Giá tăng mạnh, sản xuất gặp khó
Trưa ngày 5/11, khảo sát giá cả tại một số chợ như Bến Thành, Tân Định (quận 1), chợ An Đông (quận 5), chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân)… nhiều mặt hàng rau củ quả tươi sống, thịt gà, cá các loại đồng loạt tăng giá khoảng 10%.
Thừa nhận nhiều mặt hàng đã tăng giá từ 5-15%, thậm chí có mặt hàng tăng gần 30% từ cuối tháng 10, bà Đỗ Thị Xuân Trang, đại diện cửa hàng thực phẩm Tươi Ngon cho hay, các nhà sản xuất, nhập khẩu đã báo tăng giá hàng hoá từ trước khi thành phố hết giãn cách. Sau nhiều lần thương thảo, cuối cùng cửa hàng không thể giữ giá cũ dù rất muốn. “Giá hàng hoá có thể tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là vào dịp Tết năm nay khi nhu cầu thị trường tăng cao. Nếu sắp tới khi các trường học mở trở lại, doanh nghiệp mở hết công suất sản xuất thì có thể giá sẽ còn tăng”, bà Trang dự báo.
Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11) thừa nhận, giá nhiều mặt hàng tại chợ đã tăng trong thời gian gần đây, với mức tăng 2.000-3.000 đồng tùy từng mặt hàng. “Giá tăng không phải do tiểu thương tự tăng mà do nhà cung cấp, phân phối đã tăng từ nguồn. Hiện chợ đã hoạt động được 85% công suất, hàng hóa rất phong phú để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chúng tôi kiểm tra giá từng ngày để báo cáo với quản lý thị trường; đồng thời yêu cầu tiểu thương trao bảng niêm yết giá để người dân dễ dàng khi mua sắm tại chợ”, ông Tùng khẳng định.
UBND TPHCM vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng chấp thuận chủ trương tổ chức chương trình “Khuyến mãi tập trung” theo đề xuất của Sở Công Thương thành phố. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 31/12 nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức mới tham gia hoạt động kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối sẵn có sau mùa dịch và tiếp tục tạo nền tảng nâng cao hiệu quả thương mại. Sở Công Thương cũng cho biết, đây còn là dịp thúc đẩy tiêu dùng mua sắm cũng như giới thiệu chương trình kích cầu, cùng người dân tiết kiệm chi tiêu qua những hoạt động khuyến mãi với hạn mức khuyến mãi tối đa.
Việc tăng giá nhiều mặt hàng gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất. Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Cty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (quận 12) cho biết, mọi chi phí sản xuất đều tăng, từ bao bì, vỉ nhựa đựng trứng đến lương nhân công, chi phí giao hàng... Trong khi đó, sức mua của người dân ở kênh chợ truyền thống và siêu thị đều giảm mạnh. “Sức mua kém một phần do các đơn vị làm bánh, kinh doanh hàng ăn uống vẫn chưa hoạt động trở lại. Giá các nguyên liệu tăng, trong khi sức mua thấp đã khiến DN gặp khó khi xoay sở để giữ giá. Hiện tại, giá trứng vẫn không thay đổi so với bình thường nhưng chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới, mức tăng khoảng 10%”, ông Thiện nói.
Theo một số DN sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng, giá xăng tăng tạo áp lực rất lớn lên giá hàng hoá. Tuy khẳng định sẽ cố giữ giá bởi chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đều đã được ký hợp đồng trước, nhưng các đơn vị kinh doanh cũng cho biết sẽ phải điều chỉnh giá do hiện đã là thời điểm gần cuối năm, hợp đồng phải ký lại dựa trên tình hình thực tế. Nếu giá xăng vẫn tiếp tục đà tăng mạnh, về lâu dài chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giá hàng hoá tăng lên theo.
Tìm cách kìm giá
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; lạm phát 10 tháng qua tăng 0,84% - thấp nhất kể từ năm 2011. Các chuyên gia kinh tế dự báo áp lực tăng giá trong 2 tháng cuối năm 2021 là rất lớn. Nguyên nhân chính là chi phí nguyên liệu đầu vào tất cả lĩnh vực, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến chi phí vận chuyển, logistics, xăng dầu… trong nước đều tăng mạnh.
Trước tình hình đó, các DN, đơn vị kinh doanh đã tìm mọi cách giữ giá. Nhiều hệ thống bán lẻ nhìn nhận, nhà cung cấp có lý do chính đáng để đề xuất tăng giá. Nhà phân phối với vai trò trung gian bán hàng đang tính toán để cân bằng lợi ích các bên, đặc biệt là không quá ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Như hệ thống Mega Market Việt Nam có chương trình giảm giá đến 16% nhiều loại thịt heo, rau củ quả đến từ Đà Lạt; Aeon, Satra, Lotte… cam kết bình ổn giá bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.
Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bộ phận kinh doanh Saigon Co.op cho rằng, xu hướng tăng giá là tất yếu bởi tất cả chi phí đầu vào, từ nguyên phụ liệu nhập khẩu lẫn trong nước, đều tăng vọt thời gian qua. Mặt hàng rau củ, trái cây cũng đang tăng giá nhẹ do đang vào mùa nghịch, sản lượng thấp và tỷ lệ hao hụt cao. “Giải pháp cơ bản nhất để vừa hỗ trợ người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm vừa giúp nhà cung cấp, nhà phân phối bán được hàng là đẩy mạnh khuyến mãi. Ngay trong tháng 11, Saigon Co.op sẽ tập trung khuyến mãi lớn, liên tục. Hy vọng sau khuyến mãi, người tiêu dùng sẽ làm quen với mặt bằng giá mới”, ông Huy bày tỏ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Hiện đã có 150/234 chợ truyền thống tại TPHCM hoạt động bình thường trở lại. Như vậy, còn 84 chợ truyền thống vẫn tạm ngưng hoạt động. Đặc biệt, sau khi hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền đã chính thức hoạt động, lượng hàng về hai chợ này tăng mạnh.