Một nạn nhân bị đâm thủng tim phổi được cứu sống ở bệnh viện tỉnh . |
Hàng chục bệnh viện trên một phố núi
Hưởng ứng chủ trương kêu gọi xã hội hoá y tế của Chính phủ, Đa khoa Thiện Hạnh là bệnh viện tư nhân đầu tiên trên khu vực Tây Nguyên ra đời vào tháng 3-2005. Mức thu phí không quá chênh lệch so với bệnh viện công nhưng cơ sở vật chất và thái độ phục vụ dễ chịu hơn hẳn, niềm nở nhận bệnh nhân bảo hiểm y tế từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối tất cả các ngày trong tuần, Thiện Hạnh thu hút sự chú ý không chỉ của các tầng lớp dân cư khá giả mà cả đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa.
Trả lương cao vọt cho các bác sĩ, điều dưỡng giỏi, cộng với cơ chế quản lý minh bạch công bằng và trân trọng tài năng, Thiện Hạnh kéo về cho mình không ít nhân lực ưu tú từ bộ máy nhà nước.
Sau 5 năm tận dụng hết công suất giường bệnh, đầu tư sâu cho các khoa Mắt, Sản, Nha, Nội soi, Chẩn đoán siêu âm, Thiện Hạnh chuẩn bị mở rộng quy mô từ 200 giường lên 400 giường vào năm 2012, tự giải quyết nhu cầu nhân lực bằng cách vận động trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh hợp tác, hỗ trợ toàn diện cả về kỹ thuật lẫn đào tạo, nâng cấp tay nghề cho đội ngũ.
Thành công của Thiện Hạnh tác động đáng kể tới phương thức quản lý điều hành và khát vọng cầu tiến của các bệnh viện công xung quanh, góp phần kích thích dòng đầu tư vào mạng lưới dịch vụ y tế tư nhân trên phố núi.
Ngoài BV Đa khoa TP Buôn Ma Thuột quy mô 200 giường vừa đi vào hoạt động từ tháng 3-2010 và Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đồ sộ nhất trên khu vực với quy mô 800 giường bệnh, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vừa động thổ giữa tháng 7-2010, thời gian gần đây hàng loạt dự án xây dựng bệnh viện tư nhân khác được cấp phép đầu tư ngay nội thành Buôn Ma Thuột như Ngoại sản Tây Nguyên, Đa khoa Nhân An, Đa khoa Đất Việt v.v...
Bác sĩ Doãn Hữu Long giám đốc bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột cho biết: Không ít bác sĩ thuộc quyền của ông đang có ý định chuyển nhiệm sở công tác qua bệnh viện tư, sang tỉnh khác hoặc về TP Hồ Chí Minh, nơi có điều kiện ưu đãi tốt hơn để làm việc và sinh sống.
Mới đây, tôi bất ngờ gặp lại bác sĩ từng phụ trách khoa Bỏng của một bệnh viện nhà nước trong màu áo mới của một bệnh viện tư nhân. Thì ra thất vọng với cơ chế quản lý chật chội ở cơ quan cũ, anh bỏ nghề sang Gia Lai làm sếp một doanh nghiệp sản xuất bao bì. Giám đốc bệnh viện tư nhân nghe tin liền qua Gia Lai thiết tha mời gọi anh. Mời đến lần thứ ba, anh mới quay về.
Cử nhân Răng Hàm Mặt Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Cty Nha khoa Xuân Hương kể: 20 năm công tác tại bệnh viện và 2 năm dạy nghề làm răng giả ở Cao đẳng Nghề Hà Nội cho chị hiểu phần lớn người bệnh không cần sự ban ơn của thầy thuốc mà cần được đối xử sòng phẳng, tận tuỵ. Xin ra khỏi biên chế nhà nước để mở Cty, chị phát triển bộ máy nhân sự lên 60 người bằng cách tự đào tạo và liên tục gửi nhân viên đi học.
Bà Xuân Thủy trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế xác nhận tình hình đáp ứng nhân lực cho ngành y tế đang ngày một căng thẳng do nhiều nguyên nhân khác nhau: Phải chia tách ra nhiều đơn vị Trung tâm y tế, bệnh viện, Phòng y tế, Trung tâm dân số KKH Gia đình, Y tế dự phòng v.v… cho mỗi huyện thành theo yêu cầu của Bộ Y Tế ; Tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do cơ chế chi trả và trải thảm đón trí thức vào bộ máy nhà nước của tỉnh Đắk Lắk kém hấp dẫn so với nhiều tỉnh thành lân cận và bệnh viện tư nhân khác, nên dù sẵn có Đại học Tây Nguyên năm nào cũng làm lễ tốt nghiệp cho sinh viên y khoa ngay trên địa bàn, tỉnh vẫn thiếu bác sĩ nghiêm trọng.
Không cần thi!
Tháng 9-2010 Đắk Lắk mở đợt tuyển công chức, ngành y tế 3 tuyến tỉnh huyện xã gửi nhu cầu cần 179 bác sĩ nhưng chỉ có 38 hồ sơ dự tuyển nộp vào, khỏi cần thi cũng chấm đậu hết. Riêng bệnh viện tỉnh chỉ cần 8 bác sĩ đa khoa, nhưng vì tới 20 bác sĩ đa khoa trên tổng số 38 hồ sơ dự tuyển có nhu cầu về bệnh viện tỉnh nên Sở đành động viên bệnh viện tạm nhận, kẻo “thả ra” họ lại “trôi” sang nơi khác!
Trong khi đó, các trung tâm y tế tuyến huyện đang rất cần bổ sung bác sĩ nhưng ít ai chịu về, ví dụ TTYT Ea Súp, huyện biên giới 63 nghìn dân cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn bảy mươi cây số cần ít nhất 8 bác sĩ nhưng hiện chỉ có vẻn vẹn một nữ bác sĩ làm giám đốc kiêm đủ việc linh tinh. Nhiều bệnh viện các huyện khác cũng chỉ nhận được phân nửa số bác sĩ so với nhu cầu.
Bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, giám đốc Sở Y Tế Đắk Lắk khẳng định: Một trong những nguyên nhân khó giữ chân bác sĩ giỏi cho bệnh viện công là mức đãi ngộ quá kém! Đầu vào ĐH Y phải đạt 25-26 điểm/3 môn mới đậu. Đậu rồi học ròng rã 6 năm. Ra trường chưa làm được ngay, phải học thêm 1 năm định hướng chuyên khoa để có kiến thức sơ bộ.
Muốn làm tốt chuyên môn, trở thành bác sĩ điều trị thực thụ, còn phải trải qua thi sát hạch, ngoại ngữ, chuyên môn, học tập trung tiếp 2 năm, bảo vệ luận văn tốt nghiệp thành công mới được công nhận trình độ chuyên khoa I. Nhưng có là bác sĩ chuyên khoa I, mức lương vẫn dưới 2 triệu đồng một tháng! Ai cũng thấy làm ở bệnh viện lớn hoặc y tế tư nhân may ra thu nhập mới cao, mới có nhiều cơ hội thăng tiến, nâng cao tay nghề.
Vài ba năm tới, khi hàng loạt bệnh viện công tư cùng khánh thành và đi vào hoạt động, làm thế nào để hạn chế tình trạng “tranh giành” bác sĩ giỏi tất yếu xảy ra ? Bác sĩ Phi Tiến thừa nhận đó là thực tế khó tránh.