Nhưng cơ quan chủ quản của Vietnamnet là VNPT hiện còn lưu lá đơn của chính ông TBT Nguyễn Anh Tuấn viết. Nguyên văn như sau.
Nguyễn Anh Tuấn với Thượng nghị sĩ J.McCain( trái) ở Washington DC tháng 6/2005. Ảnh: Xuân Ba |
Hà Nội ngày 20 tháng 3 năm 2008
Đơn xin nghỉ việc.
Kính gửi ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ban tổ chức cán bộ Tập đoàn.
Tôi là Nguyễn Anh Tuấn Giám đốc Công ty phần mềm và truyền thông VASC kiêm Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet. Tôi làm đơn này kính đề nghị ông và lãnh đạo Tập đoàn cho tôi được nghỉ việc từ ngày 1 tháng tư năm 2008.
Lý do: Tôi làm việc trong Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đến nay đã được 18 năm (7 năm ở Bưu điện Khánh Hòa, 11 năm ở VASC và Vietnamnet). Trong thời gian qua, tôi đã nỗ lực làm việc hoàn thành nhiệm vụ do lãnh đạo giao, nay tôi muốn dành thời gian cho cuộc sống bản thân và gia đình.
Trong thời gian làm việc ở Tập đoàn, tôi đã được nhiều lãnh đạo (Bưu điện Khánh Hòa, lãnh đạo Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) quan tâm hỗ trợ và đào tạo, bồi dưỡng để tôi trưởng thành.
Nhiều cán bộ, nhân viên cùng làm việc đã hợp tác cùng tôi nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Tôi xin ghi nhận và tỏ lòng biết ơn với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi có môi trường làm việc để tôi có cơ hội cống hiến và trưởng thành.
Tôi xin được bàn giao các công việc ở VASC cho người có trách nhiệm theo đúng quy định của Tập đoàn.
Kính mong ông Tổng Giám đốc chấp nhận nguyện vọng nghỉ việc của tôi.
Xin trân trọng cám ơn
Người đề nghị
Nguyễn Anh Tuấn
Một lá đơn đúng mực cả về văn phạm ngôn từ, quy định của ngạch hành chính. Và đơn thuần chỉ là ông TBT Nguyễn Anh Tuấn xin nghỉ việc! Làm chi có chuyện mất chức?
Một tờ báo đang nổi trội trong mặt bằng báo điện tử nước Nam, hàng ngày có vài triệu lượt người truy cập, phụ trách một tờ báo như vậy há lại chẳng sướng sao? Bỗng dưng lại muốn dành thời gian cho cuộc sống bản thân và gia đình vv… và vv… Hay là có thứ chi đó mới hấp dẫn hơn đã cuốn hút TBT Nguyễn Anh Tuấn?
Tôi buông lá đơn xuống. Tâm trí ngược về cái ngày tháng sáu năm 2005. Chắc nhiều người còn nhớ, thời gian ấy rầm lên cái tin lẫn chuyện tốp phóng viên trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải bị một số kẻ quá khích rượt đánh ngay trước cửa Nhà Trắng.
Sự thật như thế nào thì nhiều người đã nói đã viết trong đó có tôi. Nhưng Nguyễn Anh Tuấn là người sớm nhất, ngay từ WashingtonDC, cụ thể ngay tại trước cửa Nhà Trắng ở đại lộ Pensylvanya đã chỉnh trang lại mớ thông tin bị nhiễu do đồn thổi ấy.
Chuyện thì hơi dài. Nhưng tóm lược thế này. Cụ thể, tốp phóng viên ấy gồm Phạm Khắc Lãm, nguyên TGĐ Đài truyền hình T.Ư , TBT Tạp chí Việt Mỹ; Lưu Vinh, Phó TBT Báo CAND; Nguyễn Anh Tuấn, TBT Vietnamnet và tôi. Do nán lại chỗ họp báo sau cuộc gặp giữa TT G. Bush và TT Phan Văn Khải hơi lâu nên chúng tôi ra xe bị trễ.
