Tranh cãi về chuyển đổi mô hình trường học

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh, phụ huynh lo các trường THPT công lập chuyển đổi mô hình trường chất lượng cao
Học sinh, phụ huynh lo các trường THPT công lập chuyển đổi mô hình trường chất lượng cao
TP - Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều quanh việc chuyển đổi mô hình trường công có chất lượng sang trường chất lượng cao (CLC). Nhiều người lo ngại rằng, con nhà nghèo không “có cửa” vào học trường tốt.

Hiện Hà Nội có 22 trường được UBND TP phê duyệt mô hình trường CLC ở cả 4 bậc học từ mầm non tới THPT. Trong đó, bậc THPT hiện có 2 trường là THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) và Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông). Để trở thành trường CLC, trước đó, các trường này phải có sẵn nền tảng chất lượng giáo dục tốt từ đội ngũ giáo viên tới cơ sở vật chất. Tuy nhiên, khi chuyển đổi mô hình CLC, các nhà trường này sẽ được áp mức trần học phí riêng, cao gấp hàng chục lần so với trường công lập bình thường khác.

Trước thông tin, sắp tới, Hà Nội tiếp tục chuyển đổi mô hình một số trường THPT như: Kim Liên, Phan Đình Phùng, Chu Văn An sang trường CLC, nhiều người băn khoăn, lo lắng vì không đủ điều kiện cho con theo học. Lâu nay, các trường THPT kể trên là những trường có chất lượng top đầu của Hà Nội. Với việc cho phép học sinh đặt 1 nguyện vọng cho khu vực bất kỳ thì các trường kể trên là mục tiêu của nhiều học sinh giỏi các trường trong thành phố.

GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho rằng, không nên chuyển đổi trường công có chất lượng sang trường CLC. Đã gọi là trường công, trường nào cũng phải phấn đấu, đổi mới giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo viên để đào tạo học sinh có chất lượng. Khi chuyển đổi mô hình, các trường thu học phí cao là rào cản đối với con nhà nghèo. Đặc biệt, việc chuyển đổi Hà Nội đang dự định thực hiện ở các trường có sẵn chất lượng, nền tảng tốt, làm mất cơ hội học tập của nhiều học sinh không có điều kiện là không nên. Chưa kể, khi chuyển đổi mô hình gọi là trường CLC, thu học phí cao nhưng chất lượng thực sự có cao hay không cũng là câu hỏi.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, đến nay Hội đồng UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình trường học. Tuy nhiên, nếu thực hiện, năm đầu tiên tuyển sinh, học sinh lớp 10 sẽ thực hiện mô hình chất lượng cao, thu học phí theo mô hình này. Những lớp trên như lớp 11, 12 đang học theo chương trình đại trà, nếu phụ huynh không đồng tình, vẫn tiếp tục dạy học theo chương trình này và thu học phí như bình thường.

Không nên triển khai ồ ạt

Trong khi đó, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, lại ủng hộ mô hình trường này. Ông nói, theo Luật Thủ đô, Hà Nội là địa phương có cơ chế đặc thù để xây dựng mô hình trường này. “Mô hình này không phải làm phổ biến mà chỉ thực hiện được ở những nơi đã có đủ trường học bình thường cho học sinh. Hiến pháp đã có quy định Nhà nước đầu tư cho phát triển nhân tài, vì thế những học sinh có năng lực đặc biệt có thể thi vào trường chuyên. Ở đó, các em được đầu tư, thậm chí cấp học bổng để học tập.

Riêng trường CLC lại khác, là nâng cao điều kiện học tập, dịch vụ tốt hơn, do đó, học sinh muốn vào trường này phải đóng mức học phí cao là đương nhiên”, ông Thi nói. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khi thực hiện chuyển đổi, Hà Nội cần thận trọng, không làm ồ ạt và chỉ thực hiện được ở những nơi đã đảm bảo chỗ học cho học sinh đại trà ở khu vực đó.

Luật Giáo dục 2019 không chấp nhận đưa vào luật mô hình trường công lập CLC. GS Đào Trọng Thi cho rằng, vì Hà Nội có Luật Thủ đô riêng và là địa phương thực hiện thí điểm mô hình này, nếu mô hình trường này chỉ để khối trường ngoài công lập thực hiện thì chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, chưa kể mức học phí ở những trường này sẽ cao hơn rất nhiều khối trường công chuyển đổi mô hình.

MỚI - NÓNG