Tổng thống Pháp thổi bùng lửa giận trong thế giới Hồi giáo

Người Hồi giáo ở Pháp biểu tình phản đối tư tưởng kỳ thị Hồi giáo. Ảnh: Getty Images
Người Hồi giáo ở Pháp biểu tình phản đối tư tưởng kỳ thị Hồi giáo. Ảnh: Getty Images
TP - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang trở thành nhân vật bị căm ghét trong thế giới Hồi giáo vì cách xử lý vụ một thầy giáo bị giết hại và truy quét các hoạt động liên quan đến cực đoan tôn giáo.

Sau vụ án thầy giáo Samuel Paty bị một người gốc Chechnya chặt đầu vì cho học sinh xem những bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed trong tiết học về quyền tự do bày tỏ, ông Macron tuyên bố sẽ không từ bỏ các bức tranh biếm họa và ông sẽ cố gắng gấp đôi để ngăn chặn những niềm tin Hồi giáo bảo thủ phá hoại các giá trị của Pháp.

Chính phủ Pháp nói đã tiến hành hơn 120 cuộc lục soát nhà riêng, giải tán các hội nhóm bị cáo buộc phát tán thông tin cực đoan tôn giáo, và có kế hoạch truy quét các tài khoản ủng hộ khủng bố, gây sức ép để các công ty mạng xã hội giám sát nội dung đăng tải của người dùng kỹ càng hơn, BBC đưa tin.

Phát biểu của ông Macron và phản ứng của giới chức Pháp đang gây ra cơn thịnh nộ trên khắp thế giới Hồi giáo vì họ coi phát biểu này là sự tấn công vào tôn giáo của họ, nguy cơ gây ra hàng loạt khủng hoảng ngoại giao và kinh tế.

Ông Macron bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói là “có bệnh tâm thần”. Đại sứ Pháp tại Pakistan bị triệu tập để nghe chỉ trích về sự kích động tư tưởng kỳ thị Hồi giáo. Yemen và Ả-rập Xê-út chỉ trích ông Macron là người của trục ác quỷ. Các sản phẩm Pháp bị kêu gọi tẩy chay ở nhiều nước như Kuwait và Qatar. Bộ Ngoại giao Iran hôm 26/10 triệu tập đại sứ Pháp đến để phản đối. Jordan, Pakistan và Ai Cập cũng lên án Pháp trưng bày tranh và phản ứng của ông Macron.

Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Âu lên tiếng ủng hộ ông Macron, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel. Phát ngôn viên của thủ tướng Đức nhanh chóng lên tiếng chỉ trích phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định Berlin đoàn kết với Paris. Lãnh đạo Hy Lạp và Áo cũng bày tỏ sự ủng hộ ông Macron.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 lại tăng mạnh ở Pháp, phản ứng của ông Macron đối với vụ việc được cho là có tính toán chuyện bầu cử. Ông Laurent Mucchielli, nhà xã hội học tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, nói rằng ông Macron và chính phủ đã “phản ứng quá mức” vì lý do chính trị, đặc biệt là vì cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.

“Ông Macron đang đổ thêm dầu vào lửa... Mục tiêu chính của ông ấy là tái đắc cử vào năm 2022, vì thế ông ấy cần chiếm sân của cánh hữu. Và chủ đề chính của họ từ thế kỷ 19 vẫn là nhập cư và an ninh”, ông Mucchielli nói với BBC.

Ngày 27/10, trang web của Bộ Ngoại giao Pháp đăng khuyến cáo an toàn đối với công dân của họ đang sinh sống hay du lịch ở Indonesia, Bangladesh, Iraq và Mauritania tăng cường đề phòng trước làn sóng giận dữ. Đại sứ quán Pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khuyến cáo tương tự với công dân của họ ở nước này, Reuters đưa tin.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.