Trái Đất đứng trước nguy cơ hứng trọn bão Mặt Trời mạnh nhất trong 6 năm

0:00 / 0:00
0:00
Chúng ta rơi vào "tầm ngắm" của nhiều vụ phun trào CME, cùng với nguy cơ xảy ra bão Mặt Trời mạnh nhất trong vòng 6 năm
Trái Đất đứng trước nguy cơ hứng trọn bão Mặt Trời mạnh nhất trong 6 năm ảnh 1

Vết đen AR3590 có kích thước khổng lồ đang hướng thẳng về phía Trái Đất, khiến chúng ta đứng trước nguy cơ hứng trọn các cơn bão Mặt Trời cường độ mạnh trong thời gian tới (Ảnh: Spaceweather).

Vết đen Mặt Trời là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các cơn bão Mặt Trời, làm đe dọa thời tiết trên Trái Đất, gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với lưới điện và vệ tinh trên quỹ đạo.

Theo cảnh báo mới đây từ Spaceweather, một vết đen khổng lồ trên Mặt Trời có tên AR3590 thậm chí còn đang phát triển với kích thước lớn hơn, và hướng thẳng về phía Trái Đất.

Điều này khiến chúng ta rơi vào "tầm ngắm" của nhiều vụ phun trào CME, cùng với nguy cơ xảy ra bão Mặt Trời mạnh nhất trong vòng 6 năm.

Theo Live Science, vết đen AR3590 lần đầu tiên xuất hiện ở phía Mặt Trời hướng về Trái Đất vào ngày 18/2, và đã nhanh chóng phình ra thành một vùng tối rộng hơn hành tinh của chúng ta tới vài lần.

Ngày 21/2, AR3590 đã tạo ra một cặp vết lóa - hay còn gọi là ngọn lửa Mặt Trời (solar flare) - loại X (cũng là loại mạnh nhất) với cường độ X1.7 và X1.8. Ngày 22/2, vết đen này tiếp tục giải phóng một vết lóa khác với cường độ X6.3. Đây chính là ngọn lửa Mặt Trời có cường độ mạnh nhất trong hơn 6 năm.

Cần phải nói thêm rằng, cả 3 vết lóa này đều đã gây ra hiện tượng mất sóng vô tuyến tạm thời trên Trái Đất, nhưng đó là khi chúng còn chưa kích hoạt các vụ phun trào CME.

Trái Đất đứng trước nguy cơ hứng trọn bão Mặt Trời mạnh nhất trong 6 năm ảnh 2

Vết đen AR3590 phóng ra ngọn lửa Mặt Trời mạnh nhất trong 6 năm vào ngày 22/2 (Ảnh: NASA/SDO).

Các nhà khoa học cảnh báo, nếu bất kỳ vết lóa nào trong số này kéo theo các vụ phun trào CME hướng về Trái Đất, chúng sẽ tạo ra những cơn bão địa từ nghiêm trọng.

Hệ quả là sẽ có sự xáo trộn trong từ trường của Trái Đất, bức xạ Mặt Trời thậm chí có thể tác động đến cơ sở hạ tầng trên đất liền, gây ra hiện tượng cực quang và khiến các vệ tinh bị mất liên lạc, dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

Sự gia tăng gần đây về kích thước và tần suất của các vết đen Mặt Trời, cũng như các cơn bão địa từ, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mặt Trời đang tiến đến đỉnh điểm "bùng nổ" trong chu kỳ kéo dài 11 năm, được gọi là cực đại Mặt Trời.

Các nhà khoa học hiện cho rằng, cực đại Mặt Trời có thể đến trong nửa đầu năm nay, tức sớm hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của các chuyên gia. Nó cũng có thể sẽ mạnh hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của các nhà khoa học.

Tác động của bão Mặt Trời có thể gây ra một số hiện tượng hiếm gặp. Thí dụ như vào năm 1972, các phi công quân sự Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đang lái máy bay về phía Nam cảng Hải Phòng đã nhìn thấy 24 quả thủy lôi phát nổ trong nước mà không rõ nguyên nhân.

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã kết luận nguyên nhân dẫn đến vụ nổ này là do một cơn bão Mặt Trời mạnh tấn công Trái Đất.

Bão Mặt Trời cũng gây ra một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, đó là cực quang. Hiện tượng này được tạo ra bởi các hạt của các cơn bão Mặt Trời, sau khi chúng gia tốc dọc theo từ trường của Trái Đất đến các vĩ độ cao hơn, và đổ xuống tầng trên của bầu khí quyển.

Tại đó, các hạt của bão Mặt Trời tương tác với vật chất trong khí quyển, tạo ra những bức màn ánh sáng lung linh trên bầu trời mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG