Trần Lực: Lâu không được đóng phim, thấy nhớ...

Trần Lực: Lâu không được đóng phim, thấy nhớ...
TP - "Lâu không được đóng phim cũng thấy nhớ. Được sang trọng, được hóa thân vào mỗi nhân vật trong từng phim" - Diễn viên chính của nhiều bộ phim nổi tiếng mở lòng.
Trần Lực: Lâu không được đóng phim, thấy nhớ... ảnh 1

Hãng phim Đông A nằm trên phố Tây Hồ yên tĩnh. Trần Lực đang tập trung vào bàn dựng, anh có thói quen dựng ngay sau một ngày quay. Vừa gặp, anh khoe ngay: “Con trai vừa đỗ vào khoa Đạo diễn điện ảnh, nhẹ cả người, "thoát" được ông con. Hồi nó học phổ thông, tôi vất vả lắm”.

Trụ sở Hãng phim trông kiên cố và nổi bật quá.

Mấy năm trước đây là nhà của một Đại sứ. Tôi chuẩn bị mở một bar ở dưới, sau này ai đến thì tự pha đồ uống.

Chuyện nhà MộcHai Bình làm thủy điện trong kịch bản gốc không hề hài hước. Anh đạo diễn thế nào mà Chuyện nhà Mộc đoạt giải Cù nèo Vàng?

Thì nghề này nó thế mà. Kịch bản của Đỗ Trí Hùng viết theo kiểu chính luận. Nhưng tôi dựng theo kiểu hài hước.

Hồi đóng phim cùng Phương Thanh, nghe nói anh lóng ngóng chả biết hôn thế nào? Nhưng sau đó, phim nào anh đóng cũng phải hôn?

Ờ, hồi đấy ngưỡng mộ các bà chị lắm. Bản lĩnh đàn ông mất đâu hết. Rồi mấy bà chị dạy: Nào, hôn đây, hôn đây. Lâu không được đóng phim cũng thấy nhớ. Được sang trọng, được hóa thân vào mỗi nhân vật trong từng phim.

Trần Lực: Lâu không được đóng phim, thấy nhớ... ảnh 2

Đạo diễn thế giới, anh thích ai?

Nhiều. Clint Eastwood, Steven Spielsberg, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca chẳng hạn.

Anh thích đóng cặp với ai nhất?

Ai cũng thích: Phương Thanh, Chiều Xuân, Thu Hà, Lê Khanh, Việt Trinh. Thích thế. Công việc ấy mà. Nhưng ở ngoài mọi người cứ hỏi loạn lên: Cảm xúc thích không? Đóng phim mệt lắm, bã người. Có thời gian đâu mà ngắm nhìn nhau.

Xong rồi mỗi người một ngả chạy sô như điên đi đóng phim khác. Thời bao cấp, trong nỗi khổ chung thì nghệ sỹ lại sướng hơn. Đường, sữa, bánh ở nhà tôi ê hề. Còn so với hiện tại như Lê Vân viết thì tất nhiên hồi trước khổ hơn chứ.

Trần Lực: Lâu không được đóng phim, thấy nhớ... ảnh 3
Chuẩn bị vào vai trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công.  Ảnh: TL

Anh nghĩ gì trước việc nhiều diễn viên sân khấu đang làm cho phim truyền hình mất tính thật đi?

Do kịch bản, nó có làm người ta hứng thú hay không, có đất diễn không. Diễn viên không tập trung cao độ, không năng khiếu, làm việc hời hợt, gượng gạo.

Không nhiều người biết đạo diễn Trần Lực là con út của GS.NSND Trần Bảng và diễn viên chèo Trần Thị Xuân, quê Cổ Am-Vĩnh Bảo-Hải Phòng. Ông nội của Trần Lực là Trần Tiêu-em trai của nhà văn Khái Hưng.

Cụ Trần Tiêu cũng từng tham gia nhóm Tự Lực Văn Đoàn, sau đó đi theo Cách mạng, nhường văn đàn lại cho Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo. Cụ Trần Tiêu đã viết tiểu thuyết Con trâu, Chồng con,  tập truyện ngắn Năm hạn, Sau lũy tre, đoản thiên tiểu thuyết Truyện quê...

Dân trong nghề bảo anh chọn diễn viên kỹ lắm?

Chọn diễn viên chiếm 50 - 70% mức độ thành công, đặc biệt là phim truyền hình.

Ngoài phim của mình, Hãng còn sản xuất cho ai?

Chúng tôi sản xuất cho Điện ảnh chiều thứ Bảy, phim Chàng trai đa cảm đang quay sẽ bán cho nhà đài và đổi lấy thời lượng quảng cáo, chương trình Tôi yêu Việt Nam sê-ri mới cũng sắp hoàn thành.

Sau hai lần chia tay, anh có sợ hôn nhân không?

Chuyện riêng ấy mà, con người ta có số. Một vợ một chồng và mấy đứa con thì sướng quá. Tôi thì đến mấy lần.

Bây giờ khác rồi. Tôi vừa lập gia đình, vợ không học điện ảnh, chỉ học kỹ thuật ở TPHCM, lấy chồng rồi theo chồng ra đây thôi, hiện cũng phụ giúp cho tôi tại hãng phim. Con gái chúng tôi đã được 7 tháng tuổi.

Trần Lực thích chơi xe máy cổ và ôtô?

Tôi thích Vespa, trông điệu đàng lịch sự. Ôtô thì cũng ưa những loại mang hình thức cổ quái như Doblo của FIAT. Ferrari thì đắt lắm, và đường sá ở đây không cho phép, nhưng mê thì vẫn mê thôi.

Anh có kế hoạch gì cho phim nhựa không?

Sau phim Chàng trai đa cảm, tôi sẽ chọn kịch bản để làm phim nhựa. Máy quay, đèn, nhân lực đều của Hãng, nếu nhiều hợp đồng sẽ phải thuê bên ngoài, bởi có phải ai cũng quay được tất cả các loại đâu. Tôi nghĩ nghệ sỹ làm tự do như ở TPHCM là hay nhất.

Trần Lực: Lâu không được đóng phim, thấy nhớ... ảnh 4

Anh là chàng trai đa cảm?

Ui, đa cảm gì tôi.

Anh phải trả lương cho bao nhiêu người?

Hơn 20 người, cũng mệt nhưng vui. Làm phim, không thể áp đặt “gu” của mình cho khán giả. Dù không thích mình vẫn cố mà thích và phải làm cái mà số đông cần, mình chẳng cần.

Đừng tranh cãi phim này nghệ thuật, phim kia thị trường. Đầu tiên, hãy xác định mục đích của phim là gì, cho ai. Chúng tôi không đặt mục tiêu làm bao nhiêu phim nhựa một năm.

Phim của anh sẽ ăn khách vì tính hài hước luôn sẵn?

(Cười). Tôi cũng hy vọng vậy. Bởi cuộc sống quá mệt mỏi, điều đầu tiên của nghệ thuật là tính giải trí. Làm phim chiếu rạp là hơi phiêu lưu đấy, 5 ăn 5 thua. Nhưng trò này là thế, hồi hộp mới thích.

Hà Nội đang nhiều hãng phim tư nhân...

Rất đông, từ anh Triệu Tuấn, chị Tú Mai đến Chiều Xuân, Thanh Du... Nhưng phía Nam vẫn sôi động hơn, thế nào tôi cũng sẽ hợp tác với họ. Tôi định vào TPHCM làm ăn, nhưng tuổi này không làm được rồi. Nếu trẻ lại 10 tuổi, tôi vào đó tác chiến ngay. 

44 tuổi. Anh phải đeo kính rồi đấy à?

Đeo rồi, chán đời thế. Có tuổi rồi, đóng phim toàn vào vai bố, không đóng bộ đội nữa. (Cười)

Nghị định 96 của Chính phủ nâng mức phim nội chiếu ở rạp lên 20%. Là chủ hãng phim, anh thấy giới làm phim có đáp ứng nổi không?

Một khi Nhà nước có dự định như thế, họ phải thêm những động thái khác, ví dụ tài trợ cho phim, thông thoáng hơn cho phim tư nhân, điều hành được hệ thống rạp... Đấy là chuyện bình thường. Phim nhiều mới phát triển điện ảnh được. Có thể năm thứ nhất, thứ hai thiếu phim ra rạp, nhưng dần dà sẽ đủ.

Anh có quan tâm giải Cánh diều vàng không?

Có chứ, người Việt mà. Cánh diều vàng cũng có giá trị của nó, những xì-căng-đan trong giải năm nay cũng là bình thường. Điện ảnh non trẻ mà. Chúng ta đang ở giữa lằn ranh bao cấp và kinh tế thị trường, sống chung với nhau khổ thế. Tự nhiên lại có phim Nhà nước, phim tư nhân. Trong Nhà nước lại có hãng này làm nghệ thuật, hãng kia làm vì thứ kia. Chả ra làm sao.

Bao giờ Chàng trai đa cảm phát sóng?

Ngọc Oanh đóng cũng được, lần đầu đóng phim thế là khá. Theo kế hoạch sẽ phát sóng giữa tháng 11.

Trần Lực: Lâu không được đóng phim, thấy nhớ... ảnh 5

Anh nhìn nhận thế nào về những người đẹp đóng phim?

Quá tốt (cười). Đẹp thì phải để người ta ngắm, nên phải đi đóng phim chứ còn gì. Người mẫu Hồng Diễm cũng vào vai khá tốt. Diễn viên hồi trước đẹp hơn, tuyển tận nơi mới ra được, như Trà Giang, Minh Đức, Minh Châu, Lâm Tới...

Diễn viên bây giờ nhìn chung phông văn hóa và vốn sống thiếu, đọc ít. Trong số trẻ tôi kỳ vọng ở Trung Hiếu, anh ta không bị sa đà rượu bia, cờ bạc, vai nào cũng đóng được. Cat-sê đóng phim quá thấp, chúng tôi chỉ trả 300.000 - 500.000đ/ngày, đấy là tư nhân trả, nghĩa là đã cao hơn mức chung một chút.

Một chuyên gia nước ngoài vừa sang Việt Nam và rất kinh ngạc khi biết kinh phí của hãng phim bỏ ra cho khâu tiếp thị là 0%. Hãng của anh thì sao?

Cố gắng 20% tổng chi phí bộ phim.

Đã bao giờ anh bị sốc vì gặp một diễn viên đẹp?

Gớm, làm gì có! Cứ thế ra đường có mà chết. Thế nhưng tôi còn nhớ, đạo diễn Trần Phương từng bảo tôi: Nếu gặp một người đẹp mà mình không còn rung động nữa là sắp hai năm mươi rồi.

Học đạo diễn sân khấu ở Bulgari, bố mẹ đều theo nghiệp chèo. Anh có tiếc nhớ sân khấu không?

Tôi vẫn mê sân khấu, nhưng không có thời gian dành cho nó. Một lúc nào đó, tôi sẽ quay lại. Lúc nhỏ, thấy mẹ diễn màn Việc làng, bị đánh (vai mẹ Đốp mà), tôi hét ầm lên: “Đừng đánh mẹ tao nhé!”. Sân khấu vẫn đẹp lung linh và rất thật.

Cảm ơn NSƯT Trần Lực. Chúc anh thành công với Hãng phim Đông A.

Trần Thanh
Thực hiện

MỚI - NÓNG