Chị Vân, người có thâm niên 5 năm dạy tiếng Anh cho gần chục trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM cho biết, việc kinh doanh này thu lợi khá cao nên các trung tâm ngày càng “mọc lên như nấm sau mưa”. Theo chị Vân, việc tuyển giáo viên ngoại ngữ với các trung tâm tương đối dễ dãi . “Cụ thể, với giáo viên trong nước, người ứng tuyển cần có bằng sư phạm hoặc chứng chỉ sư phạm ngoại ngữ. Với sinh viên hoặc người không thuộc ngành sư phạm thì đòi hỏi phải có chứng chỉ IELST hoặc TOEIC tương đương.
Riêng với người nước ngoài thì điều kiện còn dễ dàng hơn. Các trung tâm không chú trọng bằng cấp mà quan trọng là nói được tiếng chuẩn và biết kỹ năng tạo trò chơi, chủ đề thu hút người học”, chị Vân nói.
Cũng theo chị Vân, thời gian trước có không ít trung tâm còn thuê “tây ba lô” đi dạy để giảm chi phí thuê mướn giáo viên, nhưng gần đây ít dần, bởi chất lượng học viên cũng tăng, họ thường xuyên phản ánh, đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng nhiều hơn.
Trong khi đó, Tâm, sinh viên năm cuối trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM từng làm tư vấn viên gọi điện thoại mời gọi học viên tham gia học tập ở trung tâm ngoại ngữ cho biết, nhiều trung tâm vì muốn có người học nên “treo đầu dê bán thịt chó”.
Theo Tuấn, để thu hút học viên, nhiều trung tâm quảng cáo chương trình chuẩn quốc tế, thời gian học hoàn toàn với người bản địa hoặc với giáo viên trong nước chất lượng cao, nổi tiếng. “Tuy nhiên, đa phần các trung tâm đều thuê “tây ba lô” và chủ yếu là người Philippines. Mỗi trung tâm chỉ có 1- 2 người nước ngoài có chuyên môn chịu trách nhiệm đứng lớp vài buổi đầu khai giảng để thu hút học viên, các buổi sau dần dần sẽ chuyển sang người Philippines hoặc giáo viên trong nước đứng lớp. Không ít lần học viên phàn nàn, bỏ học đòi lại tiền...”, Tuấn kể.
Cũng theo Tuấn, một mánh khóe khác nữa cũng được các trung tâm áp dụng đó là chọn tên gần giống với các trung tâm nổi tiếng để gây hiểu lầm hoặc đánh lừa học viên.
Trong khi đó, để tránh những sự cố đáng tiếc như vừa xảy ra tại một trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội, ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thời gian tới, sở này sẽ siết chặt hơn nữa giấy phép hoạt động và bằng cấp chuyên môn của giáo viên tại các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn.
Cũng theo ông Hồ Phú Bạc, năm học này, Sở đã kiểm tra, xử lý kịp thời và chấm dứt hoạt động một số trung tâm sai phạm như hoạt động không phép, nội dung chương trình đào tạo chưa đúng chuẩn, quảng cáo chiêu sinh sai sự thật… Tại 7 quận của TP sau quá trình thanh tra, Sở đã đề xuất xử lý chấm dứt hoạt động, gỡ bỏ bảng hiệu và quảng cáo chiêu sinh, giải quyết quyền lợi cho người học và người lao động ở 6 địa điểm tổ chức giảng dạy ngoại ngữ không phép với tổng số tiền 127,5 triệu đồng.