Tổng thống Trump và cuộc chiến với FBI

Tổng thống Trump và cuộc chiến với FBI
TP - Cuộc chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang đến hồi cao trào khi ngày 3/2, tại khu nghỉ dưỡng của mình ở Palm Beach, ông Trump đăng trên Twitter rằng, ông được minh oan sau bản ghi nhớ mật vừa được Nhà Trắng công bố.

Bản ghi nhớ này hoàn toàn minh oan cho ‘Trump’ trong cuộc điều tra. Nhưng chiến dịch săn phù thủy nhằm vào Nga vẫn tiếp diễn mà không hề phát hiện ra sự thông đồng hay ngăn cản nào. Đây là một sự xúc phạm với nước Mỹ”,  Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 3/2.

Ngày 2/2, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã công bố một bản ghi nhớ mật dài 4 trang, trong đó có những cáo buộc Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã làm sai ở cấp cao nhất trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Bản ghi nhớ được soạn thảo bởi các trợ lý văn phòng Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, người từng là một thành viên trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của Trump.

Từ xưa tới nay, FBI luôn được mệnh danh là tổ chức có quyền lực ghê gớm và chưa tổng thống nào “đấu” lại được với FBI. Trong nhiều thập kỷ, FBI đã được tin cậy để điều tra tham nhũng trong chính phủ, thậm chí ở cấp cao nhất, trong đó có cả Nhà Trắng. Điển hình là trong những năm 1970, cuộc điều tra của FBI về vụ Watergate đã dẫn đến việc từ chức của Tổng thống Nixon. Các đời tổng thống từ Franklin D. Roosevelt đến Richard Nixon đều phải dè chừng với Giám đốc FBI Hoover vì lo sợ nhân vật này sẽ công bố những chuyện “thâm cung bí sử” của họ. Vào cuối những năm 1990, Tổng thống Bill Clinton mặc dù ghét cay ghét đắng Giám đốc FBI  Louis Freeh, liên tục chỉ trích ông trước công chúng nhưng cũng không làm gì được ông.

Đương kim Tổng thống  Donald Trump dường như đang muốn thử thách tiền lệ này khi ông thẳng thắn chê bai năng lực ban lãnh đạo FBI và gọi những nhân viên điều tra của cơ quan này là “tin tặc theo cánh tả”. Việc ông bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comeys hồi tháng 5/2017 cũng là một cú sốc đối với FBI và công chúng Mỹ.

Còn tân Giám đốc FBI Christopher A. Wray thì sao? Ngày 2/2 vừa qua, ông Wray đã gửi một tin nhắn video cho cấp dưới của mình với lời kêu gọi  giữ bình tĩnh và sẵn sàng đương đầu với khó khăn. Ông nói: “Tất cả các bạn đã trải qua rất nhiều khó khăn trong chín tháng vừa qua, và tôi biết điều đó đã gây ra bất ổn, ít nhất là trong vài ngày vừa qua. Vì vậy, tôi muốn khẳng định với các bạn về vị trí tôi đang đứng và  những gì tôi muốn chúng ta làm”.

Những người bảo vệ ông Wray cho rằng, ông đang theo đuổi một chiến lược mới, không công khai chỉ trích ông Trump, mà âm thầm làm việc theo cách cũ của ông Muller, người hiện đang là cố vấn đặc biệt dẫn đầu cuộc điều tra mối liên hệ  giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump với Nga.

Theo các quan chức hiện tại và cựu quan chức, các cuộc tấn công của tổng thống vào FBI đã làm giảm tinh thần trong nội bộ cơ quan này. Trong số họ, các quan chức cấp cao thường xuyên tranh luận để tìm ra cách tốt nhất hướng về phía trước. Một số quan chức thực thi pháp luật cho biết, họ đã đồng ý với phương pháp tiếp cận của Giám đốc Wray. Một quan chức FBI bày tỏ sự lo lắng khi cơ quan này thường xuyên bị công kích từ tổng thống.

Cựu Giám đốc James Comey ngày 2/2 đã viết trên Twitter để cổ vũ những người làm việc tại FBI. Ông viết: “Bản ghi nhớ không trung thực và gây nhầm lẫn đã phá hủy niềm tin của cộng đồng tình báo. FBI cần  phải tiếp tục làm việc”.

Theo Theo Washington Post
MỚI - NÓNG