Trận huyết chiến lớn nhất trên bầu trời Việt Nam
> Thảm bại 'pháo đài bay' B-52 ở Hà Nội qua mắt người Nga
TPO - Tháng 12-1972, lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam đã giáng cho các pháo đài bay của lực lượng không quân chiến lược Mỹ những tổn thất nặng nề.
VKO đăng những bài viết, đã được viết và thẩm định từ những năm giữa thập kỷ 1970 của nhóm nghiên cứu bao gồm các tướng lĩnh và các sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng phòng không và không quân Xô Viết dưới quyền lãnh đạo của thượng tướng Anatoly Hyupenen với những thống kế về các hoạt động tác chiến của lực lượng phòng không và không quân Việt Nam trong tháng 12-1972.
Lực lượng Phòng không-Không quân Việt Nam
Trong biên chế của các đơn vị thuộc lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam là vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh có nguồn gốc chủ yếu từ Liên bang Xô Viết và Trung Quốc. Trong đó, lực lượng tên lửa phòng không được trang bị các tổ hợp tên lửa SA-75M, máy bay tiêm kích là MiG 17, MiG 21 từ Liên Xô và MiG 19 có nguồn gốc từ Trung Quốc, các đại đội radar bao gồm có các đài radar P-10, P-12, P-15, P-30, P-35, PRV-11, ra dar của Trung Quốc type 406, 513, 514, 843 và radar Hungary loại P-35. Các đơn vị pháo phòng không được trang bị pháo 37, 57, 85 và 100 sản xuất từ Liên Xô và Trung Quốc.
Trong giai đoạn mùa xuân và mùa hè năm 1972, Lực lượng phòng không – không quân Việt Nam đã nỗ lực đánh trả mạnh mẽ các đợt không kích của không quân Mỹ, không quân hải quân Mỹ. Khi các lực lượng này tính từ tháng 2-1972 tiến hành các cuộc ném bom tất cả các mục tiêu có tầm quan trọng sống còn của Miền Bắc Việt Nam. Trong giai đoạn này, lực lượng không quân Việt nam đã tích cực và rất hiệu quả tiến hành các trận không chiến nhằm ngăn chặn và tiêu diệt máy bay đối phương. Không quân đã tiến hành 200 trận không chiến và bắn rơi hơn 80 máy bay Mỹ. Một vị trí vô cùng quan trọng trong phòng không là lực lượng pháo phòng không các cỡ nòng, pháo phòng không đã tiêu diệt gần 150 máy bay đối phương, nhưng vị trí quan trọng hàng đầu trong lực lượng phòng không vẫn là các đơn vị tên lửa phòng không. Đến đầu tháng 12-1972, tên lửa đã tiêu diệt gần 350 máy bay địch, có nghĩa là gần 60% số máy bay địch bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc trước tháng 12-1972.
Phi công Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam. |
Trong cuộc chiến đấu khốc liệt với lực lượng không quân Mỹ trong giai đoạn này, lực lượng không quân Việt Nam cũng có những tổn thất đáng kể: Lực lượng không quân Việt Nam bị mất 50 máy bay và 15 phi công bị hy sinh. Các trận địa tên lửa cũng bị đánh phá nhiều lần bằng bom và tên lửa chống radar Shrike, có lúc gần 50% các tổ hợp tên lửa bị hỏng hóc nặng, không có khả năng chiến đấu. Đối phương đã phá hủy gần 200 tên lửa SA-75M trên trận địa và trong các khu kỹ thuật. Các đài thu phát radar của đơn vị tên lửa bị tấn công bằng Shrike đến 137 lần và hàng chục lần bị tấn công bằng bom, làm hỏng hoặc hư hại hơn 10 đài radar dẫn đường tên lửa các loại.
Cùng với những tổn thất về cơ sở vật chất, năng lực tác chiến của một bộ phận các đơn vị và cấp độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tên lửa và không quân tiêm kích cũng bị suy giảm.
Trước chiến dịch Linebacker II, bảo vệ bầu trời thủ đô Hà Nội được thực hiện bởi 1 sư đoàn phòng không hỗn hợp bao gồm 3 trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn pháo binh. Cụm lực lượng phòng không được chia thành 9 tiểu đoàn tên lửa và 15 khẩu đổi pháo phòng không. Sư đoàn phòng không hỗn hợp bảo vệ Hà Nội là cụm binh lực phòng không mạnh nhất trong số tất cả các đơn vị binh chủng hợp thành phòng không trong quân chủng. Lực lượng phòng không tập trung ngăn chặn và phòng thủ hai hướng chính yếu là phía tây bắc và phía tây thành phố, hướng chính yếu có khả năng địch sẽ tấn công với cường độ lớn.
