Trách nhiệm với những 'nút bấm'

TP - Để nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ, các cơ quan của Quốc hội mà còn là trách nhiệm của từng đại biểu khi bấm nút thông qua các dự án luật.

Sáng kiến lập pháp giúp khơi thông nguồn lực

- Với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, bà nhìn nhận như thế nào về hoạt động lập pháp cũng như những điểm nhấn rõ nét trong các đạo luật vừa thông qua?

Trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua tổng số 11 luật, 21 nghị quyết, và dự kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua 11 dự án luật. Những con số kỷ lục này thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Chính phủ. Có thể nói, những dự án luật được Quốc hội thông qua đều liên quan đến những ngành, lĩnh vực được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, hầu hết các chính sách đưa ra đều có tính khả thi.

Nổi bật là các chính sách trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được thông qua, đã đưa ra quy định mới về việc rút bảo hiểm xã hội một lần với người lao động. Hay như các nội dung về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân.

Đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, việc sửa đổi nhằm đưa 4 luật này có hiệu lực sớm hơn. Đây có thể được coi là một trong những sáng kiến lập pháp, thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, một chủ trương rất đúng đắn, để sớm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, kỳ họp cũng thông qua Luật Thủ đô, với nhiều quy định mới, có tính đột phá cho Thủ đô Hà Nội. Luật Thủ đô đã tạo cơ sở cho Hà Nội được phát triển những mô hình mới như TOD, quỹ đầu tư mạo hiểm, hệ thống bác sĩ gia đình, đồng thời là các chính sách về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, sử dụng ngân sách để Hà Nội xứng tầm là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đô thị đặc biệt…

- Lâu nay, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã và đang xảy ra, gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh của người dân. Bà có kỳ vọng việc sửa đổi các luật liên quan trong lĩnh vực dược, bảo hiểm y tế tới đây sẽ khắc phục được những bất cập này?

Tại kỳ họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, vấn đề này được dư luận quan tâm, được các cơ quan báo chí gửi tới Chính phủ, Bộ Y tế. Thực tiễn, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn đang xảy ra tại các cơ sở y tế. Vấn đề này không chỉ liên quan đến Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cả nước đều kỳ vọng việc sửa đổi các luật này sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn và giải quyết được phần nào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay. Tôi hy vọng 2 dự thảo luật này khi được thông qua sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, với phương châm “Sức khoẻ của người dân là trên hết, trước hết”.

Chuẩn bị từ sớm, từ xa

- Có ý kiến nói rằng “tuổi thọ” luật của ta thường ngắn, dẫn đến bất cập. Cũng có quan điểm cho rằng, tính ổn định của pháp luật không phải ở việc luật có bị sửa đổi thường xuyên hay không mà nằm ở chính sách xuyên suốt của luật có bị thay đổi hay không. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Tôi cho rằng, nhận định trên cũng chưa hoàn toàn chính xác, bởi hiện nay, tốc độ phát triển và sự thay đổi trong đời sống xã hội quá nhanh. Chính vì vậy, nhiều quy định khi ban hành không theo kịp được với thực tiễn và trở nên lạc hậu, bất cập. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế, không ít quy định tại các văn bản luật hiện nay chưa cụ thể, chỉ mang tính nguyên tắc, các chính sách mới đưa ra chưa được đánh giá toàn diện, chưa có những dự báo chính xác.

Để nâng cao chất lượng và sự ổn định của các quy định pháp luật, tôi cho rằng, các dự án luật phải có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, nghiên cứu thấu đáo, được đánh giá tác động một cách nghiêm túc, đánh giá đúng vấn đề của thực tiễn và đặc biệt là dự báo các vấn đề phát sinh trong cuộc sống để chủ động đề xuất các chính sách.

Trách nhiệm với những 'nút bấm'  ảnh 1

Các luật được Quốc hội thông qua được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến các dự án luật phải làm thực chất, đặc biệt là ý kiến từ nhân dân, cử tri, các nhà khoa học, từ các đối tượng bị tác động. Cơ chế xin ý kiến phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, tránh dàn trải, dẫn đến khó tổng hợp để chỉnh sửa quy định cho chính xác. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chất lượng ban hành luật. Đây là trách nhiệm lớn không chỉ của Ủy ban Thường vụ, các cơ quan của Quốc hội mà còn là trách nhiệm của từng đại biểu khi “bấm nút” thông qua.

Cuối cùng, theo tôi, yếu tố vô cùng quan trọng để tăng “tuổi thọ” của luật là hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành cần phải được kiểm soát chặt chẽ ngay từ thời điểm ban hành luật, tránh tình trạng những nội dung khó tại luật lại được đưa sang hướng dẫn tại nghị định, thông tư.

“Để nâng cao chất lượng và sự ổn định của các quy định pháp luật, tôi cho rằng, các dự án luật phải có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, nghiên cứu thấu đáo, được đánh giá tác động một cách nghiêm túc, đánh giá đúng vấn đề của thực tiễn và đặc biệt là dự báo các vấn đề phát sinh trong cuộc sống để chủ động đề xuất các chính sách”.

đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà

- Theo bà, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải làm gì để sớm đưa các luật đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng, mong đợi của cử tri và nhân dân?

Có thể nói, việc xây dựng, ban hành chính sách đã rất khó, việc đưa các chính sách vào cuộc sống cũng khó khăn không kém. Tôi cho rằng, với rất nhiều chính sách có hiệu lực từ 1/8, đặc biệt là các chính sách liên quan đến pháp luật về đất đai, nhà ở, các tổ chức tín dụng… Chính phủ và các bộ, ngành cần có quyết tâm đối với những chính sách trọng tâm để sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống. Qua đó góp phần tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng, đầu tư, kinh doanh.

Trách nhiệm với những 'nút bấm'  ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà.

Theo tôi, điều quan trọng là các địa phương cần chủ động ban hành kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết.

- Trân trọng cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Hai ứng viên tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump. (Ảnh: AP)
Việt Nam nói về bầu cử tổng thống Mỹ
TPO - Việt Nam và Mỹ đang phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả phương hướng hợp tác lớn trong 10 năm tới và xa hơn nữa. Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính quyền Mỹ trong thời gian tới để tiếp tục đưa quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ, toàn diện.