Vốn ngoại FDI vào Việt Nam đang giảm: Có đáng lo?

Vốn ngoại FDI vào Việt Nam đang giảm: Có đáng lo?
TPO - Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt nam, ngày 8/11, Bộ phận phân tích công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết: dòng vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt 12,8 tỷ USD và 5,4 tỷ USD, giảm -15% và -16%.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng, mặc dù giá trị đăng ký FDI giảm liên tục nhưng nhìn sâu vào các số liệu thì có 3 dấu hiệu cho thấy việc giảm sút này không đáng quan ngại, thậm chí vẫn đang ở xu hướng tích cực.

Cụ thể, dù giảm về giá trị nhưng về số lượng dự án FDI vẫn tăng. Số dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn (không bao gồm góp vốn, mua cổ phần) trong 10 tháng đầu năm đã tăng +26% và +20% (cùng kỳ tăng +18.7% và giảm -4.7%). Số lượng dự án tăng cao đi cùng với nhu cầu lao động, thuê mặt bằng và các dịch vụ logistic. Giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh đã tăng liên tục trong các năm vừa qua là một minh chứng.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực có vai trò xương sống cho tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI tốt. Có 9,1 tỷ USD đăng ký mới và 4.7 tỷ USD tăng vốn vào lĩnh vực này trong 10 tháng, tăng +33% và +1%. Giá trị đăng ký mới trung bình 1 dự án thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo là 8,7 triệu USD/1 dự án, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 8 triệu USD.

Năm 2018 có 2 dự án bất động sản quy mô lớn, bao gồm dự án 4,1 tỷ USD đăng ký mới tại Hà nội và 1,1 tỷ USD tăng vốn tại Huế. 10 tháng năm nay, FDI có phần thực chất hơn khi các dự án quy mô lớn đều thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo, ví dụ như dự án tăng vốn của LG Display tại Hải Phòng có giá trị 410 triệu USD, dự án đăng ký mới của Goertek (Hongkong) tại Bắc Ninh sản xuất thiết bị điện tử có giá trị 260 triệu USD.

Với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 69% tổng xuất khẩu, khối FDI có vai trò chi phối và quyết định đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này đang chậm lại một cách đáng báo động, chỉ đạt +5% sau 9 tháng, thấp hơn nhiều khối trong nước là +16.2%. Nhiều mặt hàng chủ đạo của khối FDI có tăng trưởng thấp, cá biệt giảm âm.

Nhìn một cách tổng thể, dòng vốn FDI vào Việt nam vẫn đang ở xu hướng tích cực. Điều này đảm bảo cho tăng trưởng nội lực của khối cùng tác động lan tỏa sang các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ trong nước. Để tiếp tục thu hút FDI thì sự thay đổi trong điều hành chính sách của Việt Nam lại là yếu tố quyết định. Các hiệp định thương mại hay cơ hội từ thương chiến sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi những nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực được tháo gỡ.

 
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.