Nói chung cụm binh lực phòng không phòng thủ Hà Nội có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ mục tiêu chống lại mọi cuộc tấn công từ tất cả các hướng khác nhau. Để tăng cường phòng thủ Hà Nội, quân chủng phòng không - không quân đã cố gắng thành lập thêm các trung đoàn tên lửa mới, trang bị tên lửa tầm thấp S-125. Nhưng đến thời điểm bắt đầu chiến dịch, các đơn vị này chưa kịp triển khai và không thể tham gia. Do đó tổn thất của không quân Mỹ vì thế cũng đỡ đi phần nào. Thành phố cảng Hải Phòng được bảo vệ bởi sư đoàn phòng không nhẹ bao gồm 2 trung đoàn tên lửa và một trung đoàn pháo phòng không. Tổng số có 7 tiểu đoàn tên lửa sẵn sàng chiến đấu và 5 khẩu đội pháo phòng không. Lực lượng phòng không tập trung vào các hướng chủ yếu là Nam, Đông nam và Đông.
Quân khu 4 tập trung một lực lượng phòng không lớn, bao gồm 2 sư đoàn phòng không, trong biên chế của 2 sư đoàn có 4 trung đoàn phòng không với 16 tiểu đoàn tên lửa (8 tiểu đoàn chưa đủ khả năng chiến đấu do tình trạng hỏng hóc sau các trận đánh của binh khí, kỹ thuật), 8 trung đoàn pháo phòng không (48 khẩu đội pháo các cỡ nòng). Cụm lực lượng phòng không bảo vệ các tuyến đường vận tải từ bắc vào Miền Nam, các tuyến ngầm, kho tàng, khí tài, phương tiện chiến tranh và cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật, tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình.
Dàn trận chờ địch
Tất cả các trung đoàn Lực lượng không quân tiêm kích có nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng trong khu vực Hà Nội và Hải Phòng, các đơn vị tiến hành công tác tuyển chọn các phi công tiêm kích có kinh nghiệm chiến đấu và số giờ bay tác chiến cao. Nhóm phi công chiến đấu được huấn luyện nhằm mục đích sẵn sàng chiến đấu với máy bay B-52 ( tác chiến với mục tiêu giả định là IL-18), cất cánh từ sân bay dã chiến thu ngắn đường băng bằng tên lửa tăng tốc, hạ cánh trên các bãi trống không được trang bị tương tự như sân bay.....
Các đơn vị radars tập trung huấn luyện tác chiến, thực hiện những bài tập tác chiến đảm bảo dẫn đường, chỉ thị mục tiêu và dẫn bắn tên lửa cho các khẩu đội tên lửa, các đơn vị không quân và pháo phòng không trong điều kiện nhiễu dầy đặc (độ che phủ đến 94%) nhờ có sự liên kết phối hợp các đài radars của các đại đội bên các cánh khác nhau.
Các đơn vị thông tin liên lạc: chuẩn hóa và đồng bộ sơ đồ chi tiết hệ thống thông tin liên lạc kép (vô tuyến – hữu tuyến) trong đó chủ đạo là vô tuyến. Thực hiện thông suốt thông tin hai chiều giữa các đài radar và các phân đội trên trận địa tên lửa.
Trong tất cả các đơn vị các phân đội tiến hành các hoạt động bào hành, bảo dưỡng toàn bộ vũ khí trang thiết bị theo định kỳ, bổ sung các bộ phận thay thế, dự phòng chi tiết, cơ sở vật chất đảm bảo chiến đấu ngay trên trận đạ. Trong các đơn vị các trận địa của các tiểu đoàn tên lửa đảm bảo đầy đủ cơ số đạn (6 đạn tên lửa trên bệ phóng, 6 đạn tên lửa trên xe nạp đạn).
Trên các trận địa tên lửa và pháo phòng không, các đơn vị đã tăng cường thêm hầm trú ẩn dành cho bộ đội, tăng cường thêm độ dầy của thành xe đài phát bằng các vận dụng trong tầm tay như tre, gỗ, bao đất, cát.... nhằm giảm thiểu khả năng xuyên phá của bom bi, mảnh đạn và tên lửa Shrike. Trong lực lượng không quân đã triển khai phân tán máy bay sang các sân bay dã chiến hoặc vào các hầm trú ẩn, rãn cách các vị trí từ 15 – 20 km (có chỗ lên tới 120km) cách sân bay căn cứ.
