TP. HCM cần 1 triệu tỉ đồng đầu tư hạ tầng

TS Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM
TS Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM
TPO - Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC) cho biết trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, TP. HCM cần nguồn vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển.

Chiều nay, 7/7, tại TP. HCM, Sở Giao thông vận tải và HFIC tổ chức hội thảo “các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TP. HCM trong giai đoạn 2016 – 2030. Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến và lãnh đạo nhiều sở ban ngành đã đến dự.

Tại hội thảo, ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC cho biết TP. HCM là trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước, tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích nhưng đóng góp trên 22% GDP và trên 30% tổng thu ngân sách quốc gia. Hiện nay, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng của TP. HCM chưa đồng bộ với tốc độ phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2015-2030, thành phố cần nguồn vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển.

Ông Quốc cho rằng để hoàn thiện nhanh kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển của một đô thị đặc biệt, trong điều kiện ngân sách đầu tư hàng năm còn rất hạn chế, TPHCM cần tập trung huy động và nhận diện các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng như quỹ đất, quỹ nhà, các nguồn thu từ việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, huy động các nguồn lực trong dân, liên kết vùng, liên kết quốc tế … để tiếp nhận vốn, đẩy mạnh xã hội hoá việc đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các công cụ tài chính và tín dụng, vận dụng hình thức hợp tác công tư (PPP).

“Vấn đề huy động các nguồn lực sẽ là mấu chốt rất quan trọng để đẩy nhanh khả năng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của TPHCM” – Ông Quốc cho biết.

Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM, thành phố vẫn còn dư địa phát triển và vấn đề quan trọng nhất hiện nay là kiến nghị trung ương cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù để khai thác hết tiềm năng.

Cụ thể: Trong 5 năm tới, tăng trưởng GNDP phải đạt từ 8% trở lên (năm 2015 đạt 7,46%). Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người TPHCM đạt 8.500 USD (hiện nay khoảng 5.500 USD), xây dựng 40 triệu m2 nhà ở, 100% số hộ dân được cấp nước sạch…

Để đạt được các mục tiêu nói trên, TPHCM cần đẩy xã hội hoá. Nguồn vốn ngân sách đóng vai trò là “vốn mồi” để thu hút các nguồn lực của xã hội. Ngoài ra, TPHCM có thể sử dụng hai nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển là đấu giá các quỹ đất công, nhà công và cổ phần hoá, thoái vốn các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Đối với hình thức đối tác công – tư, nhà nước cần Luật hoá để tránh lặp lại sự cố như ở dự án cầu Phú Mỹ.

“TPHCM là đô thị cảng. Mất cảng biển, TPHCM sẽ giống như Hội An. Việc di dời cảng biển như vừa qua là bất cập” – TS Trần Du Lịch khẳng định.

MỚI - NÓNG