Tranh cãi quanh án phạt đối với CLB Long An

CLB Long An đã phải trả giá đắt cho những phút giây phản ứng bồng bột với quyết định của trọng tài. Ảnh: VSI
CLB Long An đã phải trả giá đắt cho những phút giây phản ứng bồng bột với quyết định của trọng tài. Ảnh: VSI
TP - Ngày 21/2, Ban Kỷ luật LĐBĐVN (VFF) ban hành một loạt quyết định kỷ luật đối với CLB Long An và các cá nhân liên quan vụ bê bối trên sân vận động Thống Nhất. Quanh án phạt này có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo án phạt của Ban Kỷ luật VFF, Chủ tịch CLB Võ Thành Nhiệm và HLV trưởng Ngô Quang Sang đều bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức 36 tháng, lần lượt bị phạt tiền 20 triệu đồng và 15 triệu đồng. 

Cả hai trước đó đã bị CLB Long An cách chức. Thủ thành Minh Nhựt và hậu vệ đội trưởng Huỳnh Quang Thanh bị cấm thi đấu 2 năm. Minh Nhựt bị nộp phạt 10 triệu đồng trong khi Quang Thanh do vai trò xúi giục, chịu án phạt tiền cao hơn là 15 triệu đồng. CLB Long An bị phạt 100 triệu đồng, nhưng không bị “đánh” tụt hạng như một số dự đoán trước đó.

Đa số đồng tình đối với án phạt 100 triệu đồng dành cho CLB Long An, cũng như việc phạt 2 lãnh đạo CLB, ông Võ Thành Nhiệm và HLV Ngô Quang Sang. Riêng án phạt dành cho thủ thành Minh Nhựt và đội trưởng Huỳnh Quang Thanh gây nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. 

Cụ thể, một số ủng hộ việc VFF xử nghiêm đối với cả hai. Lý do, hành vi của Quang Thanh và Minh Nhựt phản cảm, thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng khán giả, làm xấu hình ảnh của bóng đá Việt Nam.

Trên báo, Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, anh trai ông Võ Thành Nhiệm đồng thời từng là chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An, tiền thân của CLB Long An hiện nay, đã ủng hộ phán quyết của VFF, khi cho rằng, “ai sai thì phải chịu phạt”.

 Ở vị trí của ông Thắng, nói ra điều này hẳn là một sự rất đau lòng. Trong quá khứ cách đây chưa xa lắm khi ông Thắng và HLV H.Calisto là bộ đôi, Đồng Tâm Long An từng là đội bóng mạnh nhất nhì ở V.League, ngược hoàn toàn với bộ mặt sa sút hiện nay. 

Trong khi đó, quyền chủ tịch CLB Long An, Nguyễn Môn cũng đồng tình với án phạt. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Môn cho rằng cầu thủ sẽ thấy án phạt quá nặng, Quang Thanh, Minh Nhựt coi như mất nghiệp, CLB Long An chịu mất mát lớn nhưng bóng đá Việt Nam cần những bản án thế này để giáo dục cầu thủ.

Nhiều ý kiến khác bênh vực Quang Thanh và đặc biệt là thủ thành Minh Nhựt, khi cho rằng cả hai chỉ là cầu thủ, chịu sự chỉ đạo từ lãnh đạo CLB. Lý luận “phe” này đưa ra, là nếu không có lệnh từ phía lãnh đạo đội bóng, Minh Nhựt ắt không dám phản ứng như những gì diễn ra trên sân vận động Thống Nhất chiều 19/2. 

Chưa kể, cả hai đều đã nhận ra sai lầm và nhận lỗi, thể hiện thái độ rất cầu thị. Như chia sẻ của Minh Nhựt với Tiền Phong, anh không chủ đích bỏ bóng khi bắt quả đá phạt 11m của tiền đạo Victor (TP Hồ Chí Minh). Hành động của Minh Nhựt mang tính bột phát, một phần do tác động từ bên ngoài.

Trong số những ý kiến bênh vực Quang Thanh và Minh Nhựt hôm qua, đáng chú ý nhất có lẽ là HLV Lê Thụy Hải, người nổi tiếng thẳng tính. Theo HLV Lê Thụy Hải, chịu trách nhiệm trước hết đối với vụ bê bối trên là người đứng đầu CLB, và thực tế ông Võ Thành Nhiệm đã bị cách chức, chịu án phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 3 năm từ VFF.

“Quan điểm của tôi là với cầu thủ chỉ nên có hình thức xử phạt mang tính răn đe, chứ một cầu thủ đang thi đấu mà cấm 2 năm thì làm ăn gì nữa” - ông Hải phát biểu trên một tờ điện tử. Cũng theo ông Hải, trong trường hợp trên, cầu thủ không thể cãi lãnh đạo, HLV trưởng đội bóng, chỉ là người thừa hành lệnh.

Huỳnh Quang Thanh sinh năm 1984, năm nay đã 33 tuổi, trong khi Minh Nhựt 31 tuổi. Nếu chiểu theo án phạt của Ban Kỷ luật VFF, cả hai gần như phải giã từ sự nghiệp thi đấu sớm. 

Hôm qua, ông Nhiệm cho rằng, án phạt đối với HLV Sang và 2 cầu thủ của mình là quá nặng. “Nghề của họ là bóng đá, cấm thế người ta lấy gì để sống. Với tôi thì không quan trọng, nhưng án phạt đối với họ thì không ngờ lại ghê gớm thế” - ông Nhiệm nói.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.