Mặc dù bộ tư lệnh lực lượng Phòng không – Không quân đã tận dụng hết thời gian để chuẩn bị cho lực lượng sẵn sàng đánh trả đợt không tập có cường độ và sức hủy diệt lớn nhất của không quân Mỹ, nhưng cũng không thể thực hiện hết được tất cả các công tác chuẩn bị cho toàn thể lực lượng nằm trong quyền quản lý và đạt được 100% khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị thuộc quyền. Theo thống kê cho thấy đến ngày 18-12, 66% các tiểu đoàn tên lửa nằm trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, và 38% lực lượng máy bay tiêm kích. Số lượng các phi công có kinh nghiệm và khả năng bay đêm là 18, với MiG-21 là 13 và với MiG 17 là 5 người.
Cơ sở căn bản các hoạt động tác chiến đánh chặn và bẻ gẫy các đòn tấn công trên không của lực lượng không quân Mỹ được thực hiện theo mệnh lệnh của Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam: lực lượng tên lửa có nhiệm vụ hàng đầu là tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược B-52, lực lượng pháo phòng không – tiêu diệt các máy bay chiến thuật và lực lượng không quân – hải quân; lực lượng không quân tiêm kích – mục tiêu hàng đầu là máy bay ném bom chiến lược 'pháo đài bay' B-52, các máy bay không quân chiến thuật và không quân hải quân được đảm nhiệm bởi lực lượng không quân tuần tiễu.
Ngày 17-12, một ngày trước khi cuộc không tập lớn nhất trong lịch sử không quân Mỹ tính từ sau đại chiến thế giới thứ II bắt đầu, Bộ tổng tham mưu QĐND Việt Nam đã nắm được kế hoạch tấn công đường không của quân đội Mỹ. Lực lượng phòng không - không quân được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Sau khi các đơn vị thực hiện các nội dung công tác cho sẵn sàng chiến đấu, chỉ huy trưởng các đơn vị tên lửa – pháo phòng không được tập trung tại Trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến, Tư lệnh trưởng lực lượng phòng không - không quân trực tiếp thông báo tình hình địch, xác định quyết tâm chiến đấu và nhiệm vụ giao cho các binh chủng. Sư đoàn phòng không bảo vệ Hà Nội được giao nhiệm vụ sử dụng tên lửa chỉ bắn B-52, các sư đoàn phòng không khác được lệnh sử dụng tên lửa để bắn tất cả các mục tiêu phương tiện bay của địch, khi phát hiện mục tiêu thuận lợi cho phòng đạn diệt địch, đặc biệt chú trọng bắn máy bay B-52, ngoài ra, căn cứ vào tình huống địch – ta trước mắt, các đơn vị được lệnh tiết kiệm đạn tên lửa.
Các đơn vị và các phân đội pháo phòng không, nằm trong biên chế của sư đoàn phòng không bảo vệ Hà Nội, được giao nhiệm vụ tiêu diệt các máy bay bổ nhào tấn công mục tiêu, các máy bay bay thấp, đặc biệt chú ý máy bay ném bom F-111, đồng thời bảo vệ các trận địa tên lửa và các sân bay của máy bay tiêm kích.
Tư lệnh trưởng lực lượng không quân tiêm kích nhận nhiệm vụ sử dụng lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu và lực lượng không quân có nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt máy bay ném bom B-52.
Thử lửa
Vào cuối ngày 18-12, Bộ tư lệnh lực lượng Phòng không - Không quân được biết tàu sân bay “Saratoga” di chuyển về phía tây của Vịnh Bắc Bộ. Lúc 18h30 đơn vị radar trinh sát tầm xa đóng quân trên biên giới Việt - Lào phát hiện một tốp F-111A trên tầm xa là 250km, tầm cao là 9.000m, đang bay về phía biên giới Việt Nam. Sau 15 – 18 phút phát hiện các phi đội F-4, trong biên chế của lực lượng không kích cường độ cao đợt một.
Đến 19h50 cùng ngày, toàn bộ các trận địa phòng không tên lửa – pháo binh triển khai, phát huy hỏa lực đánh chặn đợt không kích ồ ạt với cường độ rất cao của không quân Mỹ. Đánh trả các đòn tập kích đường không của địch, các đơn vị phòng không trong đêm đã phóng 35 loạt tên lửa SA-75M, hàng trăm loạt đạn pháo phòng không các cỡ nòng, máy bay MiG hai lần xuất kích, kết quả là bắn rơi 7 máy bay, trong đó có 3 máy bay B-52 và một máy bay F-111A. Bộ đội tên lửa đã phóng 69 đạn.
