Tranh cãi về cầu Trần Hưng Đạo: Không có thứ kiến trúc gọi là 'xứ Đông Dương'

0:00 / 0:00
0:00
Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo (ảnh dưới) bị cho là cóp nhặt một vài chi tiết ở cây cầu tháp nổi tiếng của London, Anh
Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo (ảnh dưới) bị cho là cóp nhặt một vài chi tiết ở cây cầu tháp nổi tiếng của London, Anh
TP - Bản thiết kế Xứ Đông Dương của cầu Trần Hưng Đạo sau khi được hội đồng thẩm định phê duyệt và có “nguy cơ” được chọn thi công, làm dấy lên những cuộc tranh luận về kiến trúc rập khuôn, giả cổ và mang tính hình thức. TS.KTS Trần Quốc Bảo (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng Hà Nội) nhấn mạnh phong cách Đông Dương không thể áp dụng cho cầu.

Cảm quan ban đầu của ông khi nhìn thấy bản thiết kế “Xứ Đông Dương” của cây cầu Trần Hưng Đạo?

Tôi rất ngạc nhiên, tại sao vào thế kỷ XXI này mà đa số thành viên hội đồng thẩm định lại ủng hộ một phương án trông khá khó hiểu. Không thể gọi đó là cổ điển được, cũng không có thứ kiến trúc gọi là “xứ Đông Dương”. Nó không có luận cứ khoa học. Chưa nói gì về đẹp xấu, nếu bảo đó là kiến trúc cổ điển thì phải đúng tinh thần cổ điển, phong cách Đông Dương thì phải tuân thủ các nguyên tắc của phong cách này.

Ông đánh giá sao về phong cách Đông Dương của cây cầu?

Ai đó coi cây cầu này là kiến trúc Đông Dương cũng không ổn. Kiến trúc Đông Dương phát triển đầu thế kỷ XX-hồi đấy rất ổn, hiện đại. Nội hàm và mặt bằng không gian của nó tuân thủ theo những gì thời thượng bên Pháp và trên thế giới lúc bấy giờ. Ernest Hebrard lại phủ lên trên đó một lớp vỏ mang tinh thần kiến trúc của Việt Nam và Á Đông. Nhưng không phải mang tính hình thức, ông ta đưa vào cốt để phù hợp với khí hậu, văn hóa và con người Việt Nam. Đừng nghĩ kiến trúc Đông Dương chỉ là mái ngói, đầu đao, hoa văn chữ triện. Nếu chỉ đưa mái ngói vào cho có vẻ Việt Nam như một số công trình hiện nay thì nó lại mang tính hình thức.

Tranh cãi về cầu Trần Hưng Đạo: Không có thứ kiến trúc gọi là 'xứ Đông Dương' ảnh 1

Phong cách Đông Dương áp dụng cho công trình nhà cửa chứ không phải để xây dựng cầu. Các cây cầu người Pháp xây dựng ở Việt Nam như Long Biên, Hàm Rồng và một số cây cầu ở miền Nam đều theo phong cách rất hiện đại lúc bấy giờ, không phải phong cách Đông Dương. Một vấn đề trong phong cách là tính thời điểm. Thế kỷ XXI rồi, kể cả xây một ngôi nhà theo phong cách Đông Dương đã không được rồi, đừng nói đến xây cầu.

Theo ông một cây cầu có thể kiêm nhiệm địa điểm tham quan du lịch?

Đầu tiên cầu phải là cầu, phải phục vụ cho việc đi lại. Những cây cầu ở ngoại vi chỉ cần tuân thủ các yếu tố cấu trúc, kết cấu, giá thành hạ càng tốt. Nhưng một cây cầu ở trung tâm, ngoài kết cấu còn phải đáp ứng về kiến trúc nữa. Những cây cầu đẹp ở trung tâm đều biến thành điểm mốc, công trình đặc trưng. Ví dụ nói đến Sydney (Australia) là phải nhắc cầu cảng Sydney.