Đột nhiên một nhóm người vẻ mặt bặm trợn đã hung hãn lao vào bốn phóng viên. Có lẽ ý thức ngay được chuyện tránh… người mình (đang trong cơn hiểu lầm lẫn nóng giận?) thì chẳng xấu mặt nào?! Với lại đang trong tình thế nguy cấp, nên chúng tôi không chạy thẳng mà quay trở lại Nhà Trắng mặc dầu khi ấy cửa đã đóng!
Vài cú đá lẫn đạp lẫn chai nước vỏ nhựa đập vào người có lẽ chả nhằm nhò chi lắm. May nữa là tốp quân cảnh (luôn trực trước cửa Nhà Trắng 24/24) đã lao ngay ra can thiệp tức thì. Tất thảy chúng tôi cả bốn anh em bình an vô sự. Chuyện đại loại chỉ có thế không hiểu sao nhiều tờ báo (trong đó có cả những hãng truyền thông tên tuổi) lại nói chúng tôi bị hành hung chí tử !?
Ngồi trong phòng đợi xe đến đón có cảnh sát Mỹ canh gác, Nguyễn Anh Tuấn rút ngay ra cái điện thoại cầm tay. Bằng một chất giọng bình thản, Tuấn đang kể lại với ai đó sự việc vừa xảy ra như nó vốn có. Mà kể chi tiết lắm. Tôi thầm trách Tuấn vội chi mà đã toang toác lên như vậy?
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (bên phải) trong một cuộc đối thoại trực tuyến |
Rõ cái anh này hơi đa sự! Vòng vo điện thoại cả vòng trái đất như thế chỉ tổ chết tiền. Tay này xài sang gớm! Nhưng hỡi ơi, lúc ấy tôi đâu có biết rằng TBT Nguyễn Anh Tuấn đang làm cái việc tường thuật tại chỗ cho bộ phận bên nhà ghi âm rồi ngay sau đó tãi ra để ném tức thì lên mạng!
Đơn giản như thế mà tôi không nghĩ ra! (Trong chuyến đi ấy và nhiều chuyến sau này nữa khi hành nghề ở đất khách quê người, TBT Nguyễn Anh Tuấn đều có cung cách hành nghề vừa sinh động và mau lẹ lẫn hiệu quả như thế!).
Nói thì đơn giản, nhưng rất ít đồng nghiệp theo được kinh nghiệm hành nghề ấy của Tuấn, đơn giản là kinh phí điện thoại quá tốn kém mà luôn mồm hàng chục phút như thế ít anh nào chịu thấu… Như đã nói, tường thuật sinh động của Tuấn ngay tại bốt của cảnh sát trên đại lộ Pennsylvania trước cửa Nhà Trắng của Washington DC trưa đó, chỉ hơn tiếng đồng hồ sau toàn bộ sự kiện (không lấy chi vui vẻ lắm ấy) đã được cư dân mạng tiếp cận qua Vietnamnet có trụ sở ở số 4 Láng Hạ, Hà Nội, Việt Nam!
Say nghề thì là cái cách nói nhã. Với Tuấn, phải gọi là máu mê nghề báo? Phòng ở trong chuyến đi ấy của tôi kề với phòng của Tuấn. Không biết Tuấn ngủ vào lúc nào, nếu không sùng sục bám chương trình thì bận nào hé cửa sang cũng đều thấy Tuấn ngồi lù lù trước cái laptop đã nối mạng.
Thi thoảng tôi lại pha cho Tuấn gói mỳ, trước nhất gọi là trả công cho gọi nhờ vài phút điện thoại hoặc email hộ, sau nữa biết Tuấn có thói nhịn trường! Và bận nào cũng thế, Tuấn chẳng bao giờ từ chối và xì xụp bát mỳ như một thứ thời trân! Lợi thế của một người từng đào tạo ở Harvard khiến Tuấn nổi trội trong đám đồng nghiệp tháp tùng nhiều thứ mà dễ thấy nhất là ngoại ngữ.
Nhưng không chỉ ngoại ngữ… Chiều cái hôm mà hồi trưa chúng tôi gặp nạn ấy, có buổi tiệc của Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry đồng tổ chức chào mừng Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam. Tôi rất muốn tiếp xúc với ngài Thượng nghị sĩ nổi danh từng được dân Thủ đô Hà Nội vớt lên và thoát chết ở hồ Trúc Bạch mùa hè năm 1967 nhưng làm sao mà nhận ra ông trong hàng trăm quan khách ăn vận sang trọng kia?