Bộ đội tên lửa của phòng không - không quân Việt Nam trước chiến dịch Linebacker II có trong biên chế 36 tiểu đoàn tên lửa, trang bị chủ yếu là tổ hợp tên lửa SA-75M “Dvina” tên lửa 3 khoang buồng đốt V-750M (11D), đài radar trinh sát và dẫn đường, chỉ thị mục tiêu R-12, 9 tiểu đoàn kỹ thuật tên lửa. Biên chế tổ chức thành 9 trung đoàn tên lửa phòng không, các trung đoàn này được biên chế vào 4 sư đoàn phòng không.
Lực lượng chủ yếu của các đơn vị tên lửa là phòng thủ Thủ đô Hà Nội, các trận địa được bố trí ở các khu vực có sân bay như Nội Bài, Gia lâm, Kép, khu vực ga xe lửa Đông Anh và Yên Viên, Cảng và khu vực công ngiệp thành phố Hải Phòng, đồng thời được bố trí ở các tuyến cầu, ngầm vượt sông, các tuyến đường vận tải huyết mạch, các khu vực tập trung quân trong các tỉnh của quân khu 4. Thanh hóa và Nghệ An. Các đơn vị tên lửa phòng không tập trung thành 3 cụm hỏa lực chủ yếu: Cụm hỏa lực phòng không Hà Nội, cụm hỏa lực phòng không Hải Phòng và cụm hỏa lực phòng không Quân khu 4. Các tiểu đoàn tên lửa trong các cụm hỏa lực tên lửa phòng không chiếm lĩnh các trận địa tên lửa, có khoảng cách so với mục tiêu bảo vệ từ 7 km đến 15 km. Các trận địa tên lửa cách nhau trong cụm phòng không Hà Nội là 8 – 18 km, Hải Phòng 7 – 12 km và quân khu 4 là 6-20 km.
Các đơn vị sẵn sàng chiến đấu tính đến ngày 18-12 của 36 tiểu đoàn tên lửa là 24 tiểu đoàn, chiếm 66,6% tổng số. Trong đó, tỷ lệ đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở Hà Nội và Hải Phòng là 75% và 86%, tỷ lệ đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở quân khu 4 thấp hơn nhiều, là 50%.
Trong chiến dịch không kích, tại khu vực có các hoạt động tác chiến mạnh mẽ, (chủ yếu cụm binh lực phòng không Hà Nội và Hải Phòng) lực lượng không kích lên đến 1.800 phương tiện bay chiến đấu các loại, trong đó có 390 máy bay B-52, 1200 mát bay chiến đấu cấp chiến thuật và không quân hải quân, gần 70 máy bay cường kích ném bom loại F-111A, khoảng 150 máy bay trinh sát SR-71, 147J, RF-4C và RA-5C.
Trong suốt giai đoạn không kích bộ đội tên lửa đã đánh trả 25 đợt không kích ồ ạt với cường độ cao nhất, tiến hành 181 lượt phóng đạn, kết quả thu được là bắn rơi 54 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52, 13 F4, 10 A-6 và A-7. Mục tiêu máy bay B-52 đã tiến hành 135 lượt phóng đạn (74% tổng số lượt phóng tên lửa), số tên lửa được phóng là 244 quả đạn. Hệ số hiệu quả bắn theo mục tiêu B-52 trung bình cho cả chiến dịch là 0,23. Mức tiêu hao tên lửa trung bình là cứ 1 máy bay B-52 cần bắn 7,9 tên lửa.
Ghi chú: số lượng trên là số lượng tên lửa bắn máy bay B-52, số lượng phía dưới là tên lửa bắn máy bay chiến thuật. |
Theo mục tiêu máy bay chiến thuật và máy bay không quân hải quân đã tiến hành 46 lượt phóng đạn (chiếm tỷ lệ 26% tổng số lượt phóng) đã bắn hết 77 quả đạn tên lửa, tiêu diệt 23 máy bay. Hệ số hiệu quả bắn là 0,5, trong đó cứ một máy bay bị tiêu diệt cần 3,3 tên lửa.
Trong tất cả các trận đánh, được tiến hành bởi lực lượng tên lửa phòng không, có hai trận đánh đặc trưng điển hình nhất, đó là trận đánh của sư đoàn phòng không ngày 19-12 từ 4h40 đến 5h46 và cũng của sư đoàn phòng không Hà Nội ngày 26-12 (22h15 đến 23h24).
Không kích ồ ạt
Đợt không kích ồ ạt cường độ cao có sự tham gia của 66 máy bay, 24 máy bay B-52. Mục tiêu là sân bay Bạch Mai và 3 khu vực, nằm ở hướng phía Tây Bắc và phía Tây thành phố, cách trung tâm từ 10 đến 12 km. Đợt không kích đà triển khai từ Hướng Tây Вắc Hà Nội trên một hành lang rộng 20 – 25 km. Mật độ tập kích của các phi đội máy bay chủ công Mỹ là 0,6 máy bay/phút.
Trận đánh này có sự tham gia của 9 tiểu đoàn tên lửa phòng không thuộc sư đoàn phòng không bảo vệ Hà Nội. Nhiệm vụ chiến đấu được chuyển đến cac tiểu đoàn theo các thông tin từ các đài radar trinh sát, Các thông số về chỉ thị mục tiêu máy bay địch được truyền đến theo hệ thống góc phương vị và tầm xa (góc phương vị - tầm) theo vị trí tọa độ sở chỉ huy trung đoàn phòng không. Tính toán phần tử bắn được tiến hành tại trận địa các tiểu đoàn tên lửa. Để xác định được tọa độ và thông số chuyển động của mục tiêu trong điều kiện nhiễu dày đặc, tại sở chỉ huy trung đoàn đã xác định theo phương pháp 3 điểm, theo đó đã sử dụng các thông số của 2 – 3 trận địa tiểu đoàn tên lửa, tính toán góc phương vị được tiến hành theo nhịp độ 10 giây một lần. Số lượng lớn các tiểu đoàn tên lửa, cung cấp thông tin đã làm phức tạp thêm hoạt động của chiến sĩ đồ bản và tiêu đồ, từ đó dẫn đến làm tăng thêm các lỗi trong công tác xác định tọa độ và các thông số chuyển động của mục tiêu.
Để xác định chính xác loại mục tiêu và các thông số liên quan, tại sở chỉ huy trung đoàn tên lửa phòng không đã sử dụng thêm các thông tin nhận được từ sở chỉ huy sư đoàn phòng không, các thông tin nhận được từ đài radar trinh sát tầm xa, các báo cáo từ các trận địa tên lửa các báo cáo từ quan trắc bằng quang học.
Sau khi xác định loại mục tiêu, tọa độ và các thông số về tốc độ chuyển động của mục tiêu, sở chỉ huy trung đoàn xác định và truyền đạt nhiệm vụ chiến đấu cho các tiểu đoàn, chỉ thị về số lượng tên lửa sẽ phóng, trong một số trường hợp đặc biệt đã chỉ thị về khoảng cách (tầm xa của mục tiêu) khi phóng tên lửa.
Trong trận đánh này, các phân đội tên lửa đã phóng đạn 19 lần, bắn 35 tên lửa, nhưng chỉ tiêu diệt được một máy bay B-52. Đến thời điểm bắt đầu trận không kích với cường độ lớn của không quân Mỹ, các trắc thủ và chiến sĩ tiêu đồ của sư đoàn, trung đoàn và cấp tiểu đoàn vẫn chưa có được đầy đủ kinh nghiệm tiến hành các hoạt động tác chiến chống lại một lực lượng không kích cấp chiến lược với cường độ cao trong điều kiện phức tạp các tình huống trên không và nhiễu dầy đặc.
Các chiến sĩ trắc thủ radar hành động không tự tin và chuẩn xác, để xảy ra những thiếu sót không đáng có khi tiến hành đeo bám mục tiêu. Không thành thục khi sử dụng chế độ thu phát chủ động và thụ động của đài radar dẫn đường và chỉ thị mục tiêu tên lửa.
Gần 70% lần phóng tên lửa được tiến hành trên tầm xa từ 32 đến 40 km, khi khả năng bám cụm mục tiêu trong điều kiện bị gây nhiễu dày đặc rất khó khăn. Từ đó dẫn đến khả năng dẫn đạn không có được độ chính xác cao.