Cầu Trần Hưng Đạo không thể chỉ là vấn đề của ngành cầu đường. Nó phải mang tính biểu tượng tính thẩm mỹ, làm thế nào đó để thành điểm nhấn. Trồng cây làm gì, có phải người ta lên cầu để ngắm cảnh đâu!? Cầu là để phục vụ giao thông đi lại thuận tiện, tham quan là câu chuyện khác. Những cây cầu cổ như Long Biên người ta lên hóng mát, nhưng không ai cho anh lên cầu Nhật Tân chơi trong khi xe đang chạy rầm rầm. Ta có thể ngắm nó từ phía xa.

Có ý kiến cho rằng với công trình quan trọng như cầu Trần Hưng Đạo nên tổ chức một cuộc thi thiết kế rộng rãi?

Tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi rất mong muốn cuộc thi thiết kế cây cầu này có quy mô không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế nữa. Trung Quốc rất mạnh về kiến trúc, những công trình lớn toàn do những KTS nổi tiếng hàng đầu thế giới thiết kế, như Zaha Hadid, Norman Foster và rất nhiều người khác. Những công trình biểu tượng cho thủ đô, chúng ta nên mời những KTS lớn tham gia.

Ban đầu tiền thuê các hãng thiết kế lớn có thể rất đắt nhưng khi người ta đưa ra một giải pháp hợp lý lại thành rẻ. Ví dụ một biểu tượng nữa của Sydney là nhà hát opera hình con sò, khi họ thuê Utzon (Đan Mạch) sang thiết kế cái vòm vỏ sò như thế, dân phản đối. Ông này phải bỏ về nước. Gần chục năm sau họ mới thi công, cuối cùng nhà hát thành biểu tượng thành phố. Nếu ta chọn một phương án “rẻ” rất dễ cái giá phải trả kéo dài cả đến đời sau.

Ông nghĩ sao về xu thế hoài cổ Đông Dương, thuộc địa của kiến trúc trong nước hôm nay?

Là người nghiên cứu kiến trúc Pháp, tôi rất phản đối công trình kiến trúc mới hiện nay lại cứ xây kiểu na ná hoài cổ. Bây giờ sang Pháp, người ta không thể nào tìm được những công trình (mới) xây dựng kiểu cổ điển ở các khu đô thị, thế mà mình lại đi bê về.

Kiến trúc Đông Dương lúc bấy giờ thể hiện tính dân tộc rất tốt nhưng thời nay lại không phù hợp. Kiến trúc mang tính dân tộc không phải ở mái ngói, dầm, con tiện mà phải có những giải pháp phù hợp với văn hóa, khí hậu, con người hôm nay. Không thể nào mái ngói uốn đầu đao, cũng không thể ốp kính nóng chết lên được.

Tôi khâm phục kiến trúc miền Nam trước 1975. Bấy giờ người ta tạo ra một phong cách kiến trúc hiện đại nhiệt đới ngang tầm khu vực mà dinh Độc Lập là một ví dụ. Các công trình dùng nhiều kiểu tường hoa che nắng lấy sáng cực kỳ tốt. Ngày nay, kiến trúc của ta ngả theo hai xu hướng: một là ốp kính tràn lan theo kiểu Tây Âu, Bắc Mỹ; hai là quay về kiến trúc Pháp thuộc. Nó lại dở thế. Kiến trúc hiện nay lâm vào tình trạng chưa tìm được bản sắc dân tộc.

Dùng bê tông cốt thép giả cổ rất lạc hậu

“Đánh giá sơ bộ qua bản vẽ phối cảnh của phương án Xứ Đông Dương, tôi thấy nó không đẹp. Cái đáng sợ nhất là tính hình thức chủ nghĩa. Hai nữa là công năng của các bộ phận trang trí hết sức hạn chế. Nó mang phong cách đại lễ kiểu kiến trúc của một số cơ quan công sở ngày nay, giả tân cổ điển chứ cũng không đúng ngôn ngữ, thủ pháp tân cổ điển. Nó cố tình lợi dụng phào, giật cấp tạo cảm giác cổ kính. Dùng bê tông cốt thép làm giả cổ truyền là quan niệm thẩm mỹ rất lạc hậu rồi. Tại sao không phô bày ngôn ngữ rõ ràng trực tiếp của vật liệu đấy mà lại phải đi giả một chất liệu khác, đi ngược với bản chất trung thực của vật liệu? Như vậy tính thẩm mỹ đã là một thứ giả rồi”.

KTS, nhà văn Nguyễn Trương Quý

MỚI - NÓNG