Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia

Trải nghiệm dệt thổ cẩm và vẽ Batik trong cuộc giao lưu
Trải nghiệm dệt thổ cẩm và vẽ Batik trong cuộc giao lưu
TPO - Lần đầu tiên, chương trình giao lưu, trải nghiệm văn hóa về nghề dệt Thổ cẩm của Việt Nam và Batik của Indonesia diễn ra tại Bảo tàng Thế giới Cà phê TP Buôn Ma Thuột. 
Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 1

Các nghệ nhân Ê Đê trải nghiệm vẽ Batik kiểu Indonesia

Sự kiện bắt đầu từ ngày 21 đến 23/12/2018, ngay buổi đầu tiên đã thu hút khá đông người tham gia, do Tập đoàn Trung Nguyên Legend phối hợp Đại sứ quán Indonesia tổ chức.

Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 2 Nghệ nhân Indonesia giới thiệu cách nhuộm Batik

Với sự góp mặt của các nghệ nhân Indonesia và nghệ nhân dệt thổ cẩm Ê đê, chương trình đem đến trải nghiệm mới mẻ cho công chúng thông qua các hoạt động vẽ Batik và dệt thổ cẩm. Không chỉ thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật trên vải, người tham dự còn được trực tiếp tạo ra những tác phẩm của riêng mình dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 3 Các phóng viên cũng thử trải nghiệm cách làm Batik

Batik là loại vải được dệt thủ công, thường phủ sáp ong và nhuộm lên bề mặt các chất liệu như lụa, len, vải sợi bông. Nghệ thuật Batik đã xuất hiện từ hơn 2500 năm trước ở Viễn Đông, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia…

Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 4

Và tìm hiểu kỹ thuật dệt Thổ cẩm Ê Đê

Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik, nhưng tại Indonesia vải Batik được coi là sản phẩm thương hiệu quốc gia, còn kỹ thuật nhuộm truyền thống Batik của Indonesia đã được UNESCO đưa vào danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2009.

Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 5 Người Indonesia tự hào về Batik 

Tại Việt Nam, nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng có từ rất lâu đời, là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. Tuy nhiên để duy trì nghề này đồng bào phải đối mặt với nhiều thử thách, vì đầu ra cho sản phẩm rất hạn chế, khó tiêu thụ.

Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 6 Bà H'Yam chia sẻ về sự yêu nghề và những khó khăn để duy trì các khung dệt Thổ cẩm

Bà Nurul Kartika Sari nữ nghệ nhân Batik tài năng đến từ Indonesia cho biết: Vải Batik của chúng tôi có 3 loại: vẽ thủ công hoàn toàn, in và dập khuôn. So sánh với thổ cẩm của Việt Nam, tôi nhận thấy cả hai loại vải đều làm thủ công, dệt công phu và mất nhiều thời gian hoàn thiện. Với vải Batik thì các hoa văn được vẽ, in trực tiếp lên vải. Còn hoạ tiết của vải thổ cẩm được tạo bằng màu sắc của chỉ để dệt lại với nhau, khó hơn nên càng độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của các bạn.

Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 7 Đại diện Ban Tổ chức chương trình tặng hoa các nghệ nhân

Các chuyên gia nghiên cứu văn hoá thú vị cho rằng: hoa văn của Batik mang nhiều nét đặc trưng của vùng biển như màu sắc, hoạ tiết, thể hiện rất rõ về đất nước vạn đảo. Còn hoa văn thổ cẩm Ê-đê cách điệu rất nhiều hình ảnh, sinh hoạt của cư dân núi rừng. Đây là điểm khác biệt rất đáng chú ý.

Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 8 Kỹ thuật vẽ Batik được chia sẻ trong chương trình giao lưu

Thay mặt nhóm nghệ nhân Tây Nguyên giới thiệu về vẻ đẹp và sự quý giá của nghề dệt thổ cẩm Êđê trong chuỗi hoạt động giao lưu này, bà H’Yam Bkrông là người đã phát triển thành công Hợp tác xã thổ cẩm Tơng Bông ở Buôn Ma Thuột với 42 xã viên. Bà còn là người tiên phong tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng ở buôn Tơng Jú, xã Eakao, TP Buôn Ma Thuột, được nhận Cúp vàng "Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng" của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Huân chương Lao động hạng Ba.

Trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia ảnh 9 Bà H’Yam Bkrông mong ước Thổ cẩm Việt Nam sẽ trở thành thương hiệu mạnh như Batik của Indonesia

Bà H’Yam Bkrông nêu nguyện vọng: Mong sao Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ đồng bào sớm đưa được vải thổ cẩm Việt Nam ra thị trường Quốc tế, như cách Indonesia đã làm được với Batik.

MỚI - NÓNG