Nhăm nhăm đợi đối tượng của mình vào bàn tiệc thì không thể và sau bữa tiệc để gặp thì có mà đến mồng thất! Tôi sực nhớ đến Tuấn bao giờ cũng tìm ra và có cung cách hành nghề độc đáo trong các cuộc gặp bất chợt và eo hẹp kiểu như thế này. Kìa, Tuấn đang choãi người như đang bơi trong đám khách ken đặc trước cửa phòng tiệc.
Tôi bám theo. Chao ôi, cái người cao ngồng ăn mặc chĩnh chiện có mái đầu bạc khả kính mà Tuấn đang tíu tít hỏi han kia đích thị là Thượng nghị sĩ J. McCain! Tôi đã nhận ra không phải bằng vào vết sẹo từ năm nảo năm nao giờ hẵng còn bầm một bên má trái mà là do từng nhiều bận được chứng kiến khuôn hình ấy trên ti vi trên mặt báo khi thì trong diễn đàn của Quốc hội Mỹ khi thì trong nhóm Thượng viện hoặc các cuộc hội thảo bàn những việc nhằm bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Bây giờ gẫm lại mới thấy Tuấn chọn J. McCain, vị kiến trúc sư của quan hệ Mỹ Việt để mà hành nghề trong thời điểm ấy là đặc sách và bài phỏng vấn độc quyền Tuấn tung ra trên Vietnamnet ngay đêm ấy là thứ hàng độc trong số những thông tin về chuyến thăm. Tôi thấy mình cũng có chút an ủi khi chớp được mấy tấm ảnh của vị Thượng nghị sĩ khả kính kia với một ký giả Việt Nam là TBT Nguyễn Anh Tuấn.
Rồi cái đêm ở New York tháng 9 năm ngoái. Chuông reo vào lúc khuya khoắt nhất căn phòng của tôi với nhà văn Hữu Ước. Nguyễn Anh Tuấn lù lù bước vào. Không có mặt trong nhóm báo chí tháp tùng TT Nguyễn Tấn Dũng đến Trụ sở LHQ vì Tuấn từ tháng trước phải bận việc ở Boston, nhưng Tuấn đã bay từ đó lên đây chơi với anh em.
Nói chơi cũng chả phải. Tuấn đã trao đổi cặn kẽ những công việc cần làm tức thì với phóng viên của mình đi theo đoàn. Cũng đêm ấy, chúng tôi biết thêm được nhiều thông tin có thể dùng ngay kiểu thời sự cũng được hoặc giả găm làm lương khô cho những cuộc viết sau này của một người có thể nói khá am tường về một địa bàn, về những riềng mối chính trị giăng mắc này khác mà chúng tôi vốn đang hết sức ú ớ…
… Thế mà bây chừ, cái người lúc nào cũng sùng sục và hình như bị trời hành kia bởi không có cái thú nào khác ngoài công việc lại đùng cái, nói như trong đơn là dành thời gian cho cuộc sống bản thân và gia đình!?
Vâng. Đành nhẽ nhân vô thập toàn và có nhiều người số phận thường có những khúc rẽ đột ngột như thế lắm! Nhưng tôi cứ mang máng phải là ai kia chứ Tuấn chả thể ngoắt lẫn lẹ như vậy? Cố không nhìn vào lá đơn, tôi thử xoáy cái nhìn vào khuôn mặt quen thuộc mà từ năm 1996 khi tôi gặp Tuấn lần đầu trong đội hình 10 gương mặt tiêu biểu của giới trẻ Việt Nam.
Hình như những nét thẳng thắn nhưng không bao giờ đạt đến độ ngang tàng, tươi trẻ lẫn đam mê nhưng khó mà ngờ ngệch từ những năm xa ấy vẫn luôn thường trực? Tuấn cũng nhìn thẳng vào người đối diện với cái cười cởi mở nhiều người cũng hỏi tôi như anh thôi. Lý do rất đơn giản và tôi không bao giờ thay đổi quyết định của mình…
------------------
(Còn tiếp)