Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi cùng lãnh đạo TTXVN dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gắn danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Thông tấn xã Giải phóng lên lá cờ truyền thống của TTXVN. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương thay mặt Đảng và Nhà nước trao Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước tặng Thông tấn xã Giải phóng cho đại diện lãnh đạo TTXVN. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới đại biểu, các đồng chí cựu phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng và thân nhân, gia đình những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh của những người làm báo - chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng - cơ quan thông tấn tuy “hai mà một, tuy một mà hai” với Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã chính thức ra đời. Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt từ năm 1960 đến 1975, mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, nhất là phải thay đổi trụ sở hàng chục lần do bị Mỹ - Ngụy tấn công, nhưng Thông tấn xã Giải phóng đã kiên quyết bám trụ, không ngừng phát triển cả về lực lượng và tổ chức, duy trì “mạch máu” thông tin liên tục, thông suốt, với khẩu hiệu "Làn sóng điện không bao giờ tắt" như một mệnh lệnh.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo TTXVN và các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ của TTXVN đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, trong hơn 15 năm hoạt động, từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh tới ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Thông tấn xã Giải phóng đã trở thành chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc: từ việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đến lễ công bố danh sách Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt những người làm báo - chiến sỹ ngành thông tấn. Để có những dòng tin chiến sự nóng bỏng, những bức ảnh có sức cổ vũ tinh thần chiến đấu, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã trực tiếp chiến đấu và cũng chịu hy sinh như những người lính. Hơn 240 phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh nhiều nhất trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong suốt những năm tháng đó, Việt Nam Thông tấn xã ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho Thông tấn xã Giải phóng mà còn đào tạo phóng viên, nhân viên kỹ thuật, cử cán bộ lãnh đạo vào chiến trường. Từ 1959 đến 1975, Việt Nam Thông tấn xã đã cử vào chiến trường gần 450 người. Trong đó, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng và chiến trường Nam bộ 236 người.
Ngày 24/5/1976, trước tình hình và yêu cầu mới của cách mạng, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng chính thức hợp nhất và gần một năm sau đó (ngày 12/5/1977) được đổi tên gọi TTXVN, đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của hãng thông tấn quốc gia. Ngày nay TTXVN đã trở thành cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước, hãng thông tấn quốc gia hàng đầu khu vực và có uy tín trên thế giới.
Phát huy truyền thống của thế hệ nhà báo thời chiến, trong thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước, những người làm báo TTXVN ngày nay tiếp tục kiên định với những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam, dấn thân, tận tâm với nghề và tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò của cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Các đại biểu, nguyên cán bộ TTXVN, nguyên phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên của TTXGP dự buổi lễ. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Ông Đoàn Văn Thiều, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng chia sẻ: “Đã 60 năm trôi qua, với tôi, hình ảnh và thời khắc bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng được phát đi, chính thức ra đời vẫn còn mãi in đậm trong ký ức. Những người có mặt tại buổi phát tin đầu tiên đó chỉ có 6 người gồm anh Đỗ Văn Ba, anh Phùng Văn Dựng, anh Đặng Văn Song, anh Võ Văn Khuê, anh Trương Văn Phia và tôi. Lúc đó cũng không biết rõ bản tin đó có nội dung gì, vì anh Ba Đỗ cầm giấy phát tin. Chỉ biết đó là bản tin đầu tiên, phát lên để chứng tỏ sự có mặt của ta và chỉ ngay ngày hôm sau đài BBC đưa tin về sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng. Và cũng kể từ hôm đó, các bản tin của ta được liên tục được truyền đi với khẩu hiệu “duy trì làn sóng diện không bao giờ tắt”.
* Nhân dịp này, TTXVN đã tổ chức Trưng bày ảnh “Thông tấn xã Giải phóng anh hùng” - giới thiệu hình ảnh tiêu biểu về những đóng góp to lớn, thành tích đặc biệt xuất sắc của Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Các đại biểu, nguyên cán bộ TTXVN, nguyên phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên của TTXGP dự buổi lễ. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Đồng thời, Nhà xuất bản Thông tấn cũng đã ra mắt cuốn sách “Thông tấn xã Giải phóng Anh hùng”, với hơn 260 trang sách tập hợp thông tin, những bài viết, bức ảnh của các phóng viên từng tham gia chiến trường, có mặt trong những giờ phút lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là món quà đầy ý nghĩa của thế hệ những người “thông tấn” hôm nay tri ân thế hệ đi trước.