TPHCM tăng thu ngân sách từ đất đai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 7/1, trao đổi tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” chủ đề “Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM năm 2024”, Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM Huỳnh Văn Thanh cho biết, những năm qua, nguồn thu từ đất đai chiếm tỷ trọng lớn trong một số nguồn thu của thành phố.

Để tăng thu ngân sách từ đất đai trong thời gian tới, ông Thanh cho biết, Sở đang tổ chức thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp, bao gồm tăng cường việc quản lý và sử dụng đất đai theo đề án đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có; thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố được quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội…

TPHCM tăng thu ngân sách từ đất đai ảnh 1

TPHCM quyết tâm tận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển bứt phá trong giai đoạn mới. Ảnh: NGÔ TÙNG

Thông tin thêm về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, ông Thanh cho biết trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Sở TN&MT xây dựng kế hoạch đấu giá cho các khu đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và các khu vực khác ngoài Thủ Thiêm.

Thành ủy và UBND thành phố đã tổ chức phê duyệt xong để thực hiện đối với khu vực trong Khu đô thị Thủ Thiêm, còn khu vực ngoài Thủ Thiêm sẽ hoàn chỉnh thêm và thực hiện tiếp theo kế hoạch. “Đây cũng là một trong những nguồn thu trực tiếp đối với hoạt động tạo quỹ đất của thành phố”, ông Thanh nói.

Đối với giải pháp thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo chính sách đặc thù được quy định tại Nghị quyết 98, ông Thanh cho biết, thành phố thí điểm cơ chế tạo quỹ đất và đấu giá quyền sử dụng đất nhằm lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ thông qua thu hồi đất đối với các khu đất vùng phụ cận nhà ga, các tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt… Thực hiện điều này, Sở cũng đã dự thảo xong quy chế để tổ chức thực hiện, khi được thông qua sẽ tổ chức thực hiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tại chương trình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, TPHCM hiện có nhiều công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư lớn nhưng việc triển khai vẫn chậm, ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công.

“Giải pháp sắp tới của thành phố là gì để khơi thông nguồn lực này, đưa các dự án giao thông sớm đi vào hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Hòa hỏi.

Về điều này, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho biết, năm 2024 Sở sẽ phát huy bài học kinh nghiệm từ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đối với các nội dung công việc như thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật.

Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá, đề xuất phương án, mô hình quản lý dự án phù hợp để đáp ứng số lượng, quy mô các dự án trọng điểm trong thời gian tới nhằm triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98. Để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai dự án, ông Bằng cho hay, trong đồ án quy hoạch chung thành phố sẽ cập nhật đầy đủ các nội dung liên quan các công trình giao thông.

Thúc đẩy kết nối vùng

Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai khẳng định, việc đẩy mạnh phát triển vùng để đầu tư phát triển hạ tầng và kết nối vùng là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước. “Thời gian qua TPHCM cũng đã ký kết hợp tác, liên kết với 38 tỉnh thành trong cả nước để thực hiện kết nối vùng. Thành phố cũng chủ động hợp tác vùng với các địa phương trên cả nước dựa trên nguyên tắc cùng bình đẳng, cùng có lợi”, bà Mai cho hay.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.