TPHCM: Bỏ tiền tỷ mua nhà, cư dân vẫn không được vào ở

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hơn 4 năm nay, nhiều cư dân ở chung cư Phú Hoàng Anh, huyện Nhà Bè (TPHCM) bỏ tiền tỷ mua căn hộ nhưng không được vào ở dù căn hộ đó đã được cấp sổ hồng. Theo đơn kêu cứu của một số người mua căn hộ tại đây, Ban quản trị và Ban quản lý gây khó khăn khiến họ không thể vào ở trong chính căn hộ của mình.

Có nhà nhưng không được vào ở

Theo bà Nguyễn Thị Châm, năm 2017 con trai bà có mua 3 căn hộ là D2.1, D 2.5, D2.6 tại chung cư Phú Hoàng Anh, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM) theo giấy chuyển nhượng ngày 16/6/2017 do văn phòng đăng ký đất đai TPHCM chi nhánh Huyện Nhà Bè thực hiện. Sau đó, con trai bà Châm đi nước ngoài định cư, làm thủ tục tặng cho bà để dưỡng già.

Bà Châm đã nhận bàn giao nhà và chìa khoá từ chủ đầu tư vào ngày 10/7/2017 và tiến hành mời các công ty thiết kế nội thất xem xét và ký hợp đồng để thực hiện. Bà xuống văn phòng Ban quản lý yêu cầu mở nước để thi công nội thất thì Ban quản lý nói sẽ xin ý kiến của Ban quản trị. Tuy nhiên, khi bà Châm quay trở lại căn hộ của mình thì Ban quản lý khoá cầu thang máy, cho keo vào ổ khoá nhà nên không thể mở khoá. Ban quản lý chung cư Phú Hoàng Anh còn khoá luôn cả hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm nên bà Châm không vào nhà của mình được từ đó cho tới nay.

TPHCM: Bỏ tiền tỷ mua nhà, cư dân vẫn không được vào ở ảnh 1 Chung cư Phú Hoàng Anh, nơi nhiều cư dân có nhà nhưng không được vào ở suốt 4 năm qua.

Vụ việc kéo dài hơn 4 năm qua, bà Châm gửi đơn cầu cứu khắp cơ quan chức năng, từ Sở Xây dựng, UBND huyện Nhà Bè, Công an huyện Nhà Bè, UBND xã Phước Kiểng… Các cơ quan có thẩm quyền đã làm việc, ban hành công văn khẳng định các căn hộ của bà Châm là phù hợp với thiết kế đã phê duyệt.

“Ban quản trị cản trở tôi vào sinh hoạt các căn hộ của mình là không đúng, không phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo qui định của pháp luật. Việc Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh ngăn cản không cho tôi sử nhà là vi phạm khoản 1 điều 104 Luật nhà ở năm 2014, bởi vì đây không phải là trách nhiệm của Ban quản trị”, bà Châm nói.

Ngoài bà Châm, tại chung cư Phú Hoàng Anh, còn có ông Đỗ Thành Tài là chủ hợp pháp căn hộ số 2.2 (đã bán căn hộ cho người khác), bà Đỗ Lê Vân chủ sở hữu hợp pháp căn hộ số 2.3 và ông Lê Quốc Việt chủ sở hữu hợp pháp căn hộ 2.4 cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ông Lê Quốc Việt (chủ sở hữu của căn hộ 2.4, tầng 2, khu D) than thở đã tốn rất nhiều thời gian với việc này. Mặc dù các giấy tờ về căn hộ của ông đều hợp pháp, chính quyền địa phương cũng có văn bản yêu cầu Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh hỗ trợ cho ông vào ở nhưng cũng không ăn thua.

Căn hộ được cấp sổ đỏ, Ban quản trị có "lộng quyền"?

Theo Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh, việc phê duyệt thiết kế của dự án Phú Hoàng Anh là không có tầng 2. Đây là phần thuộc công trình công cộng nhưng chủ đầu tư đã ngăn bán cho cư dân. Tuy nhiên, quyết định số 55 ngày 29/4/2008 của Sở Xây dựng TPHCM và bản vẽ có ghi rõ mặt bằng căn hộ điển hình (tầng 2- tầng 19). Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cũng đã cấp giấy chủ quyền cho những căn hộ này.

UBND xã Phước Kiển cho biết, đơn vị này đã nhiều lần yêu cầu Ban quản trị, Ban quản lý không được ngăn cản, để các hộ có quyền sở hữu hợp pháp được sử dụng căn hộ của mình, thậm chí đã yêu cầu công an can thiệp mở cửa nhưng Ban quản trị vẫn không chấp hành. Hiện vụ việc đang được Sở Xây dựng thụ lý.

Liên quan đến vấn đề này UBND huyện Nhà Bè cũng đã ban hành văn bản đề nghị Ban quản trị chỉ đạo Ban quản lý và bảo vệ tạo điều kiện cho các chủ sở hữu đến nhận bàn giao, quản lý và sử dụng căn hộ.

Trong khi đó, Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM khẳng định, tầng 2 chung cư Phú Hoàng Anh được xây dựng đúng như giấy phép được phê duyệt là căn hộ để ở, không phải là khu sinh hoạt cộng đồng như quan điểm của Ban quản trị đưa ra để ngăn cản người dân vào ở trong nhà mình.

Luật sư Hoàng Thị Thu, Giám đốc Công ty luật Hoàng Thu cho rằng, trong trường hợp này cần xác định trách nhiệm chủ đầu tư và Ban quản trị. Nếu chủ đầu tư lừa khách hàng mua căn hộ được quy hoạch là nơi sinh hoạt cộng đồng, chủ đầu tư có thể vi phạm pháp luật khi cung cấp thông tin không chính xác, có thể là tội lừa đảo.

Nhưng đối với Ban quản trị, người dân mua hợp pháp, có giấy chứng nhận, tức được cấp sổ hồng rồi mà vẫn ngăn cản là sai, có thể liên quan đến hình sự. Cụ thể, Ban quản trị chung cư đã vi phạm điểm C khoản 1 điều 158 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cản trở người khác vào chỗ ở hợp pháp của họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.