Chúng tôi không khuyên bạn đến đây để cầu xin được điều gì nhưng chúng tôi cho rằng khi thăm viếng những nơi này với một niềm tin định sẵn thì bạn sẽ có thêm sức mạnh, hy vọng để đạt tới mong ước.
NƠI CẦU TỰ CHO NHỮNG NGƯỜI KHÁT CON
1. Chùa Ngọc Hoàng
Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là Ngọc Hoàng Điện, Phước Hải Tự… rộng khoảng 2.300m2, tọa lạc tại 73 Mai Thị Lựu, P.Đa Kao, Q.1, Tp.HCM. Đây là ngôi chùa cổ lâu đời do người Hoa xây dựng từ cuối thế kỷ XIX.
Chính điện thờ Ngọc Hoàng thượng đế với các thiên binh, thiên tướng; Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát… Ngoài ra, chùa Ngọc Hoàng còn thờ 12 Bà Mụ Sinh với những tư thế đứng ngồi khác nhau như các tư thế trong nuôi dạy trẻ nhỏ. Bởi thế trong dân gian truyền đi niềm tin rằng những người hiếm muộn có lòng thành viếng chùa sẽ dễ bề sinh con.
2. Chùa Hương
Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp… Trung tâm của cụm đền chùa này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích.
Theo tục xưa truyền lại, những người phụ nữ muốn có con thì đưa tay sờ hòn đá có hình dáng đầu trẻ con rồi mời cùng trở về. Trên đường về, sẽ có vong linh những đứa trẻ được thần linh phái xuống đi theo người phụ nữ đi cầu tự. Vì thế rất nhiều con nhang Phật tử tới thăm viếng chùa vì mong muốn có con.
NƠI THƠ TỰ CHO AI ĐANG MƠ TÌNH DUYÊN TỐT ĐẸP
3. Chùa Hà
Chùa Hà tên chữ là Thánh Đức tự, ở thôn Bối Hà, xã Dịch Vọng, Huyện Từ Liêm, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Không hiểu bắt đầu từ đâu, lý do gì và từ khi nào, tên tuổi chùa Hà gắn liền với niềm tin rằng đây là nơi rất linh nghiệm cho những lời thề nguyện, hẹn ước, mong mỏi về tình duyên. Chính vì thế chùa Hà không có nhiều người lớn tuổi đến thắp hương như những ngôi chùa khác, mà chủ yếu nam thanh nữ tú đang ở độ tuổi yêu đương.
Người đi chùa Hà cũng không sắm lễ nhiều như ở những chùa khác, mà chỉ đơn giản là một ít tiền vàng, hoa, trầu cau đựng trong một chiếc khay nhỏ và tiền lẻ để cúng.
4. Am Mỵ Châu
Am Mỵ Châu nằm trong chùa Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong Am Mỵ Châu thờ một bức tượng không đầu được trang trí rất đẹp và sang trọng, được cho là công chúa Mỵ Châu sau khi bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa.
Đến Am Mỵ Châu, người ta không chỉ tưởng nhớ tới người xưa mà còn xúc động bởi câu chuyện tình ngang trái của Mỵ Châu - Trọng Thủy. Có lẽ vì thế nên dân gian tin rằng khi đến đây, người ta sẽ được thanh thản, tình duyên tốt đẹp, lứa đôi hạnh phúc.
5. Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ (hay còn gọi là chùa Linh Mụ), nằm trên đồi Hà Khê, xã Hương Long, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa Thiên Mụ gắn với một câu chuyện tình đầy bi thương. Chuyện kể rằng có một đôi trai gái yêu nhau rất nồng thắm nhưng không thể đến được với nhau vì gia đình ngăn cấm. Để chứng mình cho tình yêu của mình, họ ra dòng sông Hương tự vẫn. Nhưng, chỉ có chàng trai chết còn cô gái thì được những người dân cứu sống. Thời gian trôi qua, cô gái nguôi ngoai nỗi buồn, kết duyên với một chàng trai khác. Oan hồn chàng trai nằm dưới sông Hương uất hận, đã “nhập” vào chùa Thiên Mụ nguyền cho bất cứ đôi tình nhân nào đến đây cũng sẽ bị chia ly, nhưng những người đang cô đơn, độc thân thì sẽ tìm được nửa yêu thương.
