Lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 5490/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, KĐT mới trên địa bàn thành phố.
Hà Nội sẽ rà soát các dự án được chuyển tiếp từ các tỉnh khi sáp nhập vào Hà Nội. Trong ảnh: Dự án Khu đô thị Hà Nội WestGate (huyện Quốc Oai) sau hơn 10 năm vẫn “nằm trên giấy”. |
Theo đó, phạm vi, đối tượng kiểm tra, rà soát là các dự án khu nhà ở, KĐT mới được giao triển khai từ trước ngày 1/8/2008, được chuyển tiếp từ các tỉnh Hà Tây (trước đây), Hòa Bình, Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội sau khi hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính do nhà đầu tư đề xuất tiếp tục thực hiện.
Tổ công tác có trách nhiệm tập hợp đầy đủ hồ sơ của từng dự án; phân loại các dự án. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, đánh giá về các nội dung cụ thể: Thời hạn, hiệu lực các văn bản pháp lý liên quan của các dự án; nguồn gốc đất, hiện trạng quản lý, sử dụng đất; sự tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc của các dự án; thủ tục cần hoàn thiện quy hoạch, kiến trúc theo quy định hiện hành; sự tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở; sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đất đai khi thực hiện dự án.
Căn cứ kết quả rà soát, kiểm tra, Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá, kết luận đối với từng dự án; đề xuất giải pháp giải quyết đối với từng dự án đầu tư theo thẩm quyền; kiến nghị thành phố, các bộ, ngành nội dung liên quan.
La liệt các "siêu" dự án bỏ hoang
Theo đánh giá, hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị mới được phê duyệt ồ ạt ở các cửa ngõ Thủ đô như Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai... ngay trước thời điểm sáp nhập về Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn trong tình cảnh bỏ hoang, dở dang gây lãng phí.
Có thể kể đến như "siêu" dự án Hanoi WestGate (tên cũ là KĐT và dịch vụ phía Tây Quốc Oai) nằm trên địa bàn huyện Quốc Oai, dọc Đại lộ Thăng Long.
Hanoi Westgate có quy mô diện tích khoảng 44,4 ha thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 3/7/2008.
Cũng trong năm 2008, chính quyền (khi đó là UBND tỉnh Hà Tây giai đoạn chưa sáp nhập vào Hà Nội) đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, cho phép đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT và có Quyết định về việc giao chính thức hơn 44 ha đất nói trên cho Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp để thực hiện dự án KĐT Hà Nội WestGate (giai đoạn 1).
Đến tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Ivestment Hà Nội Pte.Lte) đầu tư dự án KĐT Hà Nội Westgate. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư là gần 3.000 tỷ đồng.
Sau khi hết hạn đầu tư, chủ đầu tư dự án Hanoi Westgate lại xin điều chỉnh một số nội dung đầu tư và xin thêm 5 năm để thực hiện và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận. Cụ thể, chủ đầu tư tiến hành thi công xây dựng từ quý IV/2018 và cam kết đưa công trình khai thác vào quý IV/2023. Tuy nhiên, đến nay “siêu” dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.
Hay dự án KĐT Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) - vốn thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước khi các xã này sáp nhập về Hà Nội tháng 8/2008) do Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân làm chủ đầu tư với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha sau gần 15 năm vẫn chỉ "nằm trên giấy". |
Dự án Khu đô thị Tiến Xuân Sudico nằm trong danh sách 29 dự án có dấu hiệu vi phạm, đề nghị bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt dự án đầu tư. |
Dự án khởi công từ năm 2007, tuy nhiên đến nay gần 15 năm dự án vẫn nằm trong tình trạng “treo”, dự án vẫn ở "trên giấy" khiến cuộc sống người dân có đất nằm trong quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Mới đây, UBND TP Hà Nội có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Trong đó, dự án KĐT Tiến Xuân Sudico nằm trong danh sách 29 dự án có dấu hiệu vi phạm, đề nghị bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt dự án đầu tư.
Cũng từng gây sốt trên thị trường bất động sản phía Bắc Thủ đô, đến nay các KĐT mới, các dự án nhà ở tại huyện Mê Linh (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), vẫn là những khu đất trống, những khu nhà xây dở dang lâu ngày không một bóng người.
Theo UBND TP. Hà Nội, qua tổng hợp theo dõi, rà soát của các sở ngành TP, trên địa bàn huyện Mê Linh sau thời điểm hợp nhất, mở rộng Thủ đô có 51 dự án xây dựng KĐT, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.759,5 ha.
Báo cáo về tình hình triển khai các dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết về thủ tục đầu tư, có 50 dự án đã được giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nhiều dự án nhà ở tại huyện Mê Linh đã bỏ hoang nhiều năm nay. |
Trong số đó có 3 dự án mới giao chủ đầu tư, chưa được chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư (Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh; Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh; Mở rộng dự án khu đô thị Cienco 5 tại huyện Mê Linh); một dự án chưa được giao chủ đầu tư, đang nghiên cứu lập quy hoạch (Khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp).
Về thủ tục quy hoạch, UBND TP cho biết có 47 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó: 36 dự án phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch; 11 dự án không phải điều chỉnh quy hoạch; 4 dự án chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt (gồm các dự án KĐT mới Mê Linh - Đại Thịnh, KĐT mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, Khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp; Xây dựng và kinh doanh Trung tâm thương mại, văn phòng căn hộ, khu tập luyện thể thao).
Về thủ tục đất đai, theo UBND TP có 48 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất (34 dự án) hoặc đã ban hành quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (14 dự án).
Về việc giải phóng mặt bằng, có 20 dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, 18 dự án đang giải phóng mặt bằng và 13 dự án chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, có 20 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án với tổng số tiền đã nộp khoảng 678 tỷ đồng, 8 dự án đã hoàn thành một phần nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền khoảng 252 tỷ đồng (còn nợ khoảng 367 tỷ đồng); 23 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (do chưa có cơ sở quản lý thu)...