Ông ấy là vị cứu tinh của châu Âu. Nhà lãnh đạo 39 tuổi cứu nước Pháp khỏi làn sóng dân túy, một người mới trong giới chính trị đã đánh bại vang dội đối thủ cực tả Marine Le Pen trong cuộc tranh luận trên truyền hình trước thềm bầu cử. Nhà lãnh đạo với triển vọng đưa nền dân chủ tự do vĩ đại trở lại. Nhà lãnh đạo có tầm nhìn có kế hoạch sẽ tạo sức sống mới cho Liên minh châu Âu. Một John Kennedy của thế kỷ 21. Một số người đùa rằng ông có thể bước đi trên mặt nước.
Nhưng đó là những thứ của năm 2017. Mười tám tháng sau khi nhậm chức, ông Emmanuel Macron, đang phải ứng phó với một làn sóng nổi dậy của đội quân không người cầm đầu gồm những người lao động nghèo mặc áo vàng.
Trong tuần này, vị tổng thống trẻ bị người biểu tình đuổi theo xe ô-tô khi ông đến thăm một tòa nhà công cộng bị người biểu tình đốt ở miền nam đất nước. “Macron, từ chức đi!” là những từ lời họ hét lên với ông.
Cách đây 1 tháng, ông Macron thừa nhận ông đã “thất bại trong việc hòa giải người dân với lãnh đạo”. Nhưng có lẽ lúc đó ông không ngờ rằng cơn giận đó sẽ biến thành thù hận, thứ bị ném về phía các nhà độc tài trong làn sóng Mùa xuân Ả-rập. Cho đến hôm nay, không ai có thể dự đoán cuộc nổi loạn này cuối cùng có mở đường cho đối thoại hay dẫn đến một cuộc khủng hoảng sâu sắc và nguy hiểm hơn.
Mọi việc sai ở chỗ nào? Các nhà phân tích chỉ ra hai nhóm nguyên nhân. Một nhóm không chỉ riêng có ở Pháp: làn sóng nổi dậy giờ đã trở nên quen thuộc với các nền dân chủ phương Tây sau những chấn động của toàn cầu hòa, khủng hoảng kinh tế năm 2008 và sự bất lực của các đảng chính trị truyền thống khi họ không thể điều chỉnh với những thách thức mới. Brexit, chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump, sự trỗi dậy của phe cực hữu ở Đức và chiến thắng của các đảng chống hệ thống ở Ý.
Ông Macron ban đầu được coi là người đi ngược xu hướng này. Quyết tâm hơn những người tiền nhiệm, ông sẽ cải tổ nước Pháp bằng một chương trình làm việc tiến bộ nhằm loại bỏ những bất công trong thế giới cũ.
Từ đó gây ra nhóm nguyên nhân thứ hai. Như nhà sử học Gérard Noiriel từng viết trong cuốn sách “Cách mạng” của ông Macron, rằng không có đề cập nào về tầng lớp lao động trong đó. Cuộc cách mạng của ông Macron không phải của số đông – nghĩa là từ bên trên xuống, và nó có tác dụng trong một thời gian.
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, vị tổng thống trẻ khéo léo thông qua nhiều cải cách, trong đó có luật lao động, và ông đã vượt qua được cuộc biểu tình đau đớn của các công nhân ngành đường sắt mà không cần hy sinh kế hoạch cải cách công ty đường sắt quốc gia. Cho đến lúc đó, Tổng thống Macron dường như nghĩ rằng ông có thể bước đi trên nước được.
Nhưng không may là không ai có thể làm điều đó. Cách sử dụng quyền lực theo trục thẳng đứng của ông ngày càng có vấn đề: ông được hỗ trợ một một nhóm nhỏ các nhà kỹ trị; ông thiếu hụt kiến thức về chính trị địa phương vì chưa từng qua kỳ bầu cử nào trước đó. Những yếu tố đó khiến người dân cảm thấy rằng tổng thống của họ ở quá xa.
Chính sách thuế khiến ông bị coi là “tổng thống của những người giàu”. Ông phớt lờ tỷ lệ ủng hộ giảm sút, ông tự đặt ra lộ trình của mình. Khi người dẫn chương trình Fareed Zakaria của đài CNN hỏi ông hôm 10/11 rằng liệu có “phanh” bớt quá trình cải cách hay không, ông trả lời chắc chắn: “Tôi được bầu ra để làm việc trong 5 năm và tôi không phải trải qua bầu cử giữa kỳ”.
Lực lượng áo vàng đã trở thành cuộc bầu cử giữa kỳ của ông. Ông quá bận đến mức quên tạo nên một lực lượng chính trị mới để ủng hộ chương trình làm việc của mình. Điều đó khiến ông trở nên dễ bị tổn thương, vì các thành viên cùng đảng của ông trong quốc hội cũng được đánh giá là thiếu kinh nghiệm chính trị giống như ông.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Macron thất bại? Đây không phải câu hỏi dễ dàng. Trong một môi trường mới được tạo nên sau khi cân bằng chính trị cũ ở Pháp sụp đổ thì không có sự thay thế nào, không nhà lãnh đạo đối lập nào chuẩn bị đủ để chiến thắng một cuộc bầu cử nhanh. Dù điều gì xảy ra trong vài ngày tới, Tổng thống Macron sẽ khó có thể lãnh đạo đất nước như ông đã làm trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
“Không ai có thể lãnh đạo chống lại người dân của mình”, đồng minh chính trị François Bayrou nghiêm khắc cảnh báo ông vào tuần trước.