Tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước từ thông tin tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước

Tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước từ thông tin tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước
Công tác tổng hợp và lập báo cáo tài chính đòi hỏi sự đồng bộ, kịp thời từ phía các bộ ban ngành, địa phương. Trong bài viết, tác giả nêu một số điểm mới trong hướng dẫn lập báo cáo tài chính đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Triển khai thực hiện lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) theo quy định tại Luật Kế toán năm 2015 và Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 của Chính phủ về BCTCNN, liên quan đến việc cung cấp thông tin tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước để lập BCTCNN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn lập BCTCNN; Công văn số 2728/BTC-KBNN ngày 11/03/2019 hướng dẫn gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính để triển khai lập BCTCNN năm 2018 và Công văn số 5772/BTC-KBNN ngày 21/05/2019 sửa đổi, bổ sung Công văn số 2728/BTC-KBNN ngày 11/03/2019.

Theo đó quy định, các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin tài chính để lập BCTCNN gồm: Cơ quan thuế các cấp, Tổng Cục Hải quan, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính, Cục Quản lý công sản, Tổng cục Dự trữ nhà nước ở trung ương và Sở Tài chính ở địa phương. Đây là những đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về một số nguồn lực và nghĩa vụ của nhà nước gồm: Các khoản thu NSNN, nợ công, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản công, dự trữ quốc gia. Do đó, những thông tin mà các đơn vị này quản lý và theo dõi là những thông tin rất quan trọng cần tổng hợp vào BCTCNN bên cạnh các dòng thông tin trên Báo cáo tài chính của các đơn vị dự toán cấp I.

Xuất phát từ yêu cầu của BCTCNN đã được quy định tại Luật Kế toán năm 2015, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 về Báo cáo tài chính nhà nước (Nghị định 25) và Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập báo cáo tài chính nhà nước (Thông tư 133); đặc biệt để đáp ứng kịp thời cho công tác triển khai thực hiện lập BCTCNN năm 2018 thì việc nghiên cứu thực trạng, chỉ rõ được những thông tin tài chính nào của các cơ quan quản lý nêu trên cần được tổng hợp, tổng hợp như thế nào, vướng mắc gì và cách thức thực hiện ra sao sẽ được phân tích cụ thể trong bài viết này.

Về đối tượng cung cấp thông tin

Theo quy định tại Điều 2 và Điều 5, Thông tư 133, các cơ quan quản lý nhà nước phải cung cấp thông tin để lập BCTCNN gồm:

Cơ quan thuế các cấp cung cấp cho KBNN đồng cấp theo số liệu tương ứng với số liệu của từng cấp để tổng hợp vào Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính (THTTTC) huyện, BCTCNN tỉnh và BCTCNN toàn quốc.

Cục Quản lý công sản cung cấp cho KBNN số liệu chi tiết theo từng địa bàn để tổng hợp số liệu tương ứng vào Báo cáo THTTTC huyện, BCTCNN tỉnh và BCTCNN toàn quốc.

Sở Tài chính cung cấp cho KBNN số liệu để tổng hợp vào BCTCNN tỉnh.

Tổng cục Hải quan cung cấp cho KBNN số liệu tổng hợp toàn ngành để tổng hợp vào BCTCNN toàn quốc;

Tổng cục Dự trữ nhà nước cung cấp số liệu tổng hợp toàn ngành và số liệu dự trữ quốc gia được theo dõi tại các bộ, ngành để tổng hợp BCTCNN toàn quốc

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính cung cấp số liệu quản lý cho KBNN để tổng hợp BCTCNN toàn quốc

Tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước từ thông tin tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước ảnh 1
 

Về nội dung cung cấp thông tin

Điều 5 Thông tư 133 quy định nội dung Báo cáo cung cấp thông tin tài chính (BCCCTTTC) của các đơn vị nêu trên như sau:

Cơ quan thuế các cấp cung cấp báo cáo về số thu thuế, phí, lệ phí và thu nội địa khác phát sinh trong năm báo cáo; tiền, phải thu, phải trả tại thời điểm kết thúc năm báo cáo liên quan đến nghiệp vụ thu thuế và các khoản thu nội địa khác giao cơ quan Thuế quản lý theo hướng dẫn tại chế độ kế toán nghiệp vụ thuế nội địa;

Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cung cấp báo cáo theo mẫu số 03/CCTT kèm theo Thông tư 133, phản ánh thông tin tài chính nhà nước liên quan đến tài sản công theo từng địa bàn (trung ương, tỉnh, huyện) được Cục theo dõi, quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Sở Tài chính cung cấp báo cáo theo Mẫu số 04/CCTT kèm theo Thông tư 133, phản ánh thông tin tài chính nhà nước liên quan đến vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác (nếu có) do địa phương quản lý.

