TPHCM tổng rà soát an toàn phòng cháy chữa cháy

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường tập trung kiểm tra về đường, lối thoát nạn; chống tụ khói, ngăn cháy lan, nhất là việc sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm bảo đảm tính chịu lửa theo quy định.

UBND TPHCM vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao; Doanh nghiệp Nhà nước thuộc TPHCM; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC theo Phụ lục I, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; các điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở…

Đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, UBND TPHCM yêu cầu tập trung kiểm tra về đường, lối thoát nạn; chống tụ khói, ngăn cháy lan, nhất là việc sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm bảo đảm tính chịu lửa theo quy định, đồng thời trang bị hệ thống chữa cháy, báo cháy tự động và kết nối liên động để tự động ngắt hệ thống điện của dàn âm thanh tại các phòng hát khi có tín hiệu báo cháy.

TPHCM tổng rà soát an toàn phòng cháy chữa cháy ảnh 1

Vụ cháy nhà hàng gần cửa Bắc chợ Bến Thành (quận 1) sáng 17/10 gây náo loạn trung tâm TPHCM

Đối với cơ sở chưa thực hiện đủ chế độ kiểm tra định kỳ thực hiện theo quy trình kiểm tra định kỳ. Đối với cơ sở đã thực hiện xong chế độ kiểm tra định kỳ thì thực hiện kiểm tra đột xuất áp dụng trong trường hợp phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

UBND TPHCM yêu cầu rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, trong đó làm rõ các tồn tại, vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình và trong hoạt động của cơ sở; kiến nghị về thời hạn khắc phục và xử phạt vi phạm hành chính về PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

Cụ thể, đối với cơ sở đang hoạt động nhưng còn tồn tại các vi phạm về PCCC trong giai đoạn đầu tư xây dựng và trong quá trình hoạt động thì có văn bản yêu cầu ngừng hoạt động đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, không đảm bảo an toàn các yêu cầu về ngăn cháy lan, thoát nạn, trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy và bắt buộc khắc phục theo đúng các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động. Đồng thời, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với các cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, tự ngừng hoạt động thì cơ sở, hộ kinh doanh thuộc diện phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự: thực hiện kiểm tra, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với trường hợp không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; chỉ cấp lại khi đủ điều kiện an toàn PCCC.

Cơ sở, hộ kinh doanh không thuộc diện phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự: các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh đối với trường hợp không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; chỉ cấp lại khi đủ điều kiện an toàn PCCC.

UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thông báo và công khai trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông danh sách cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, cơ sở ngừng hoạt động, cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ để chính quyền địa phương, người dân giám sát.

Chính quyền các địa phương giao Công an cấp xã giám sát việc khắc phục, hoạt động của các cơ sở trên địa bàn, kịp thời báo cáo khi phát hiện hành vi vi phạm cho đến khi được hoạt động trở lại. Yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh sau khi khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ phải có báo cáo với cơ quan chức năng về kết quả thực hiện. Cơ quan Công an trực tiếp quản lý cơ sở tổ chức kiểm tra bảo đảm chỉ những cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ mới được hoạt động trở lại.

UBND TPHCM giao Công an TPHCM tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm phải chặt chẽ, nghiêm minh, triệt để, không để sót lọt cơ sở không được kiểm tra, xử lý…

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các khu dân cư, các cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý về PCCC của UBND cấp xã và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra…

Đồng thời, chính quyền phối hợp lực lượng Công an địa phương thực hiện việc tổng rà soát các điều kiện về an toàn PCCC; thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ, đồng thời tổ chức giám sát việc khắc phục và chỉ cấp lại giấy phép kinh doanh khi đủ điều kiện an toàn…

MỚI - NÓNG