Tổng Bí thư 'điểm tướng' chống tham nhũng

Tổng Bí thư 'điểm tướng' chống tham nhũng
TPO - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm 5 phó ban, trong đó phó Ban thường trực do Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đảm trách.

> Bí thư Phú Thọ làm Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư
> Tân Phó Ban Nội chính TƯ: Tôi luôn sẵn sàng!

> Toàn cảnh nhân sự Ban Nội chính Trung ương

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, hôm nay (4-2), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng ta quyết tâm phòng, chống tham nhũng.  

Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN.

Sáng nay, 4-2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp. 

Tại phiên họp, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị.

Ban Chỉ đạo gồm 16 đồng chí, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban. Sáng nay, Ban Chỉ đạo ra mắt.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ra mắt. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ra mắt. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng có 16 ủy viên, gồm các đồng chí trong một số ban của Đảng, Bộ Công an, Viện kiểm sát, tòa án, kiểm toán, thanh tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có 5 phó ban (gồm một số vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội), trong đó phó Ban thường trực do Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh đảm trách.

Tiếp đó, các thành viên Ban Chỉ đạo nghe báo cáo và thảo luận dự kiến phân công nhiệm vụ với các thành viên; Báo cáo về công tác PCTN trong thời gian vừa qua; Báo cáo những thông tin cơ bản về một số vụ án lớn cần quan tâm chỉ đạo; Chương trình công tác năm 2013.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI).

Theo Tổng Bí thư, việc này xuất phát từ yêu cầu khách quan với mong muốn và quyết tâm cao hơn tạo bước chuyển biến mới, rõ rệt hơn nữa trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và lãng phí.

Việc phòng chống tham nhũng đã được Đảng ta làm nhiều lần, coi là “quốc nạn” và cần phải tiếp tục làm một cách kiên trì, quyết liệt, lâu dài. Lần này, chúng ta sẽ tiến hành trên cơ sở kế thừa những cái đã có, vừa có những điểm mới bổ sung, phát triển.

Đây là công việc vô cùng hệ trọng nhưng cực kỳ phức tạp khó khăn vì liên quan tới lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, chủ nghĩa cá nhân, đụng chạm tới người có chức có quyền. Lần này có thuận lợi là toàn Đảng, toàn dân hết sức quan tâm; Đảng ta quyết tâm phòng chống tham nhũng.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị với cơ quan thường trực là Ban Nội chính Trung ương sẽ tạo cơ sở pháp lý và hiệu lực cao hơn trong việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Ban cũng phải chịu sức ép rất lớn vì sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tổng Bí thư yêu cầu trong hoạt động của Ban trên một lĩnh vực lớn, phức tạp, khó khăn, trước hết cần nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ, lề lối làm việc, quan hệ công tác; Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các Ban Chỉ đạo trước đây đã làm, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; Tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, là tập thể đoàn kết, phối hợp công tác rất nhịp nhàng.

Mỗi thành viên, cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, “liêm, dũng, chính, trực” tức là phải trong sạch, có dũng cảm, ngay thẳng, trung thực, công tâm, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào. Làm được như vậy thì dân mới tin.

Cơ quan thường trực là Ban Nội chính phải sớm được kiện toàn, sắp xếp cán bộ theo hướng tinh, hiệu quả. Tổng Bí thư đề nghị mỗi đồng chí trong Ban Chỉ đạo phải tham gia tích cực vào công việc chung của Ban. Trên cơ sở ý kiến đóng góp tại phiên họp này sẽ xác định rõ chương trình, nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 và toàn khóa

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng . Ảnh: TTXVN

Trong phiên họp này, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chính thức ra mắt.

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương bao gồm: Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh, Phó trưởng Ban Phan Đình Trạc, Nguyễn Doãn Khánh, Phạm Anh Tuấn.

Ngày 31-1, đã chuyển 86 cán bộ, nhân viên của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sang Ban Nội chính Trung ương.

Chiều 1-2, đã chuyển giao 22 cán bộ, công chức của Vụ Nội chính và Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Trung ương Đảng về Ban. Về mặt cơ học, Ban Nội chính Trung ương có 108 cán bộ, công chức không tính lãnh đạo Ban.

Trong phiên họp đầu tiên, Ban chỉ đạo Trung ương phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xác định những định hướng công tác năm 2013.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, xây dựng chương trình công tác trọng tâm trong năm 2013, gồm một số nội dung:

1. Công tác kiện toàn tổ chức, ổn định hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 (khóa XI).

Trước mắt, tập trung xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, các ban cán sự đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, chỉ đạo kiện toàn tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng (Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng thuộc Bộ Công an; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao).

2. Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng tham mưu cho Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội về phòng ngừa tham nhũng, hạn chế tính hình thức của một số giải pháp phòng ngừa hiện nay...

3. Chú trọng kiểm tra, giám sát công tác xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên có thẩm quyền trong việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, các thông tin qua báo chí về tham nhũng.

4. Chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ việc tham nhũng: Chỉ đạo, đôn đốc Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ và xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung đẩy mạnh công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các thông tin về tham nhũng.

5. Các kỳ họp chính của tập thể Ban Chỉ đạo TƯ phòng, chống tham nhũng: Ngoài các phiên họp định kỳ, còn có các cuộc giao ban công tác phòng, chống tham nhũng với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; các cuộc họp đột xuất bàn chủ trương xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp.

N.C.Khanh - VOV

Theo Viết
MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.