Khi giao nhiệm vụ cho các phân đội, sở chỉ huy trung đoàn đã không tính hết được điều kiện, tình huống khi bắn và cơ số đạn dự trữ của các phân đội trên trận địa tên lửa. Hầu hết các tiểu đoàn có cơ số đạn dự trữ khoảng từ 7-8 tên lửa, do đó đã có giới hạn số lần phóng đạn và số đạn trong mỗi lần phóng. Từ 19 lần phóng đạn có 3 lần phóng chỉ có 1 tên lửa, còn lại là 2 tên lửa. Số tên lửa được bắn trong mỗi lần phóng đạn giới hạn bởi chỉ thị cấp trung đoàn, do đó đã cản trở tính chủ động của sĩ quan chỉ huy phóng tên lửa, từ đó làm giảm hiệu quả bắn. Giai đoạn đầu tiên, theo mệnh lệnh của sư đoàn, giao nhiệm vụ mỗi mục tiêu một tên lửa, nhưng khi trung đoàn đã bắn hết 60% cơ số dự trữ đạn, mới quyết định cho bắn 2 tên lửa trong mỗi lần phóng đạn. Đồng thời có những sơ suất khi phát hiện và xác định loại mục tiêu, kết quả là có 5 lần phóng đạn ngoài khu vực giới hạn xạ kích vào mục tiêu là máy bay chiến thuật, bị nhầm tưởng là phi đội máy bay B-52.
Nếm đòn đau
Hiệu quả tác chiến phòng không cao hơn hắn là trận chiến đấu đánh trả đợt tập kích cường độ cao của các đơn vị tên lửa sư đoàn phòng không Hà Nội đêm ngày 26-12, thời gian từ 22h15 đến 23h24. trong đợt không tập này nhằm vào các mục tiêu nằm trong khu vực bảo vệ của sư đoàn phòng không Hà Nội, tham gia đợt cường tập trên không có 80 máy bay, trong đó có 36 máy bay B-52. Mục tiêu tấn công là sân bay Gia Lâm, ga xe lửa Đông Anh, Ga Yên Viên nằm ở phía tây ngoại thành Hà Nội và khu vục nằm cách Hà nội từ 8-10km về phía nam Hà Nội. Cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 được tiến hành trên 3 hướng: Từ phía Tây Bắc theo hành lang rộng 10 km, từ phía Tây theo hành lạng rộng 15 km và từ phía Đông Nam hành lang tiến công là 10 km. Thời lượng ném bom là 24 phút, mật độ cường tập đến 1,5 máy bay/phút.
Trước thời điểm bắt đầu không tập, 2 tiểu đoàn của cụm phòng không Hải Phòng ( tiểu đoàn tên lửa 71 và 72) được cơ động di chuyển vào khu vực phòng ngự của Hà Nội và biên chế vào đội hình chiến đấu. Như vậy trong cơ cấu biên chế của sư đoàn phòng không Hà Nội tăng lên đến 13 tiểu đoàn tên lửa chiến đấu. Tính toán thực tế cơ số đạn dự trữ và đã có trên rãnh đạn, lực lượng phòng không Hà Nội có khả năng tiêu diệt 6 máy bay chiến lược B-52, và nếu tính cả khả năng nạp đạn thì có khả năng tiêu diệt đến 8 máy bay.
Thực tế trong trận đánh này, các đơn vị tên lửa đã phóng đạn 24 lần, bắn 45 quả tên lửa và tiêu diệt 6 máy bay B-52. Như vậy, khả năng hỏa lực tiêu diệt mục tiêu của sư đoàn được hiện thực hóa đến 75%. Hệ số hiệu quả phóng đạn đạt 0,25, mức độ tiêu hao trung bình cho một máy bay B-52 được giảm xuống đến 7,5. Kết quả đạt được nhờ có sự phối hợp ăn ý, hiệp đồng nhịp nhàng hiệu quả của tất cả các trắc thủ các cấp và kinh nghiệm tác chiến được nâng cao qua nhưng đêm chiến đấu liên tục. .
Phân bố các trận địa tên lửa của lực lượng phòng không Hà Nội vào ngày 18.12.1972. |
Các trắc thủ trên các xe điều hành tác chiến cấp trung đoàn và các trắc thủ trên các xe điều khiển tên lửa hành động trong trận chiến này thực sự rất tự tin và kiên quyết, độ chính xác đạt cao khi lựa chọn mục tiêu khai hỏa, sử dụng rất tốt các tính năng kỹ thuật của đài radar điều khiển để phát hiện mục tiêu trên nền phông nhiễu dầy đặc, có khả năng thành thục lựa chọn chế độ phát chủ động và thụ động của đài điều khiển tên lửa. Phóng đạn trên tầm xa mục tiêu tối ưu nhất. Trong số 45 tên lửa được phóng có 36 tên lửa được phóng ở tầm xa mục tiêu là 25 – 35 km. Trong năm lần phóng đạn, dẫn đến tiêu diệt mục tiêu, khoảng cách phóng đạn là 28 km đến 32 km.
