Vài năm trở lại đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với sự đi xuống hay thoái trào của ngành. Chuyên gia kinh tế, thành viên Nhóm tham vấn hiến kế Kinh tế vĩ mô quốc gia và Hội nhập quốc tế - Nguyễn Hoàng Dũng nhận định:“Sự chững lại này đến từ nhiều nguyên nhân như: 1) Tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình khó khăn của nền kinh tế vĩ mô; 2) Sự thắt chặt quy định về bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng; và 3) Thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh sau thời kỳ tăng trưởng nóng. Trước đại dịch Covid-19, ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam tăng trưởng ở mức 15-20% thì nay giảm xuống ngang bằng mốc tăng trưởng trung bình của ngành trên toàn cầu là 5-10%.”
Lý giải cho sự phát triển lâu dài và trường tồn của ngành bảo hiểm nhân thọ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh: “Ngành bảo hiểm nhân thọ không chỉ bảo vệ cho cá nhân người tham gia bảo hiểm mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và ổn định của quốc gia trên nhiều khía cạnh như: 1) Đảm bảo việc làm cho 3-5% dân số; 2) Ổn định nền kinh tế vĩ mô thông qua việc thu hút và quản lý một lượng lớn nguồn vốn để đầu tư trở lại nền kinh tế như trái phiếu chính phủ, xây dựng cơ sở công cộng như cầu đường trường trạm; và 3) Hỗ trợ quản lý rủi ro hiệu quả hơn trong việc giảm thiểu tác động rủi ro tài chính, từ đó giúp cá nhân, tập thể ổn định và tiếp tục phát triển. Chính bởi những vai trò trọng yếu nêu trên của bảo hiểm nhân thọ mà các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành những quy định, chính sách nhằm đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; kiểm soát, giám sát chặt chẽ và đưa ra chế tài xử lý những trường hợp cá nhân, tập thể vi phạm đạo đức kinh doanh.”
Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Bên cạnh những sửa đổi và quy định mới trong chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước thì các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần chủ động nâng tầm chất lượng đội ngũ nhân sự và sản phẩm, dịch vụ của chính doanh nghiệp mình. Cộng đồng và khách hàng sẽ ủng hộ và lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đáp ứng tốt nhất các yếu tố: 1) Minh bạch, trung thực và tuân thủ đạo đức kinh doanh; 2) Đặt khách hàng vào vị trí trung tâm để cung cấp giải pháp phù hợp, đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo cam kết, dịch vụ khách hàng nhanh gọn và tận tâm; 3) Truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt; 4) Gia tăng trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động ý nghĩa và thiết thực hướng tới cộng đồng.”
Với bề dày hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời nhất tại Việt Nam, Bảo Việt Nhân thọ - thương hiệu doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu ngành bảo hiểm nhân thọ luôn được đánh giá cao và là ưu tiên lựa chọn của người dân. Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường do tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế vĩ mô và những yếu tố khách quan của ngành, Bảo Việt Nhân thọ vẫn đảm bảo các mục tiêu kinh doanh và giữ vị thế dẫn đầu thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu khai thác mới của Bảo Việt Nhân thọ ước đạt trên 1.850 tỷ đồng, chiếm 16,5% thị phần; chi trả quyền lợi đáo hạn lên tới 1.565 tỷ đồng và quyền lợi rủi ro & quyền lợi chăm sóc y tế trên 614,1 tỷ đồng. Ông Ngô Trung Dũng nhận xét: “Hiệp hội Bảo hiểm đánh giá cao công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ của Bảo Việt Nhân thọ và chúng tôi thấy được nội lực mạnh mẽ của Bảo Việt Nhân thọ khi kết hoạt kinh doanh của họ vẫn giữ được mức tăng trưởng trong giai đoạn thị trường khó khăn.”
Với độ phủ rộng khắp 63 tỉnh thành cùng lực lượng nhân sự “đông về số lượng - mạnh về chất lượng” luôn được xem là lợi thế lớn nhất của Bảo Việt Nhân thọ. Doanh nghiệp này đóng vai trò đầu tàu của toàn ngành trong việc đưa các giải pháp bảo hiểm nhân thọ tiếp cận tới người dân trên toàn quốc. “Việc Bảo Việt Nhân thọ được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao và vinh danh với các giải thưởng tầm cỡ là một sự ghi nhận xứng đáng” – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ.