Tranh chấp tên miền – Lưu ý nào cho các bên?

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với sự phát triển của internet, việc đăng ký, sử dụng tên miền trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, cùng với đó là sự xung đột giữa tên miền và nhãn hiệu ngày càng tăng, dẫn đến không ít tranh chấp giữa các chủ thể quyền. Vậy, lưu ý nào cho các bên khi đăng ký và sử dụng tên miền khi hoạt động sản xuất kinh doanh? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Quang Vinh – Giám đốc Công ty CP Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự.

Xin chào Luật sư Lê Quang Vinh!

PV: Thưa Luật sư, từ thực tiễn hoạt động tư vấn trong lĩnh vực SHTT, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng tranh chấp tên miền ở Việt Nam hiện nay?

Hiện nay không có cơ quan nào thống kê số lượng các vụ tranh chấp tên miền quốc gia .VN nhưng thông qua báo chí chúng ta có thể thấy rằng tranh chấp tên miền đang xuất hiện ngày càng nhiều. Đại đa số các tranh chấp tên miền là tranh chấp giữa một bên là chủ sở hữu nhãn hiệu với bên kia là chủ thể đã đăng ký tên miền, theo đó chủ sở hữu nhãn hiệu thường khởi kiện vụ án hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bằng biện pháp hành chính chống lại chủ thể đã đăng ký tên miền đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Căn cứ pháp lý mà chủ nhãn hiệu hay viện dẫn là cáo buộc hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền bởi chủ thể đăng ký tên miền là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Ngoài việc có thể kèm yêu cầu bồi thường nếu khởi kiện tại tòa án, chủ sở hữu nhãn hiệu thường yêu cầu cơ quan chức năng buộc chủ thể đăng ký tên miền trả lại tên miền hoặc buộc thu hồi tên miền tranh chấp đó cho cơ quan đăng ký tên miền để sau đó chủ nhãn hiệu được cấp quyền ưu tiên đăng ký tên miền đó trong thời hạn nhất định.

Tranh chấp tên miền – Lưu ý nào cho các bên? ảnh 1

PV: Vậy, nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp này là gì, theo Ông?

Có ba nguyên nhân chính dẫn tới tranh chấp giữa tên miền và quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu:

Thứ nhất, hiện vẫn chưa có một điều luật nào ở Luật SHTT 2005 hoặc ở Luật Công nghệ thông tin 2006 (Luật CNTT) có đủ khả năng giải quyết triệt mối quan hệ xung đột giữa tên miền (thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật công nghệ thông tin) với nhãn hiệu (thương hiệu) thuộc đối tượng bảo hộ của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, tình trạng lạm dụng lấy thương hiệu, nhãn hiệu của người khác để đăng ký tên miền có khuynh hướng gia tăng nhanh vì việc đăng ký tên miền về cơ bản không cần thẩm định mà chỉ cần theo quy tắc “duy nhất” và “ai đến trước cấp trước”.

Thứ ba, chi phí đăng ký tên miền rất rẻ, không tốn thời gian, và pháp luật hiện hành cho phép chuyển nhượng tên miền trong khi khả năng bán lại tên miền với giá cao dễ khả thi.

PV: Rõ ràng, sự xung đột giữa tên miền và nhãn hiệu đã khiến cho không ít trường hợp tranh chấp xảy ra, gây thiệt hại cho các bên. Vậy, để hạn chế sự xung đột này, Ông có đề xuất, kiến nghị gì trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên?

Tên miền quốc gia .VN không phải là một hình thức bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ mà nó là đối tượng điều chỉnh của Luật công nghệ thông tin năm 2006. Tuy nhiên, hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng, hoặc sử dụng tên miền quốc gia trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ của người khác thì lại có thể bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật hiện hành cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể chọn một trong bốn biện pháp giải quyết tranh chấp tên miền gồm: (1) thông qua thương lượng, hòa giải; (2) thông qua trọng tài; (3) khởi kiện tại tòa án; hoặc (4) xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Điều 130.1(d) Luật SHTT bằng biện pháp hành chính kèm theo áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Biện pháp thương lượng, hòa giải thường không được chủ thể quyền chấp nhận vì chủ thể đăng ký tên miền đòi phí nhượng tên miền với giá cao trong khi biện pháp trọng tài thì không hoạt động vì chủ thể đăng ký tên miền thường không đồng ý ký thỏa thuận trọng tài. Biện pháp khởi kiện có hạn chế lớn nhất là quá trình thụ lý và xét xử sơ thẩm có thể kéo dài tới một hoặc vài năm chưa kể khả năng phải xét xử phúc thẩm hoặc vụ án có thể bị đình chỉ do bị đơn chuyển nhượng tên miền cho chủ thể khác trước khi tòa xét xử.

Tranh chấp tên miền – Lưu ý nào cho các bên? ảnh 2

Trong khi cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền ở điều 76 Luật CNTT và Điều 16 Nghị định 72/2013 có vẻ giống với Chính Sách Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền Thống Nhất (UDRP) của WIPO và ICANN thì việc đăng ký và sử dụng tên miền bị xử lý dưới dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Điều 130.1.d) Luật SHTT lại đòi hỏi điều kiện gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý với mục đích lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý tương ứng. Vì lẽ trên, Điều 130.1.d) Luật SHTT nên được sửa đổi, chẳng hạn: (a) luật hóa 3 điều kiện của UDRP vào Điều 130.1.d) Luật SHTT; hoặc (b) tìm cách ưu tiên chọn luật áp dụng, ví dụ có thể bổ sung vào khoản 2 điều 5 Luật SHTT: “Trường hợp tên miền thuộc đối tượng của một vụ kiện tại tòa án hoặc một vụ vi phạm hành chính mà được xác định là trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ thì các bên liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy định của Luật này để giải quyết”.

PV:Và để tránh những tranh chấp không đáng có, Ông có khuyến nghị gì cho DN trong việc đăng ký tên miền, nhãn hiệu khi hoạt động sản xuất kinh doanh, thưa Ông?

Cách phòng tránh tốt nhất các tranh chấp tên miền có thể xảy ra là doanh nghiệp nên chủ động đăng ký nhãn hiệu, tên miền quốc tế và tên miền quốc gia sớm nhất có thể vì cả tên miền và nhãn hiệu đều chỉ được cấp dựa trên quy tắc chung “ai đến trước cấp trước”. Trường hợp đối thủ đăng ký tên miền theo kiểu sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký của Doanh nghiệp kết hợp các yếu tố mô tả hoặc các yếu tố khác, Doanh nghiệp cần nhanh chóng thu thập chứng cứ bao gồm cả lập vi bằng để cảnh báo hoặc khởi kiện yêu cầu chủ thể tên miền trả lại tên miền hoặc chuyển nhượng tên miền.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.