Nhưng trong trận chiến đấu này cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm. Hai phi đội máy bay B-52 đã bị nhận nhầm là phi đội F-4 và không bị tấn công bằng tên lửa. Một số đơn vị tên lửa đã phóng một lần 1 đạn, mặc dù trong điều kiện tác chiến phức tạp của tình huống và cơ số đạn dự trữ có thể tiến hành thấp nhất là 3 lần phóng. Nguyên tắc phóng đạn tiêu diệt mục tiêu vẫn bị vi phạm. Ví dụ: Từ 24 lần phóng đạn đã có bốn lần phóng chỉ có một tên lửa, trong đó 2 lần là phóng đạn đuổi theo mục tiêu. Chỉ có một lần phóng đến 3 tên lửa, còn lại là 2 tên lửa trong mỗi lần phóng.
Một trong những đặc điểm nổi bật của các hoạt động tác chiến các đơn vị tên lửa phòng không trong các trận đánh trả các cuộc không tập ồ ạt có cường độ cao do lực lượng không quân chiến lược Mỹ tiến hành là tập trung hỏa lực của nhiều trận địa tên lửa cho một mục tiêu lớn (cụm mục tiêu). Hỏa lực tên lửa tập trung của một nhóm các trận địa tên lửa đã đạt được hiệu suất chiến đấu rất cao. Trong 23 lần phòng đạn đã bắn hạ tới 13 máy bay B-52, tiêu hao 98 tên lửa. Hiệu suất trong các lần phóng đạn đạt đến 0,56, gấp 2,5 lần hơn hiệu suất phóng đạn nói chung trong tất cả các lần xạ kích vào các mục tiêu máy bay chiến lược, mức độ tiêu hao tên lửa giảm xuống nhiều hơn mức độ tiêu hao tên lửa trung bình theo điều kiện bắn thông thường. Khả năng phóng đạn tập trung từ 3 đơn vị hỏa lực (trận địa tên lửa) không có kết quả chủ yếu là chất lượng điều hành tác chiến của các trận địa tên lửa thấp.
Các trận địa tên lửa bị tấn công nhiều lần bằng bom thông thường, bom bi và các tên lửa chống radar Shrike. Trong đó chỉ có 9 lần địch đánh trúng mục tiêu (8 lần trận địa tên lửa bị đánh trúng bằng bom phá và bom bi – 1 lần bằng tên lửa Shrike). Có 6 tiểu đoàn tên lửa bị mất sức chiến đấu tạm thời, có 3 dàn anten PA-11 và PA-12, một xe điều khiển PA, 5 máy phát điện DES -75, 9 bệ phóng tên lửa, 15 tên lửa, một xe kéo ATS-59, có 3 tiểu đoàn bị đứt hỏng cáp điều khiển.
Trận địa của tiểu đoàn tên lửa 73 bị tổn thất bởi tên lửa Shrike do kíp trắc thủ đã phạm sai lầm lớn, không tuân thủ chế độ công tác của radar dẫn đường và chỉ thị mục tiêu, trắc thủ đã phát liên tục 80s ở chế độ tích cực dò tìm mục tiêu (với công suất phát rất lớn) do đó, tên lửa Shrike đã đánh trúng đài radar. Các vụ tấn công bằng tên lửa chống radar Shrike khác, do các kíp trắc thủ tuân thủ nghiêm ngặt chế độ công tác, nên tên lửa hầu hết là nổ cách trận địa phóng đạn từ 2 – 3 km.
Một trong những điều kiện đảm bảo sự an toàn bền vững của các đơn vị tên lửa, các đài phát trước đòn tấn công của tên lửa chống radar Shrike là tuyệt đối tuân thủ chế độ phát chủ động công suất lớn. Các trắc thủ chiến đấu bật chế độ phát xung radar chỉ trong giới hạn 15 – 20 giây. Khi bị tên lửa tấn công, chế độ hoạt động chủ động ngắn của radar sẽ làm cho tên lửa Shrike mất khả năng tự dẫn, sẽ tự hủy. Để tăng cường khả năng phát hiện tên lửa chống radar trên màn hiện sóng khóa và bám mục tiêu, các trắc thủ sử dụng chế độ quét thụ động xen lẫn phát chủ động, khi dẫn đạn đến mục tiêu sử dụng chế độ phát chủ động đồng thời nhanh chóng phát hiện mục tiêu tên lửa Shrike. Cũng không thể loại trừ tình huống, đối phương sử dụng nhiễu với mật độ dày đặc che chắn cho máy bay B-52, chính chế độ nhiễu cực đại này đã gây khó khăn cho máy bay chiến thuật của chính đối phương phát hiện và tấn công các đài điều khiển tên lửa và trận địa tên lửa.
