Tổng thống Mỹ ra lệnh điều tra nguồn gốc COVID

0:00 / 0:00
0:00
Bên trong phòng thí nghiệm Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) Ảnh: AP
Bên trong phòng thí nghiệm Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) Ảnh: AP
TP - Những câu hỏi về các bước tiếp theo trong cuộc truy tìm nguồn gốc đại dịch COVID-19 sẽ phủ bóng cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tuần này. Hôm qua, Tổng thống Mỹ yêu cầu cộng đồng tình báo điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2.

Đây là cuộc họp đầu tiên của WHO sau khi tổ chức này đưa ra kết luận từ cuộc điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Thời điểm đó, một số quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản cho rằng, kết luận của WHO là không chính xác, thiếu sự minh bạch. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nêu ra những lỗ hổng trong việc tiếp cận dữ liệu của các nhà khoa học quốc tế trên thực địa, mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực bảo vệ sự minh bạch của mình.

Mỹ, Nhật Bản, Anh và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đang tiếp tục kêu gọi bắt đầu giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, nhằm tìm hiểu xem loại virus mới bắt đầu lây lan ở người như thế nào.

Bắc Kinh khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa công tác nghiên cứu, nhưng nhấn mạnh “phần việc Trung Quốc đã hoàn thành” và “đã đến lúc các nước khác hợp tác nghiên cứu toàn cầu về nguồn gốc SARS-CoV-2”.

Theo các chuyên gia, việc tìm ra một cách tiếp cận được tất cả các nước chấp nhận (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các thành viên Liên minh châu Âu) thực sự là thách thức đối với WHO.

“Cố gắng cân bằng giữa việc theo đuổi các phương pháp điều tra mà Trung Quốc muốn, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của Mỹ là một điều khó khăn”, chuyên gia quản trị y tế toàn cầu, Giáo sư Sara Davies của Đại học Griffith (Úc) cho biết. “Rõ ràng là Mỹ và các đồng minh không hài lòng. Có nhiều câu hỏi hơn mà họ muốn được giải đáp, nhưng những tuyên bố gần đây của Trung Quốc có thể thấy Bắc Kinh kiên định với tuyên bố: mọi việc đã xong”, Giáo sư Sara Davies nói,

3 nhà virus học Trung Quốc nhập viện cuối năm 2019?

Sau quá trình điều tra kéo dài một tháng ở Vũ Hán hồi đầu năm nay, nhóm chuyên gia quốc tế của WHO và các đối tác Trung Quốc kết luận rằng, khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là “cực kì khó xảy ra”. Nhóm cũng đưa ra ba giả thuyết khác, bao gồm: virus truyền qua người trực tiếp từ dơi; hoặc truyền từ dơi sang người qua một loài động vật trung gian khác; hoặc qua thực phẩm đông lạnh.

Tuy vậy, giả thiết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ngày càng được các chuyên gia và nghị sĩ nổi tiếng ở Mỹ quan tâm. Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ “tăng cường nỗ lực thu thập và phân tích thông tin nhằm đưa chúng ta đến gần hơn kết luận cuối cùng về nguồn gốc COVID-19” và “báo cáo lại cho tôi sau 90 ngày”. Báo Mỹ The Wall Street Journal đưa tin ngày 23/5, hồi tháng 11/2019, ba nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) phải nhập viện điều trị một bệnh không xác định.

Ý kiến của Việt Nam

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 27/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc WHO đang chuẩn bị tiến hành cuộc điều tra giai đoạn 2 để làm rõ nguồn gốc đại dịch COVID-19, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan y tế, các nhà khoa học, chuyên gia y tế trên thế giới vẫn đang nghiên cứu tìm hiểu về nguồn gốc và tính chất SARS-CoV-2. “Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp với các chủng và biến thể mới, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tập trung nguồn lực nghiên cứu để ngày càng có nhiều vắc-xin và phác đồ điều trị tốt nhất”, bà Hằng nói.

Bình Giang

Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc Mỹ “truyền bá các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch, như phòng thí nghiệm làm rò rỉ virus SARS-CoV-2”.

Theo ông Triệu, hành động của Mỹ cho thấy sự “thiếu tôn trọng” đối với cuộc điều tra của WHO, và có nguy cơ “phá hoại sự đoàn kết toàn cầu trong cuộc chiến chống lại virus”. “Nếu Mỹ thực sự muốn minh bạch hoàn toàn thì giống như Trung Quốc đã làm, mời các chuyên gia của WHO đến các trung tâm nghiên cứu sinh học Mỹ”. “Hãy mở cửa căn cứ quân sự Fort Detrick, và tất cả các phòng thí nghiệm sinh học mà Mỹ có trên khắp thế giới”, ông Triệu nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington (Mỹ) tuyên bố, Trung Quốc đã kêu gọi hợp tác quốc tế để truy tìm nguồn gốc COVID-19 “trên cơ sở tôn trọng sự thật và khoa học, nhằm đối phó tốt hơn với các dịch bệnh bất ngờ trong tương lai”. Việc chính trị hóa các cuộc điều tra không chỉ làm cho các nước “khó tìm ra nguồn gốc của virus” mà còn “cản trở nghiêm trọng sự hợp tác quốc tế về đại dịch”.

MỚI - NÓNG