Tổng thống Mỹ Biden điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thảo luận về cuộc xung đột Nga - Ukraine sau khi nhà lãnh đạo Ấn Độ thăm Ukraine, và về tình hình ở Bangladesh, nơi các cuộc biểu tình đã dẫn đến việc lật đổ Thủ tướng Sheikh Hasina đầu tháng này.
Tổng thống Mỹ Biden điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp vào tháng 9/2023. (Ảnh: Reuters)

Trong thông báo đăng trên mạng xã hội ngày 26/8, Thủ tướng Modi cho biết đã thảo luận về tình hình ở Ukraine với Tổng thống Biden qua điện thoại và "tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Ấn Độ đối với việc sớm khôi phục hòa bình và ổn định".

Thủ tướng Modi cũng cho biết hai bên nhấn mạnh "sự cần thiết phải đảm bảo an toàn, an ninh cho các nhóm thiểu số, đặc biệt là người theo đạo Hindu, ở Bangladesh".

Nhà Trắng ra thông cáo riêng về cuộc điện đàm, cho biết Tổng thống Biden khen ngợi chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Modi tới Ba Lan và Ukraine, và cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ "ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dựa trên luật pháp quốc tế, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc".

Tuần trước, Thủ tướng Modi đến thăm Ukraine, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ trong lịch sử hiện đại của Ukraine. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm tình hình trên chiến trường đang bất lợi cho Ukraine.

Mátxcơva tiếp tục tiến lên, dù chậm, trên chiến trường miền đông Ukraine. Trong khi đó, Kiev tiếp tục triển khai cuộc tấn công trong đất Nga. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Modi thúc giục Tổng thống Volodymir Zelensky ngồi lại đàm phán với Nga để chấm dứt chiến sự và đề nghị được đóng góp để tái thiết hòa bình.

Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi diễn ra sau khi ông thăm Nga hồi tháng 7. Việc ông ôm Tổng thống Vladimir Putin vào ngày xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa vào một bệnh viện nhi khiến Kiev tức giận. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã nêu quan ngại với Ấn Độ về mối quan hệ với Nga.

Ông Modi cho biết, trong cuộc điện đàm, hai bên cũng thảo luận về tình hình ở Bangladesh, nơi khoảng 300 người đã thiệt mạng trong đợt biểu tình bắt đầu vào tháng 7 của sinh viên. Phong trào biểu tình phản đối hạn ngạch việc làm leo thang thành cuộc biểu tình nhằm lật đổ cựu Thủ tướng Hasina.

Một chính phủ lâm thời do ông Muhammad Yunus đứng đầu đã tuyên thệ nhậm chức sau khi bà Hasina chạy sang Ấn Độ. Đã có báo cáo về các cuộc tấn công vào một số nhóm thiểu số ở Bangladesh, đặc biệt là người theo đạo Hindu, thời gian biểu tình diễn ra.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG