Cuộc sống sau sinh không phải với mẹ nào cũng có màu hồng, nó đôi khi còn chứa đầy cay đắng lẫn nước mắt. Vẫn biết có con là niềm hạnh phúc vô bờ, nhưng nhiều mẹ đã không thể hưởng trọn vẹn hạnh phúc ấy khi ngoài bé con lúc nào cũng thương yêu ra thì còn vô số áp lực, bức bối, mệt mỏi đến kiệt sức... Có những câu chuyện của mẹ mà ta thấy trách móc thì ít, thương đến quay quắt thì nhiều...
Mẹ ôm con đến đói lả trong phòng
Mới đẻ được hơn 1 tháng nhưng những ngày ở cữ khiến Đỗ Thu H. (Hải Phòng) phải vào viện cấp cứu vì suy nhược cơ thể và có dấu hiệu trầm cảm nặng sau sinh. Mẹ chồng cô phải nhờ hàng xóm phá cửa phòng mới "lôi" được H. ra trong trạng thái người đã lịm đi, co giật, mắt lờ đờ; trên tay vẫn ôm chặt đứa con cũng sắp lả đi vì khóc nhiều và đói...
Khi được chồng bón cho những thìa cháo loãng trong bệnh viện, H. vẫn xanh như tàu lá, cố nuốt cháo như người mất hồn; đứa con phải bú nhờ người ta vì còn bé quá, mà mẹ đã chẳng còn 1 giọt sữa. Những ngày "khốn khổ" sau sinh khiến mỗi đêm H. đều bật dậy và khóc tu tu không ngừng được vì uất ức, tủi thân.
Ai đời H. vừa đẻ xong hôm trước, hôm sau chồng đã "cuốn gói" ngay lên Hà Nội đi làm; trong khi H. đẻ khó, bệnh viện ở quê thì thô sơ, bác sĩ thiếu kinh nghiệm nên tưởng chết đi sống lại. Trở về nhà khi đi lại cũng không nổi chứ đừng nói đến chuyện 1 mình chăm con; níu chồng ở nhà thêm vài ngày thì mẹ chồng đã cau mặt: "Ở nhà có mẹ chăm rồi, để nó đi làm chứ nghỉ lâu ảnh hưởng đến công việc của nó". Chồng H. bình thường chăm và thương vợ lắm, nhưng chỉ cần mẹ nói câu gì là nghe câu đó, là đúng, là chân lý, chứ chưa có "ý kiến" bao giờ (có lẽ đây là "bệnh" của rất nhiều ông chồng Việt?!).
Trầm cảm sau sinh - cơn ác mộng của mẹ... (Ảnh minh họa)
Nằm trên giường nhìn chồng xách đồ đi mà nước mắt H. lã chã, khóc không thành tiếng. Đã thế, số tiền dành để đẻ và nuôi con trước hôm đi sinh H. đưa hết cho chồng để anh chi tiêu và chăm lo cho vợ con, thế mà anh... đưa tuột luôn cả cục cho mẹ, "hồn nhiên": "Mẹ chứ có phải ai đâu mà em lo, anh đi làm, ở nhà mẹ còn chi tiêu cho em". Chi tiêu đâu chả thấy, 10 bữa cơm thì 9 bữa có tí thịt rang khô quèo với rau ngót luộc, bữa thứ 10 thì... khuấy khuấy quả trứng trong cái nồi con, để nguyên thế với bát cơm lèn chặt bê vào: "Ăn đi, chịu khó mà kiêng khem chứ ăn uống sa đà sau này khổ, đàn bà đẻ phải ăn uống thế!". Xong bà ra ngoài ríu rít chuẩn bị nồi lẩu "tươm tất" để lát con giai, con gái về "thăm cháu".
Bà chị gái chồng thì không con, vợ chồng trục trặc ly thân cả năm nhưng được cái hay "chỉ bảo". Về thăm em dâu đẻ mà thấy mâm bát chưa dọn thì hắng giọng: "Đẻ xong phải đi lại, làm cái này cái kia cho người nó khỏe, cứ nằm 1 chỗ thế không tốt đâu! Để bát đũa thế này nó chua ra, rồi ruồi muỗi vào mất vệ sinh. Mà ăn uống làm sao lại chả có tí sữa nào thế kia, khổ cháu bác đói mốc mép..." - Ăn uống làm sao ư? Giá chị chồng chịu rửa hộ H. cái mâm bát bé tí kia thì sẽ thấy cơm nước cũng chả vơi tẹo nào, thịt nạc vừa cứng vừa nhạt, đến người thường cũng chả nuốt nổi chứ đừng nói bà đẻ, cố lắm H. cũng chỉ uống ước tí nước canh cầm hơi. Đã thế, đẻ xong chưa hồi sức lại bị rạch khâu đến cả chục mũi, mỗi lần đứng lên ngồi xuống là đau đến xé ruột chứ đừng nói bê bát đi rửa. Mà bà chị cũng nói thế, xong tất tả ra ngoài bê hết gà lại bò, hết tôm đến mực lên để mấy mẹ con, bà cháu ríu rít "ăn mừng".