'Điện Biên Phủ trên không'
Trong các hoạt động tác chiến đánh trả cuộc không tập ồ ạt với cường độ cao của Không quân chiến lược Mỹ, nhiệm vụ chủ yếu và nặng nề nhất được đặt lên vai của các đơn vị binh chủng tên lửa phòng không. Có thế nhận xét rằng. Mỗi đêm, các đơn vị tên lửa phải thực hiện 10 – 12 lần phóng đạn hoặc hơn nữa. Trong suốt 12 ngày đêm của chiến dịch Linebacker II, bộ đội tên lửa đã tiêu diệt 54 máy bay địch, chiếm 66% tổng số máy bay bị tiêu diệt, trong đó có 34 máy bay ném bom B-52. Hiệu quả tác chiến đạt được cao nhất là ngày 26-12, 36 giờ sau lễ Giáng Sinh, người Mỹ lại tiếp tục chiến dịch ném bom ồ ạt, 63 máy bay B-52 đồng thời không kích 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyện. Lực lượng tên lửa phòng không đã phóng đạn 27 lần và bắn rơi 7 máy bay B-52 và 2 máy bay F-4.
Máy bay tiêm kích của Không quân Việt nam đã tiến hành 31 lượt xuất kích, đánh 8 trận không chiến, bắn rơi 7 máy bay địch (9% tổng số máy bay bị bắn rơi trong suốt thời gian chiến dịch), trong đó có 2 máy bay B-52. Các trận không chiến thông thường do gặp lực lượng không quân tiêm kích của đối phương, biên đội xuất kích 2 MiG 21. Bắn rơi B-52, lực lượng không quân đã xuất kích đơn. Các lực lượng không quân tiêm kích khác như MiG 17, MiG 19 không tham chiến.
Một vị trị có ý nghĩa rất lớn trong chiến dịch phòng thủ chống lại cuộc không tập ồ ạt có cường độ cao của Mỹ, đặc biệt là đánh trả các đòn tấn công của máy bay cường kích chiến thuật và tiêm kích – ném bom hải quân, chủ công là máy bay tiêm kích ném bom F-111A là lực lượng pháo phòng không các cỡ nòng và các lực lượng phòng không dân quân tự vệ thành phố. Lực lượng này đã bắn hạ 20 máy bay (25% tổng số các máy bay bị bắn rơi) trong đó có 5 máy bay F-111A.
Nhưng thực tế cũng cho thấy, giữa lực lượng phòng không chính quy thuộc sư đoàn phòng không Hà Nội với lực lượng dân quân tự vệ, sự hiệp đồng chiến đấu và phối kết hợp rất yếu. Lực lượng các đơn vị dân quân tự vệ rất lớn, (bao gồm cả người già và phụ nữ), được trang bị súng trường và súng máy, súng máy phòng không cỡ nòng 12,7mm và súng máy tự động 14,5mm. Khi địch bắt đầu không kích, (từ thời điểm báo động phòng không) đến khi báo yên (máy bay địch rút lui), các đơn vị này hầu như không ai quản lý và điều hành tác chiến, bất cứ một máy bay nào xuất hiện trong trường nhìn của người chỉ huy đều được coi là máy bay Mỹ và lập tức khai hỏa.
Nói chung, dù không quân Mỹ chiếm được vị thế làm chủ bầu trời, đồng thời có sự tham chiến của các loại vũ khí có sức phá hủy rất lớn, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Nhưng với sức mạnh của chính nghĩa, của lòng dũng cảm, các đơn vị phòng không – không quân và lực lượng phòng không nhân dân đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tính từ sau đại chiến thế giới lần thứ II, bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 F-111A, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng không quân đối phương. Chiến thắng hiển hách này được người Việt Nam mệnh danh là trận 'Điện Biên Phủ trên không'.
Trịnh Thái Bằng - Nguồn: Lịch sử quân sự Nga