NƠI CẦU TIỀN TÀI DANH LỢI
6. Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ nằm ở trên một bán đảo giữa Hồ Tây, Hà Nội. Nơi đây gắn với sự tích về bà chúa Liễu Hạnh. Tương truyền, bà chúa Liễu Hạnh vốn là công chúa thứ hai của Ngọc Hoàng, vì vô tình làm vỡ cái ly quý mà bị đày xuống hạ giới. Khi bị đày xuống hạ giới, nàng đã diệt trừ yêu quái, yêu tinh, tham gia giúp dân an cư lạc nghiệp, bảo vệ đất nước… Một lần qua đảo Tây Hồ, nàng thích thú với vùng đất địa linh, sơn thủy hữu tình nên mở quán nước để làm cớ vui thú văn chương, với cảnh thiên nhiên huyền diệu.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trong 1 lần đi sứ, đã gặp nàng rồi giai nhân, danh sĩ trùng phùng, tiên trần gặp gỡ, xướng họa thi ca, phun châu nhả ngọc… Nơi gặp gỡ ấy sau này được dựng thành Tây Hồ ngày nay. Cũng vì vậy mà các danh sỹ, học sỹ ngày xưa, thường đến đây để mong cho trí tuệ minh mẫn, thi ca thơ phú hơn người…
7. Đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho nằm ở ngọn núi Kho, xã Vũ Ninh, Tp. Bắc Ninh. Theo truyền thuyết, Bà Chúa Kho xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm, Bắc Ninh. Sau khi lấy vua Lý và chiêu dân cắm đất lập trại ấp, Bà được vua giao cho coi quản kho lương lớn ở làng Cô Mễ và Thượng Đồng nên gọi bà là Bà Chúa kho. Cứ vào dịp đầu xuân năm mới là hàng ngàn khách thập phương trong cả nước lại đến Đền Bà Chúa kho để dâng lễ, thắp hương, mong một năm mới an lạc thịnh vượng và làm ăn phát tài phát lộc…
8. Miếu Bà Chúa Xứ
Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Cách đây khoảng 200 năm, tượng Bà (sau được gọi tôn là Bà Chúa Xứ) được dân địa phương phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh núi Sam.
Tương truyền Bà chúa xứ giúp dân làm ăn, cho mưa thuận gió hòa, chống cướp bóc. Vì thế người dân tin rằng đến tham quan viếng Bà để mong một năm làm ăn thuận lợi.
Hàng năm vào những ngày 23, 24, 25, 26 và 27 tháng 4 Âm lịch, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức hoành tráng và trang nghiêm ngay khu vực núi Sam.
NƠI CHO NGƯỜI MONG VẬN MAY HẠNH PHÚC
9. Chùa trên núi Yên Tử
Núi Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều, Quảng Ninh gồm nhiều chùa, am, tháp như Vân Tiên, Bảo Sái, Thanh Long, Hoa Yên, Cầm Thực, Giải Oan, chùa Đồng…
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng.
Đến thời Lê, Nguyễn, nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử thành non thiêng. Bởi vậy, tham quan Yên Tử để hướng về tâm Phật, lòng người được thanh thản, tìm được sự giải thoát nên tin tưởng sẽ tìm đến vận may phúc lớn.
10. Đền Củi
Đền Củi có tên chữ là Khu Độc Linh Từ ở xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nơi đây thờ ông Hoàng Mười - hiện thân của vị tướng Lê Khôi (Nghĩa quân Lam Sơn), gọi Lê Lợi bằng chú. Ông có nhiều công trong chống giặc Minh xâm lược và là quan suốt ba đời vua Lê. Ngôi đền được truyền tụng linh thiêng từ nhiều đời nay nên quanh năm, không riêng người xứ Nghệ mà muôn phương khách về đây vãn cảnh hành lễ mong được an lành, mạnh khỏe, thành đạt.