Tổng thống Ba Lan nhận định vụ tên lửa rơi khiến người dân thiệt mạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm qua nói rằng, tên lửa rơi xuống lãnh thổ nước này khiến hai người thiệt mạng ngày 15/11 “rất có thể được phóng bởi lực lượng phòng không Ukraine”.

“Nhiều khả năng một tên lửa do Nga chế tạo từ những năm 1970 đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan. Chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy tên lửa được phóng bởi Nga. Nhiều khả năng đó là một tên lửa phòng không của Ukraine”, Tổng thống Duda nói với các phóng viên.

Ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “không có khả năng Nga đứng sau vụ việc”. “Tôi không muốn nói cụ thể cho đến khi chúng tôi hoàn tất điều tra. Nhưng theo quỹ đạo, không có khả năng tên lửa được bắn bởi Nga”, ông Biden nói.

Ông Duda nói “đó là một tai nạn đáng tiếc”, không phải là một cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào lãnh thổ Ba Lan. Tổng thống cho rằng tên lửa đã rơi xuống Ba Lan khi lực lượng Ukraine đang cố gắng ngăn chặn các cuộc không kích của Nga. “Hiển nhiên và rất dễ hiểu là Ukraine đang tự bảo vệ mình bằng cách phóng tên lửa đánh chặn tên lửa Nga trên không. Vì vậy, Nga chắc chắn phải chịu trách nhiệm về vụ việc ngày hôm qua”, ông Duda nói.

Vụ việc ở Ba Lan xảy ra trong bối cảnh Ukraine hứng đợt không kích lớn nhằm vào nhiều khu vực khác nhau hôm 15/11. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhanh chóng cáo buộc Mátxcơva tấn công Ba Lan - một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng tên lửa, và hối thúc khối quân sự này trả đũa.

Tổng thống Ba Lan nhận định vụ tên lửa rơi khiến người dân thiệt mạng ảnh 1

Hiện trường vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan Nguồn: Twitter

Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập đại sứ Nga để yêu cầu giải thích. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận việc có liên quan đến vụ việc. Các chuyên gia của cơ quan này cũng đã phân tích bức ảnh chụp mảnh vỡ tên lửa và “xác định đây là bộ phận của tên lửa phóng từ hệ thống phòng không S-300 do Không quân Ukraine sử dụng”. Nếu đúng, tên lửa này có thể đến từ kho dự trữ mà Ukraine được thừa hưởng sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Mátxcơva xác nhận rằng trước đó, các máy bay và tàu chiến Nga đã tiến hành đợt không kích quy mô lớn vào các trung tâm chỉ huy và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Các cuộc tấn công có độ chính xác cao chỉ được thực hiện nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, cách biên giới Ukraine - Ba Lan ít nhất 35km. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng hệ thống tên lửa S-300 do Liên Xô thiết kế. Nhưng sau đó Mátxcơva đã nâng cấp và chuyển sang sử dụng S-400, S-500.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả phản ứng của phương Tây đối với vụ việc là “sự kích động”. “Các quan chức cấp cao từ các quốc gia khác nhau đã đưa ra những tuyên bố mà không có bất kỳ thông tin rõ ràng nào về những gì đã xảy ra”, ông Peskov nói với các phóng viên hôm 16/11. “Một phản ứng trắng trợn như vậy một lần nữa chứng tỏ rằng người ta không bao giờ nên vội vàng đưa ra những đánh giá và tuyên bố có thể làm tình hình leo thang”.

Máy bay NATO theo dõi tên lửa rơi xuống Ba Lan

Một máy bay của NATO đã theo dõi được đường đi của tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, một quan chức giấu tên từ liên minh quân sự nói với CNN nhưng không tiết lộ chi tiết.

Theo quan chức này, “thông tin tình báo với các dấu vết radar của tên lửa đã được cung cấp cho NATO và Ba Lan”. Tuy nhiên, nguồn tin không cung cấp thông tin chi tiết về việc tên lửa có thể được phóng từ đâu hoặc bởi ai. NATO đã thực hiện các chuyến bay giám sát thường xuyên ở sườn phía Đông của liên minh để theo dõi tình hình ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2. Các chuyến bay được thực hiện bởi một phi đội máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Boeing E-3A, trang bị radar tầm xa và cảm biến thụ động.

Hôm 15/11, truyền thông địa phương đưa tin hai công nhân đã thiệt mạng sau khi một tên lửa rơi trúng làng Przewodow của Ba Lan, gần biên giới Ukraine. Warsaw cho biết đây là “tên lửa do Nga sản xuất” và lập tức triệu tập Đại sứ Nga, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động cao.

MỚI - NÓNG