàng, trại lính, lò rèn…

Khắc nghiệt thế, nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn muốn đưa con vào đây. Khoảng 6.500 học sinh là con số hiếm trường phổ thông nào đạt tới. Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng 1.000 suất, nhưng số hồ sơ chờ xét duyệt luôn cao hơn rất nhiều lần.

Một ngày của học sinh Nguyễn Khuyến bắt đầu từ 5h30, vệ sinh cá nhân xong thì đến trường ăn sáng. Đúng 6h30 chuông reng vào lớp. Buổi sáng học đến 11h30 rồi học sinh được nghỉ ăn trưa. 13h30 vào học buổi chiều, đến 16h30 nghỉ ngơi và ăn chiều; 18h học sinh nội trú tiếp tục giờ học buổi tối, 22h ra về. Học suốt như vậy từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật cũng phải học từ 9h đến 16h30. Đặc biệt, học sinh khối 12 hầu như không được nghỉ trong những dịp lễ tết như Tết Dương lịch, nghỉ lễ 30/4 hoặc nếu có chỉ được nghỉ nửa buổi sáng. Cứ 3 tuần, học sinh khối 12 mới được nghỉ trọn vẹn 1 ngày chủ nhật.

        (Tên nhân vật đã được thay đổi)

MỚI - NÓNG