Trước làn sóng bất động sản doanh nghiệp ngoại đổ xô vào Việt Nam, UBND TPHCM vừa giao Sở Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản TPHCM trong thời gian qua. Đồng thời, làm rõ các xu hướng đầu tư, các bất cập trong quản lý để tham mưu biện pháp quản lý, giám sát phù hợp.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên Môi trường được giao quản lý chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TPHCM, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản dự án.
Theo UBND TPHCM, nhiều chuyên gia cảnh báo, doanh nghiệp trong nước khi gặp khó khăn có nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại này.
Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/2 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế đến ngày 20/2, cả nước có 31.345 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 369,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 214,23 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 3,89 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 216,1 tỷ USD (chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,6 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư), sản xuất và phân phối điện với 27,7 tỷ USD (chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư).