Tranh kính - còn, mất

Tranh kính - còn, mất
TP - Tranh kính phổ biến trong dân gian đang bị mai một ở Nam Bộ, nơi một thời rất thịnh hành. Triển lãm tranh kính tại chùa Xá Lợi (TPHCM) trung tuần tháng 8 gợi lên việc bảo tồn di sản quý.

> Chuyện với nhà văn thủy thủ Nga bên hè Hà Nội

Triển lãm tranh kính (Nam Bộ gọi là tranh kiếng) tại chùa Xá Lợi thu hút hơn 200 người xem. Sư Thích Đồng Bổn (Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam), tổ chức triển lãm nói: “Tranh kính là nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam. Nội dung ngoài miêu tả sinh hoạt dân gian, chủ yếu liên quan đến đời sống tâm linh”.

Miền Bắc có làng nghề tranh kính ở Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nội. Vào thời Nguyễn, vua chúa thường sử dụng tranh kính (gọi là tranh gương) trang trí trong cung điện và lăng tẩm. Các làng nghề tranh kính Huế cũng mai một hầu hết. Trong dân gian hiện chỉ còn treo những bức tranh kính đơn giản vẽ hình bát quái trước cửa nhà để phong trừ ma tà theo quan niệm dân gian.

Triển lãm lần này giới thiệu gần 100 bức tranh kính dân gian trong số hàng ngàn bức mà các nhà sưu tập cố công lưu giữ. Sư Đồng Bổn cho chúng tôi xem một số bức vẽ Phật Bà Quan Âm theo phong cách tranh Đông Hồ được các nghệ nhân Nam Bộ thực hiện.

Có thể thấy điểm chung của ba mảng tranh kính người Hoa chợ Lớn, tranh kính người Khmer và tranh kính người Việt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là đều lấy chủ đề Phật giáo làm trung tâm.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết: “Mảng quan trọng của tranh kiếng của người Nam Bộ chính là tranh thờ gia tiên”. Vẽ phong cảnh sông núi theo câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Triển lãm cũng sưu tập được những tranh lớn chủ đề này. Chủ đề tranh thờ tổ tiên lấy cảm hứng từ thiên nhiên còn có tranh Mai, Lan, Cúc, Trúc, hay Tre tàn măng mọc.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói: “Tại Đồng Tháp, An Giang, Mỹ Tho, nghề vẽ tranh vẫn sống được, thậm chí bán được sang các nước Đông Nam Á. Riêng Sài Gòn chỉ còn lại dòng tranh người Hoa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG