Trần khuyến mại 50% - Có nên điều chỉnh?

Trần khuyến mại 50% - Có nên điều chỉnh?
Đến mùa cao điểm mua sắm, các trung tâm thương mại, các siêu thị điện máy, các cửa hàng thời trang hay thực phẩm lại nở rộ các chương trình khuyến mại lớn. Để thu hút người tiêu dùng, rất nhiều hình thức khuyến mại đã được đưa ra. Với những chương trình khuyến mại như thế này, không ít doanh nghiệp trong nhiều trường hợp đã vượt ngoài khung về hạn mức khuyến mại theo quy định pháp luật hiện này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia bán lẻ xung quanh vấn đề này.

Nội dung chú thích, diễn giải...

Nội dung chú thích, diễn giải...

Trần khuyến mại 50% - Có nên điều chỉnh? ảnh 1

Xin chào Ông Vũ Vinh Phú!

PV:  Thưa Ông, theo quan sát của Ông, hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp diễn ra như thế nào trong thời gian qua?

Hoạt động khuyến mại là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc vượt trần quy định pháp luật hiện hành về hạn mức khuyến mại tối đa 50% tương đối phổ biến, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, hiện tượng khuyến mại ảo, khuyến mại giả cũng đã xuất hiện.

Không chỉ riêng lĩnh vực vận tải mà các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong ngành bán lẻ, hiện tượng này khá phổ biến. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, ở địa phương là các Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường phải làm tốt công tác quản lý ngay từ khi bắt đầu các chương trình khuyến mại.

PV: Không ít ý kiến cho rằng, quy định pháp luật về hạn mức tối đa dùng để khuyến mại không quá 50% đang là rào cản đối với doanh nghiệp. Ông nghĩ sao, thưa Ông?

Trước đây là 15%, sau này là 50% theo tôi, đây cũng là một sự thay đổi tiến bộ. Ở một số quốc gia phát triển, họ còn cho phép giảm giá đến 90%. Chúng ta nên điều chỉnh để các doanh nghiệp tự do khuyến mại. Tôi cho rằng, giới hạn 50% như hiện nay vô hình chung đã kìm hãm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ. Ví dụ, muốn giải phóng hàng nhưng vì vướng quy định nên doanh nghiệp không thể giảm giá sâu, nếu muốn thì lại vi phạm quy định pháp luật. Chính vì vậy, chúng ta điều chỉnh để doanh nghiệp tự do khuyến mại, hoặc phải tính toán làm thế nào để doanh nghiệp có điều kiện giảm giá, xả hàng, quay vòng vốn để tăng hiệu quả kinh doanh.

PV: Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, tuy không xóa trần khuyến mãi nhưng cơ quan soạn thảo cho phép trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung thì mức khuyến mãi có thể lên đến 70%. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?

Chưa phải là tuyệt đối nhưng với 70% với các chương trình khuyến mại tập trung cũng đã cởi trói được phần nào đó cho các doanh nghiệp. Từ đó, sẽ giúp lưu thông hàng hóa vận động hơn, hiệu quả hơn, nhu cầu về thay đổi mẫu mã, thu hồi vốn sẽ đạt được.

Tuy nhiên, điều đang lưu ý là các cơ quan quản lý phải làm tốt công tác này, 50% hay 70% đều phải quản lý và 70% lại càng phải quản lý rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ hơn để loại bỏ các hoạt động khuyến mại giả, khuyến mại ảo…

Trần khuyến mại 50% - Có nên điều chỉnh? ảnh 2

PV: Vậy, để kiểm soát và khuyến khích hoạt động khuyến mại một cách lành mạnh, theo Ông, giải pháp đặt ra ở đây là gì, theo Ông?

Trước hết, theo tôi, phải đăng ký, nhất là đối với doanh nghiệp lớn có khối lượng hàng hóa lớn. Nếu không đăng ký thì kiểm soát, quản lý như thế nào? Chính vì vậy, đăng ký là yếu tố cần thực hiện.

Trên cơ sở đăng ký, chúng ta phải đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và tìm phương pháp quản lý hiệu quả. Thực tiễn kinh nghiệm theo dõi hoạt động khuyến mại nhiều năm cho thấy, khâu tổng kết, đánh giá của chúng ta kém hiệu quả, lu mờ. Chính vì vậy, chúng ta phải chú trọng công tác này.  

Ngoài ra, vấn đề nâng giá lên hạ giá xuống, vấn đề khuyến mại ảo, khuyến mại giả ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thị trường cần kiểm soát mạnh mẽ.

Theo tôi, nên giao cho các địa phương, phòng kinh tế các quận, huyện thực hiện mạnh vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề lưu ý là thủ tục phải thông thoáng, nhanh gọn, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

MỚI - NÓNG