Chiều 21/5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký công văn khẩn, yêu cầu tiếp tục tạm dừng hoạt động một số loại hình dịch vụ để phòng, chống dịch COVID -19.
Công văn khẩn của UBND TPHCM ban hành chiều 21/5 |
Theo đó, các hoạt động, dịch vụ sau đây tạm dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 22/5 cho đến khi có thông báo mới, gồm: Các cơ sở vật lý trị liệu; massage; xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; trung tâm - nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường; quán bar; karaoke; hát với nhau; pub; beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga,..); các Trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao công cộng trên địa bàn TPHCM.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, UBND TPHCM yêu cầu tạm dừng hình thức phục vụ tại chỗ đối với các hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tăng cường hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến.
Cơ quan chức năng phong tỏa một con hẻm tại phường 8 (quận Gò Vấp) do có ca nghi mắc COVID-19 |
Các nhà hàng, kể cả nhà hàng trong khách sạn: được hoạt động nhưng phải bố trí chồ ngỗi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người là từ 2 m trở lên, không phục vụ quá 20 người trở lên cùng một lúc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.
Ngoài việc kiểm tra trực tiếp các cơ sở kinh doanh dịch vụ, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện hình thức phạt nguội trên cơ sở hình ảnh thu thập được qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn và các nguồn thông tin khác.
TPHCM cũng tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến; không tổ chức các cuộc họp tập trung trên 30 người tham dự trong một phòng, cấm tụ tập nhiều hơn 20 người ở bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện.
Các cơ quan đơn vị tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với tất cả mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác. Đối với các cuộc họp, sự kiện, người tham dự phải đeo khẩu trang, ngồi cách nhau ít nhất 2 m; hạn chế việc bắt tay, trao đổi ở cự li gần; rửa tay hoặc khử khuẩn trước và sau cuộc họp…
Cán bộ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 |
Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giải tán các điểm có tụ tập đông người không đúng theo quy định. Yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức của TP HCM phải gương mẫu trong việc chấp hành yêu cầu các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế.
TPHCM cũng quyết định tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Đối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện và các công viên trên địa bàn UBND TPHCM yêu cầu chú ý thực hiện giãn cách và hạn chế tập trung đông người.
Các hoạt động vận tải khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt… tất cả các chuyến xe đều phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến. Hành khách buộc phải đeo khẩu trang, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.
Loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi và xe ô tô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ vẫn được hoạt động nhưng yêu cầu thực hiện nghiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Bộ GTVT. Hành khách phải thực hiện khai báo y tế và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ theo đúng quy định.
UBND TPHCM yêu cầu lái xe không vận chuyển hành khách không chấp hành quy định, không sử dụng hệ thống điều hòa và phải mở cửa kính xe trong quá trình phục vụ hành khách.