Trai làng truy sát kinh hoàng vì xích mích nhỏ trên sân patin

23 bị cáo trong phiên xử. Ảnh: BH
23 bị cáo trong phiên xử. Ảnh: BH
TPO - Mâu thuẫn từ sân patin đầu làng, nhóm thanh niên nổi nóng, dàn quân với hung khí nguy hiểm trên tay. Một trận ẩu đả quy mô lớn đã xảy ra với sự góp mặt của 23 thanh niên “9x”. Hậu quả, 1 người tử vong tại chỗ, nhiều người mang thương tích và những bản án nghiêm khắc về hành vi giết người, gây rối trật tự công cộng.

Không liên quan cũng đánh…

Sau nhiều ngày xét xử, TAND TP Hà Nội vừa tuyên Phùng Văn Thanh (SN 1993, ở xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì) 17 năm tù về hành vi giết người. 22 bị cáo còn lại nhận án từ 18 tháng đến 17 năm tù liên quan đến các tội danh gây rối trật tự công cộng và giết người. Điều đáng nói là, trọng án đến từ những xích mích nhỏ nhặt trên sân trượt patin của các thanh niên làng.

Tài liệu cáo buộc thể hiện, khoảng 21h ngày 31/1/2014, Phùng Văn Thanh cùng nhóm bạn rủ nhau đi trượt patin tại một quán dịch vụ gần nhà. Tại đây, Thanh đã xích mích rồi tấn công một thanh niên khác khi đang cùng nhau trượt patin. Do được mọi người can ngăn, Thanh cùng nhóm bạn bỏ đi.

Tuy nhiên, trên đường về, do vẫn còn bức xúc chuyện ở sân chơi, Thanh lập tức “triệu tập” nhóm bạn lêu lổng, quay lại tìm người thanh niên đã gây chuyện với mình. 

Trước khi lên đường, Thanh giao nhiệm vụ cho từng người. Đơn cử như việc chuẩn bị “đồ” gồm các thanh tuyp nước, gậy, gạch đá sẽ do một người đảm trách. Hoặc việc dò la, truy tìm tung tích người thanh niên kia sẽ do một người nhanh nhẹn trong nhóm thực hiện.

Công tác chuẩn bị xong xuôi, nhóm thanh niên hùng hổ tiến về sân patin. Mặc dù được nguồn tin “mật báo” rằng mục tiêu tấn công đã không còn ở hiện trường. Song, với bản tính côn đồ, Thanh hét lớn: “Đánh hết” khi gặp một nhóm thanh niên khác đang chơi tại đây.

Cuộc ẩu đả đẫm máu đã làm nhiều người bị thương tích. Riêng anh Nguyễn Duy Phương (SN 1996, ở huyện Ba Vì) đã tử vong. Anh Phương bị nhóm Thanh đuổi dồn ra khu vực hồ, buộc phải nhảy xuống nhằm thoát thân. Tuy nhiên, với những trận mưa gạch đá từ trên bờ, anh Phương phải bơi ra xa và đuối nước.

Học hết lớp 6 không biết đọc, viết

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng đã làm rõ lai lịch của tên đầu vụ Phùng Văn Thanh. Theo đó, hồ sơ thể hiện thanh niên này đã học hết lớp 6/12. Tuy nhiên, khi bị điều tra, lực lượng chức năng mới “té ngửa” bởi Thanh không hề biết đọc, biết viết. Và việc theo học được đến lớp 6 là do gia đình xin cho lên lớp. 

Theo dõi vụ án, luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc một học sinh lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết đã phần nào cho thấy một góc tối của nền giáo dục, nhất là ở các vùng ngoại thành, nông thôn.

“Hơn nữa, khi thấy con mình không tiếp thu được, đáng lẽ bố mẹ cần có biện pháp giáo dục, dạy dỗ con cái, nhưng lại dung túng, dùng nhiều biện pháp can thiệp để cho con lên lớp không theo tiêu chuẩn. Việc con hư hỏng, cũng có lỗi lớn từ cha mẹ khi đã buông lỏng quản lý, giáo dưỡng” – luật sư Nga nói thêm.

Luận bàn về vấn đề tâm lý, Tiến sỹ Dương Thị Loan (Phụ trách bộ môn tâm lý học - Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, việc cả chục thanh niên lao vào tấn công những người lạ mặt, không mâu thuẫn gì với mình đã cho thấy một lỗ hổng trong công tác giáo dục. 

Việc chỉ cần nghe tiếng hô: "Đánh hết" là lập tức những "cái đầu nóng" xông lên đã phản ánh một hiện tượng tâm lý, hay còn gọi hội chứng đám đông. 

Theo tiến sỹ Loan, ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi như các bị cáo trong vụ án, rất dễ bị kích động, lôi kéo. "Nếu không có những định hướng kịp thời, đám trẻ rất dễ sa ngã, rồi thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng thiếu nhận thức đầy đủ" - bà Loan phân tích.

MỚI - NÓNG