Theo hãng tin Nikkei, Toyota Motor vừa cho biết họ sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Joby Aviation - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California, Mỹ. Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ Joby trong quá trình xin cấp chứng nhận từ các cơ quan quản lý và chuẩn bị cho việc sản xuất và cung cấp dịch vụ taxi bay điện thương mại.
Joby sẽ nhận được khoản đầu tư mới chia thành hai đợt, đợt đầu tiên sẽ đến Santa Cruz vào cuối năm nay và phần còn lại sẽ đến vào năm 2025. Đây cũng là thời điểm mà công ty kỳ vọng có thể đưa hoạt động kinh doanh taxi bay điện của mình đi vào hoạt động.
Toyota đã đầu tư vào Joby từ năm 2019 để sản xuất taxi bay điện. |
Tập đoàn ô tô Nhật Bản đã hợp tác với Joby từ năm 2019 và đã đầu tư khoản tiền 394 triệu USD từ năm 2020 đến nay. Như vậy, tổng mức đầu tư của Toyota cho Joby tính đến năm 2025 sẽ gần chạm ngưỡng 900 triệu USD.
Hiện các kỹ sư của Toyota đang làm việc song song với nhóm của Joby tại California. Vào năm ngoái, hai doanh nghiệp đã ký một thỏa thuận dài hạn để Toyota cung cấp hệ thống truyền động chính và các bộ phận khác cho máy bay điện Joby.
Được biết, mô hình taxi bay Joby đang nghiên cứu phát triển có 6 cánh quạt nằm trên đỉnh. Phương tiện cất cánh thẳng đứng trước khi các cánh quạt nghiêng về phía trước để máy bay tăng tốc.
Mẫu taxi bay có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 322 km/h trong khi phần lớn trực thăng dân sự chỉ đạt vận tốc 257 km/h. Tầm vận hành trung bình của phương tiện này là 241 km với sức chứa 5 người, bao gồm phi công và 4 hành khách.
Bên cạnh đó, taxi bay sử dụng động cơ điện sẽ có độ ồn thấp hơn 100 lần so với máy bay thông thường. Vì vậy, nó được coi là tương lai của phương tiện di chuyển trên không ở đô thị, mặc dù vẫn đang gặp khó trong quá trình xin cấp phép hoạt động từ các cơ quản lý.
Không chỉ có Toyota, nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới cũng đang quan tâm và đầu tư đến lĩnh vực taxi bay. Trong đó bao gồm Hyundai, hãng xe Hàn Quốc đã ra mắt mẫu taxi bay S-A2 có tốc độ 193 km/h tại CES 2024 và tuyên bố sẽ đưa vào sản xuất từ năm 2028.
Trong khi đó, tập đoàn ô tô Stellantis cho biết vào tháng 7 rằng họ sẽ đầu tư thêm 55 triệu USD vào công ty Archer Aviation để mở nhà máy sản xuất taxi bay, dự kiến hoàn tất trước cuối năm nay. Ngoài ra, nhiều công ty Trung Quốc cũng tham gia sâu vào việc phát triển loại hình phương tiện tương lai này.