Trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ xà lan đâm sập cầu Ghềnh

Hai bị cáo Thượng và Giang tại phiên tòa
Hai bị cáo Thượng và Giang tại phiên tòa
TPO - TAND Thành phố Biên Hòa hôm nay đưa ra xét xử vụ xà lan đâm sập cầu Ghềnh gây thiệt hại nghiêm trọng hơn 1 năm về trước.

Ngày 14/11, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) và Trần Văn Giang (36 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) về tội vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường thủy, đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. 

Theo cáo trạng, ông Thượng và vợ đứng tên chủ sở hữu tàu kéo số hiệu SG- 3745 và xà lan kéo trọng tải 980 tấn. Giữa tháng 2/2016, ông Thượng biết Giang không có bằng thuyền trưởng và Nguyễn Văn Lẹ không có chứng chỉ thủy thủ nhưng vẫn thuê Giang và Lẹ làm việc. Ông Thượng giao cho Giang điều khiển xà lan chở hàng từ các tỉnh miền Tây lên tỉnh Đồng Nai và ngược lại.

Vào khoảng 8 giờ ngày 19/3/2016, khi điều khiển tàu kéo xà lan chở cát đến địa phận tỉnh Long An, ông Thượng giao cho Giang điều khiển phương tiện tiếp tục di chuyển đến tỉnh Đồng Nai. Đến ngày 20/3/2016, xà lan lưu thông trên sông Đồng Nai hướng từ cầu Bửu Hòa đến cầu Hóa An, khi đến khu vực cầu Ghềnh, thủy triều dâng cao dòng nước chảy xoáy mạnh.

Giang không biết cách đưa phương tiện qua khoang thông thuyền của cầu Ghềnh. Khi xà lan còn cách cầu Ghềnh khoảng 50m thì Giang đã tăng ga cho xà lan qua khoang thông thuyền giữa trụ cầu số 1 và số 2. Tuy nhiên máy kéo xà lan bị chết nên Giang bỏ vị trí lái xuống khoang khởi động lại.

Khi máy nổ, Giang quay lại buồng lái thì xà lan đã quay ngang và đã trôi tới trụ cầu số 2. Giang gọi Lẹ tháo dây cột giữa tàu và xà lan nhưng không kịp, xà lan đã va vào trụ số 2 của cầu Ghềnh làm trụ cầu số 2, nhịp cầu số 2, số 3 bị gẫy gập xuống sông, chìm đầu kéo làm lật xà lan. Giang và Lẹ bơi được vào bờ

Sau khi xảy ra sự việc, công an bắt giữ Giang và Thượng, còn Lẹ được xác định không phạm tội. Thiệt hại của sự cố sập cầu Ghềnh lên tới gần 22 tỷ đồng.

Vụ tai nạn đã khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt, hệ thống điện, nước phục vụ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Cơ quan tố tụng truy tố Giang tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.

Riêng bị cáo Thượng bị truy tố về hai tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”. Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại trong vụ việc trên với số tiền gần 9 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo đề nghị cho hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung do đánh giá về thiệt hại trong vụ việc chưa đầy đủ.

Sau một buổi xét xử, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung do thiếu đại diện đơn vị giám định; yêu cầu điều tra một số tình tiết khác …

MỚI - NÓNG