Trắng đêm dập lửa cháy rừng Bắc Biển Hồ

Trắng đêm dập lửa cháy rừng Bắc Biển Hồ
TP - Đến trưa 21-2, ngọn lửa cháy rừng lan rộng ở 5 xã, thị trấn huyện Chư Păh (Gia Lai) mới cơ bản được kiểm soát, sau ba ngày đêm hàng nghìn người quyết liệt chống chọi bằng mọi cách nhằm dập tắt biển lửa đã thiêu trụi hàng trăm hecta.

> Dập tắt cháy rừng Bắc Biển Hồ
> 700 người vật lộn giữa biển lửa Bắc Biển Hồ

Rừng cháy đến ngày thứ 3

Sau khi ngọn lửa bốc cao tại tiểu khu 252 và 253 (địa bàn thị trấn Phú Hòa, Chư Păh) thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Bắc Biển Hồ từ chiều 19-2, lãnh đạo UBND huyện đã huy động kiểm lâm, công an, cơ quan quân sự huyện, dân quân tự vệ… khoảng 280 người tập trung tại hiện trường từ lúc 15 giờ 30 để tham gia chữa cháy.

Khu vực cháy có địa hình quá dốc, cao, nhiều tầng đồi và phải đi bộ 4- 5km cộng với gió lớn, thực bì dày nên rất khó dập lửa.

18h ngày 19-2 Ban chỉ huy PCCCR tỉnh Gia Lai tăng cường thêm gần 100 kiểm lâm, nhưng chưa lên tới hiện trường thì trời đã tối, gió rất mạnh nên huyện đã phải cho rút toàn bộ lực lượng xuống núi để nghỉ ngơi, đồng thời yêu cầu Hạt Kiểm lâm, BQLRPH Bắc Biển Hồ bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại hiện trường.

5 giờ sáng ngày 20-2, gồm 550 người, trong đó có công an, kiểm lâm, lực lượng tự vệ các Cty Cao su và Cty chè, dân quân tự vệ các xã lân cận, tiếp tục chữa cháy.

Thời điểm này, toàn bộ khu vực rừng bị cháy tại tiểu khu 252 và 253 đã được khống chế và dập tắt, nhưng đám cháy đã bị lan sang tiểu khu 249 (xã Chư Đang Ya) và 262 (xã Chư Jôr).

Đây là khu vực cỏ tranh, lau lách nhiều, thực bì khô, dày, các khu rừng trồng liền kề nhau, địa hình cao, dốc, trời nắng hanh, việc tiếp cận đám cháy bằng cách đi bộ 3-4km, công cụ chữa cháy thô sơ (gậy gộc dài khoảng 2m, dao rựa...) nên việc chữa cháy rất khó khăn.

Chiều xuống, lửa lui dần, nhưng sẩm tối một ngọn lửa từ góc rừng xã Chư Đang Ya lại bùng lên, gió tạt mạnh làm cháy trở lại.

Khoảng 23 giờ ngày 20-2, UBND tỉnh Gia Lai tăng cường 540 người (cán bộ chiến sĩ Quân Đoàn 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cảnh sát cơ động tỉnh) đến khu vực cháy.

5 giờ sáng ngày 21-2, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng cùng Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng của tỉnh phóng xe lên hiện trường động viên anh em và chỉ đạo chữa cháy.

Mãi tới hơn 11 giờ ngày 21-2, toàn bộ vùng rừng cháy mới được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên vẫn túc trực cùng lực lượng liên ngành đề phòng đám cháy tái phát.

Làm sao hết cháy rừng?

Báo cáo mới nhất của UBND huyện Chư Păh vào chiều 21-2, tổng diện tích rừng bị cháy ước tính 270 ha, gồm rừng thông trồng phòng hộ từ năm 2003 đến năm 2010 và một phần diện tích rừng tự nhiên (chủ yếu là cây bụi, lau lách). Ngành công an được giao nhiệm vụ điều tra làm rõ nguyên nhân gây cháy.

Hiện nay tại Gia Lai mà trực tiếp là huyện Chư Păh, cấp cháy rừng được dự báo là cực kỳ nguy hiểm (cấp 6). Trong khi hầu hết các rừng phòng hộ ở đây đều là rừng thông với tổng diện tích 1.800 ha.

Theo quy trình quản lý loại rừng này, sau 3 năm trồng mới, kinh phí Nhà nước không chi trả cho công tác phát dọn thực bì, làm ranh, ô cản lửa. Vì thế chỉ cần một mồi lửa là đám cháy lan nhanh khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho rằng để loại trừ hoàn toàn cháy rừng chỉ còn cách tăng kinh phí quản lý rừng thông trồng hằng năm để các ban quản lý có nguồn thuê người trông coi, dọn thực bì; hoặc khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.