Tổng cục Hải quan cung cấp báo cáo về số thu thuế, phí, lệ phí phát sinh trong năm báo cáo; tiền, phải thu, phải trả tại thời điểm kết thúc năm báo cáo liên quan đến nghiệp vụ thu thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng dẫn tại Thông tư số 112/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 174/2015/TT-BTC ngày 10/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Thông tư 112);

Tổng cục Dự trữ nhà nước cung cấp báo cáo tài chính tổng hợp của hoạt động dự trữ quốc gia được lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 108/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán dự trữ quốc gia (Thông tư 108);

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cung cấp báo cáo tài chính của Quỹ tích lũy trả nợ được lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 109/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho Quỹ tích lũy trả nợ (Thông tư 109). Ngoài ra, nội dung thông tin về nợ công sẽ được tổng hợp vào BCTCNN từ số liệu do KBNN theo dõi theo quy định của Thông tư số 74/2018/TT-BTC ngày 16/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ (Thông tư 74).

Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cung cấp báo cáo theo Mẫu số 01/CCTT kèm theo Thông tư 133 phản ánh vốn của nhà nước tại doanh nghiệp do trung ương quản lý tại thời điểm kết thúc năm báo cáo; báo cáo tài chính của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp lập theo hướng dẫn tại Chế độ kế toán áp dụng cho Quỹ.

Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính - Bộ Tài chính: Báo cáo theo Mẫu số 02/CCTT kèm theo Thông tư 133 phản ánh vốn của nhà nước tại ngân hàng và các tổ chức tài chính do trung ương quản lý tại thời điểm kết thúc năm báo cáo.

Với mục tiêu hướng dẫn mang tính lâu dài cho công tác tổng hợp, lập BCTCNN, ngoại trừ một số đơn vị cung cấp thông tin theo các biểu mẫu 01/CCTT, 02/CCTT, 03/CCTT. 04/CCTT quy định tại Thông tư 133, đa số các đơn vị sẽ cung cấp các số liệu và báo cáo theo quy định tại chế độ kế toán của đơn vị (cơ quan thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Quỹ Tích lũy trả nợ, số liệu về nợ công, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp). Tuy nhiên, các Thông tư 112, Thông tư 108, Thông tư 109, Thông tư 74 nêu trên được áp dụng từ 01/01/2019; riêng chế độ kế toán nghiệp vụ thuế nội địa hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, theo đó, đối với năm tài chính 2018, các đơn vị này một số đơn vị vẫn đang thực hiện kế toán, thống kê, báo cáo các số liệu và thông tin tài chính trên cơ sở chế độ kế toán cũ chưa đáp ứng yêu cầu lập BCTCNN. Cụ thể:

Đối với cơ qua thuế các cấp và Tổng cục Hải quan, căn cứ yêu cầu thông tin cho BCTCNN nêu trên, các đơn vị này chưa có số liệu kế toán đầy đủ về phải thu, phải trả liên quan đến các khoản thu được giao quản lý. Để có thể đáp ứng yêu cầu thông tin của BCTCNN, 02 đơn vị này sẽ phải tổng hợp từ số liệu thống kê.

Đối với Tổng cục Dự trữ nhà nước, năm 2018 đang thực hiện kế toán theo Thông tư số 142/2014/TT-BTC ngày 25/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia (Thông tư 142) mới chỉ có số liệu dự trữ do Bộ Tài chính theo dõi mà chưa tổng hợp được số liệu dự trữ của các bộ, ngành khác (trong đó có cả phần giao cho các doanh nghiệp quản lý).

Đối với Quỹ Tích lũy trả nợ (do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại quản lý), năm 2018 đang thực hiện kế toán theo Thông tư số 170/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ Tích luỹ trả nợ (Thông tư 174) có quy định lập Báo cáo tài chính Quỹ. Về cơ bản, phản ánh một số thông tin trình bày trên BCTCNN, ngoại trừ một số nội dung liên quan về lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước gồm: Thông tin về tiền thu lãi, phí của các khoản cho vay, ủy thác đầu tư; tiền chi cho vay, ủy thác đầu tư; tiền thu gốc vay, ủy thác đầu tư…

Đối với số liệu nợ công, do Thông tư 74 được áp dụng từ ngày 01/01/2019, đối với năm 2018 việc tổng hợp số liệu nợ công vẫn do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thực hiện. Tuy nhiên, để có thể theo dõi các thông tin đủ chi tiết, phục vụ cho tổng hợp và thuyết minh trên BCTCNN, số liệu về nợ công vẫn phải thực hiện lấy từ số liệu thống kê của các đơn vị trực tiếp thực hiện nghiệp vụ. Cụ thể, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại báo cáo thông tin về nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, cho ngân sách địa phương vay lại; Vụ NSNN báo cáo thông tin nợ vay các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách... KBNN báo cáo thông tin nợ trong nước của Chính phủ (ngoài các nội dung do Vụ NSNN thực hiện).

Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về quản lý nợ của chính quyền địa phương, từ năm 2018 (Nghị định 93), Vụ NSNN có trách nhiệm tổng hợp số liệu nợ chính quyền địa phương theo Phụ lục II, III tại Nghị định này. Các báo cáo cũng cơ bản phản ánh các thông tin về vay nợ, số thực trả lãi, phí; tuy nhiên, số liệu vay nợ chính quyền địa phương chưa phân biệt ngắn hạn, dài hạn; số liệu thực trả lãi, phí chỉ phản ánh một phần chi phí (dồn tích) của BCTCNN. Trong đó, KBNN có thông tin cơ bản về nợ chính quyền địa phương ngắn hạn, dài hạn.

Đối với Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (do Cục Tài chính doanh nghiệp quản lý), năm 2018 đang thực hiện kế toán theo Công văn số 10360/BTC-QLKT ngày 24/8/2018, cũng đã cơ bản phản ánh một số thông tin để trình bày trên BCTCNN, ngoại trừ: các khoản lỗ (chi phí) phát sinh liên quan đến hoạt động đầu tư của Quỹ trên Báo cáo tình hình hoạt động Quỹ (B02-QHTSXPTDN) và không phân biệt luồng tiền thu gốc và thu lãi đối với các khoản cho vay, đầu tư của Quỹ trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (B02-QHTSXPTDN).

Phương án cung cấp thông tin cho BCTCNN

Để đảm bảo thông tin cho KBNN triển khai lập BCTCNN năm 2018, cần thiết kế riêng mẫu biểu Báo cáo cung cấp thông tin tài chính của năm 2018 cho từng đơn vị theo hướng vừa đảm bảo các nội dung cơ bản của BCTCNN, đồng thời, phù hợp với chế độ kế toán hiện hành của đơn vị.

Theo đó, để đảm bảo tổng hợp và trình bày được những thông tin cơ bản nhất chỉ xây dựng mẫu cung cấp thông tin cho những đơn vị chưa thực hiện kế toán, chỉ thực hiện thống kê số liệu là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (thông tin về nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, cho ngân sách địa phương vay lại), Tổng cục Dự trữ nhà nước (ngoài số liệu kế toán số liệu dự trữ do Bộ Tài chính quản lý, còn phải thống kê tổng hợp số liệu dự trữ của các bộ, ngành).

Đối với các đơn vị đã thực hiện kế toán, lập báo cáo gồm Quỹ Tích lũy trả nợ, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, trước mắt chỉ yêu cầu các đơn vị này lập và gửi báo cáo tài chính theo chế độ kế toán hiện áp dụng do các nội dung còn thiếu nêu trên để xử lý, bóc tách số liệu là tương đối khó, nội dung không trọng yếu và việc tổng hợp Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của nhà nước trước mắt có thể thực hiện theo hướng đơn giản nên chưa cần yêu cầu đơn vị phải báo cáo ngay cho năm 2018. Theo đó, sẽ chỉ tổng hợp một số thông tin tài chính hiện có trên báo cáo của các đơn vị này vào BCTCNN năm 2018.

Riêng với số liệu của Vụ NSNN, KBNN thực hiện tổng hợp BCTCNN tỉnh từ số liệu nợ địa phương từ Báo cáo tình hình vay và trả nợ của chính quyền địa phương năm 2018 chi tiết theo từng tỉnh (mẫu quy định tại Phụ lục III, Nghị định 93). Lưu ý là việc tổng hợp sẽ thực hiện với các thông tin hiện có của đơn vị và những thông tin KBNN đang theo dõi. Với số liệu nợ vay các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, KBNN tổng hợp vào BCTCNN toàn quốc từ Báo cáo thực hiện vay, trả nợ trong nước theo dõi theo đối tượng của Chính phủ (mẫu B01/TN quy định tại Thông tư 74), điều này cũng phù hợp với định hướng hướng dẫn của thông tư hướng dẫn chế độ kế toán nợ công.

Có thể nói, bên cạnh những thông tin tài chính nhà nước được tổng hợp từ đơn vị dự toán cấp I, việc xác định nguồn thông tin đầu vào của khối các cơ quan quản lý cũng là một nội dung rất quan trọng để triển khai tổng hợp lập BCTCNN, đặc biệt là đối với thực trạng số liệu, thông tin của năm 2018. Trong bối cảnh thực tế là thời hạn lập BCTCNN không còn nhiều, nhất là đối với BCTCNN tỉnh (chậm nhất trước 01/10), cần sớm hướng dẫn cho các đơn vị theo cách tiếp cận nêu trên. Điều này cũng phù hợp với việc xác định công tác lập BCTCNN sẽ là một quá trình lâu dài và cần định hình rõ lộ trình và mục tiêu thích hợp cho từng giai đoạn./.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.