Chẳng ai muốn mình rơi vào những trạng thái tồi tệ, nhưng cuộc đời đôi khi xô đẩy... (Ảnh minh họa)
Nhà chồng H. không hề khó khăn chứ đừng nói là khá giả, mẹ chồng bình thường chi tiêu rất "thoáng" nhưng hễ H. mở miệng nhờ mua cái này cái kia là bà tỏ ý khó khăn: "Phải căn ke chứ đừng tiêu pha lãng phí con ạ, chồng nó cũng còn phải đi làm vất vả, kiếm được đồng tiền có dễ đâu...". Phải, chồng H. kiếm tiền không dễ là vì lương anh còn kém xa cả lương của cô, mà chỉ nhờ mẹ mua cho cháu thêm bỉm tã, thêm cái chậu rửa hay ít tăm bông chứ nào có hoang phí gì. Càng nghĩ càng dại, giá để riêng tiền ra thì H. tự đi mua cho nhanh. Càng nghĩ càng tủi thân, vì mẹ đẻ H. không còn, anh em không có ai nên không nhờ vả, bấu víu vào ai được. Chồng thì ngày nào cũng điện đóm hỏi han từng tí, nhưng động có kêu ca về mẹ một tí là... cúp máy luôn: "Em đừng nghĩ xấu cho mẹ, mẹ chăm sóc em thay anh như thế, em nói thế không phải đâu, em xem tiền anh để hết ở nhà rồi, em còn thiếu thốn gì?". Khốn khổ nhất là những ngày đầu sau đẻ, muốn đi vệ sinh hay rửa ráy cũng chẳng có chồng giúp đỡ, vết thương đau như xé ruột xé gan. Đã thế đợi mãi đến chủ nhật chồng về thì mẹ chồng gọi điện lệnh "xanh rờn": "Mai mồng 1, con đừng có về, nhà có bà đẻ đen lắm, làm ăn lại không xuôi". Thế mà chồng cũng nghe theo: "Mẹ thương anh mới thế, thôi em chịu khó...".
Cứ thế, ngày này nối tiếp ngày kia dài lê thê, không ai chia sẻ, không ai hỗ trợ những lúc khó khăn nhất, H. cứ ngày một quắt queo đi, cô cũng chẳng buồn oán thán, kêu ca với ai. Cô chán ghét đến tận cổ những lời "xoe xóe" của mẹ chồng, thấy miệng đắng ngắt mỗi lần nhai trệu trạo bát cơm lèn chặt,... Rồi H. chỉ biết cả ngày cả đêm ôm con khóc, sữa cạn dần mà cô như không tỉnh táo được nữa, thằng bé ngày đêm quấy khóc vì đói, mẹ cũng dần dần như người điên, lúc giận dữ, lúc yếu ớt buồn nản đến mức như sống dưới... địa ngục, có lúc lo lắng, sợ hãi cùng cực khi nhìn con, sợ mất con,... H. quay cuồng trong những cảm xúc tệ hại nhất và rồi, cô bắt đầu hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, nói chuyện với người khác. "Đỉnh điểm" là lúc H. chốt chặt cửa phòng không ăn không uống, mặc kệ mẹ chồng gọi vào, mặc kệ đứa con khóc ngằn ngặt trên tay đến tận chiều tối, mẹ chồng phải nhờ hàng xóm phá cửa...
Cũng may sau đó chồng H. còn "tỉnh ngộ", đưa vợ lên thành phố ở cùng rồi thuê thêm người chăm sóc vì vợ vẫn chưa trải qua "cơn ác mộng sau sinh". Tuy vậy, vừa điều trị bằng thuốc, vừa dần được giải tỏa tâm lý nên H. đã phần nào khá hơn, tinh thần cũng tốt lên nhiều. Cuộc sống ở thành phố tuy chật hẹp, thiếu trước hụt sau nhưng rõ ràng, so với khi ở cùng mẹ chồng, H. thấy tốt hơn bao giờ hết. Cô bảo, chờ cho con cứng cáp rồi đi làm lại, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. "Mình cũng dự định sinh 1 đứa thôi, mà nếu có sinh đứa nữa, chắc cũng... không về quê nữa đâu..." - H. nghẹn ngào nhớ lại những ngày "khốn khổ".